Tham nhũng phải tử hình !?

mesu mesu @mesu

Tham nhũng phải tử hình !?

(ĐSPL)  Tử hình là hình phạt có tính răn đe, trừng trị nghiêm khắc nhất, được áp dụng đối với những người phạm tội. Vì vậy, có nên bỏ hay không?

04/05/2015 08:04 AM
391

Vấn đề nên hay không bỏ án tử hình ở Việt Nam, đa số chuyên gia tư pháp và người dân cơ bản đồng thuận với dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) mà Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 7/4/2015. Theo dự án này, Chính phủ đề xuất bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình.

Tham nhũng, phải tử hình

PGS.TS Nguyễn Tất Viễn (thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương): Tử hình là hình phạt có tính răn đe, trừng trị nghiêm khắc nhất, được áp dụng đối với những người phạm tội xét thấy không còn khả năng cải tạo và cần phải loại trừ ra khỏi đời sống xã hội.

Việc quy định hình phạt này trong các Bộ luật hình sự (BLHS) 1985, 1999, 2009 cũng như áp dụng đúng đắn trong thực tiễn đã khẳng định chính sách hình sự nghiêm minh, công bằng, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử của đất nước.

Nghiên cứu các quy định về hình phạt tử hình trong các BLHS nêu trên, chúng ta thấy rõ rằng xu hướng giảm hình phạt tử hình là chủ yếu.

 - Ảnh 1Phóng to

PGS.TS NGUYỄN TẤT VIỄN

Lần sửa đổi BLHS năm 1997 có 44 tội danh áp dụng hình phạt tử hình, BLHS năm 1999 còn 29 tội, đến BLHS năm 2009 giảm xuống còn 22 tội và hiện nay Chính phủ đang đề xuất giảm còn 15 tội có hình phạt tử hình.

Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, phù hợp xu hướng chung trên thế giới là ngày càng thu hẹp dần và tiến tới bỏ hình phạt tử hình.

Tôi đồng tình giảm số lượng các tội có hình phạt tử hình bởi BLHS hiện hành quy định 22 tội danh có hình phạt tử hình là chiếm tỉ lệ quá cao so với các tội danh khác trong bộ luật này.

Tôi cho rằng tới đây chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự, an toàn công cộng, xâm phạm tính mạng con người và tội phạm tham nhũng.

Về đối tượng cũng chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, cố ý thực hiện tội phạm đến cùng, hoặc người thuộc đối tượng lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, xét thấy không còn khả năng cải tạo.

Riêng đối với tội nhận hối lộ, tội tham ô vẫn nên giữ hình phạt tử hình bởi lẽ đây là các tội phạm gây bất bình lớn trong xã hội, ảnh hưởng lớn đến uy tín, hiệu lực của bộ máy nhà nước, sự an nguy của chế độ.

Bác Vũ Thế (72 tuổi), cán bộ hưu trí phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, chia sẻ với PV Báo CATP: “Việt Nam không thể bỏ án tử hình được. Đúng là nhiều nước phát triển đã bỏ án tử hình nhưng điều kiện về kinh tế, xã hội của người ta khác mình. Chúng ta cần học hỏi những tiến bộ của các nước khác nhưng không thể học theo kiểu rập khuôn. Tôi tán thành tuyệt đối với dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) mà Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 - Ảnh 2Phóng to


Trước đây, tôi nghe dư luận nói sẽ bỏ án tử hình đối với nhóm tội danh về kinh tế. Điều này không ổn vì loại tội phạm tham ô, tham nhũng gây bức xúc nhất thậm chí gây mất lòng tin của nhân dân vào chính quyền. Hiện nay Đảng, Nhà nước cũng như toàn dân đang nỗ lực chống tham nhũng và đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, mà lại bỏ mức hình phạt cao nhất đối với loại tội phạm này thì còn gì tính răn đe”.

Cần giữ án tử hình đối với một số tội danh

Trung tá Đỗ Khắc Hưởng, Trưởng phòng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an lại có quan điểm: “Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) lần này sửa đổi theo hướng bỏ quy định hình phạt tử hình ở 7 tội danh. Tôi cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng giảm hình phạt tử hình là cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Chủ trương này phù hợp với tinh thần bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và xu hướng hội phập quốc tế của nước ta. Theo đó, về cơ bản tôi nhất trí với các quy định về giảm quy định và hạn chế áp dụng hình phạt tử hình như trong dự thảo Bộ luật.

Tuy nhiên, việc giảm hình phạt tử hình, một mặt vừa đảm bảo tính nhân đạo đối với người phạm tội nhưng phải bảo đảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm môi trường an lành cho người dân. Do đó, trong số các tội danh bỏ hình phạt tử hình của dự thảo Bộ luật, nên cân nhắc không bỏ hình phạt tử hình đối với tội cướp tài sản (Điều 133) và tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231), vì đây là những loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong một số vụ cướp, tội phạm sẵn sàng đạp đổ xe, thậm chí chặt tay hay dùng hung khí tấn công nạn nhân. Hành vi này rất có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của nạn nhân.

Đồng thời, không bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, vì đây là hành vi phạm tội rất nguy hiểm, xảy ra phổ biến, nhiều vụ án các đối tượng phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, đặc biệt lớn. Nhiều đối tượng khi bị truy bắt sẵn sàng lao xe vào công an hoặc dùng vũ khí nóng chống trả quyết liệt. Đã có nhiều cán bộ chiến sĩ bị thương hoặc hy sinh khi truy bắt đối tượng vận chuyển ma túy.

Tuy nhiên, cần hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội phạm này theo hướng như dự thảo Bộ luật là chỉ áp dụng đối với đối tượng phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc phạm tội, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và nâng mức định lượng chất ma túy ở khung có hình phạt tử hình so với quy định của Bộ luật hình sự hiện hành”.

Trong dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), Chính phủ đề xuất bỏ án tử hình đối với 7 tội danh gồm: cướp tài sản; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Dự thảo tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành các tội danh độc lập và chỉ giữ hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Cần có hình phạt tù chung thân không thời hạn

Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Với tư cách là luật sư bào chữa cho thân chủ trong các vụ án, tôi luôn mong có thể bỏ đi án tử hình là tốt nhất. Nhưng thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay lại còn cần án tử hình.

Những tiêu chí của nền tư pháp văn minh tiến bộ thì nước nào cũng giống nhau, tức là tôn trọng nhân quyền, cho nên khi chưa bỏ được án tử hình thì phải giảm tối đa số tội danh áp dụng mức án này.

Tôi ủng hộ việc chuyển đổi án tử hình thành hình phạt tù chung thân nhưng không giảm án.

Ngoài ra tôi thấy vấn đề của pháp luật hình sự hiện nay là để đảm bảo việc xử phạt nghiêm minh cần quy định mở rộng cách tuyên án của tòa theo hướng tuyên án tù chung thân hoặc tù có thời hạn nhưng không được giảm án.

Như thế sẽ đảm bảo hình phạt nghiêm minh, chứ như lâu nay người phạm tội khi đã thụ án có khi được giảm số năm tù vì những nguyên cớ không rõ ràng, làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật.

Ông Nguyễn Bá Thanh ví von tham nhũng như những con thú xiếc

Kim Thành (Tổng hợp)

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý