“Thần dược” trứng kiến gai đen chưa kịp bổ đã... ngộ độc?

baybeface1 baybeface1 @baybeface1

“Thần dược” trứng kiến gai đen chưa kịp bổ đã... ngộ độc?

(ĐSPL) Với lời đồn đại công dụng chữa bách bệnh, trứng kiến gai đen đang ngày một đắt đỏ, mức giá ngất ngưởng lên đến hàng triệu đồng/kg.

06/05/2015 07:14 AM
1,109

Chưa cần kiểm chứng, người dân vẫn đổ xô đi mua loại “thần dược” này, thế nhưng, ít ai biết rằng, nếu không biết cách sử dụng, trứng kiến gai đen cũng có những độc tố đầy nguy hiểm...

Phát cuồng vì trứng kiến

Thời gian gần đây, một số tỉnh phía Bắc xuất hiện trào lưu săn lùng đặc sản trứng kiến gai đen khi có thông tin đó là vị thuốc “cải lão hoàn đồng”! Thậm chí, còn có thông tin cho rằng người ăn loại trứng này thường xuyên sẽ xua tan hết bệnh tật, kể cả bệnh nan y như ung thư... và đàn ông thì nâng cao “bản lĩnh”.

 - Ảnh 1Phóng to

Trứng kiến gai đen đang được bán tràn lan trên mạng thiếu kiểm chứng.

Đáng nói, đồng hành với sự nổi tiếng của sản phẩm này là một mức giá không hề dễ chịu. Theo khảo sát của PV báo ĐS&PL, một cân trứng kiến gai đen loại thượng hạng mua tại nơi cung cấp (chủ yếu ở Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Giang) giá 800.000 – 1.000.000 đồng. Trong khi đó, tại Hà Nội, giá loại trứng kiến này dao động từ 600.000 – 1.200.000 đồng/kg, tùy theo chủng loại.

Theo lời quảng cáo trên các diễn đàn mạng, chúng tôi liên hệ với một số điện thoại bán trứng kiến gai đen ở đường Hoàng Quốc Việt (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Người bán hàng cho biết, giá 1kg là 600.000 đồng, chỉ bán từ 1kg trở lên. “Mua nhanh không hết nhé! Hàng “chuẩn” ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Đang vào mùa mà, chỉ được 2 tháng thôi! Năm ngoái nhà tôi bán được hơn 1 tạ trứng kiến gai đen đấy”, anh này  không ngớt quảng cáo khi thấy chúng tôi chần chừ. “Món này ngon, 1kg bõ bèn gì? Có người còn mua liền 4-5kg ấy chứ! Nếu không ăn hết thì bỏ ngăn đá tủ lạnh ăn dần, không sợ hỏng! Món này cực tốt cho đàn ông. Một người ăn, hai người vui đấy!”, người đàn ông này nói tiếp.

Tại một địa chỉ ở Phủ Lý- Hà Nam, giá trứng kiến gai đen là 800.000 đồng/kg, được nhập về từ Cao Bằng. Cũng với lời quảng cáo tương tự, chị bán hàng cho hay, ngoài việc chế biến thành nhiều món ăn ngon, có nơi còn gói vào lá ăn như ăn gỏi. Trứng kiến gai đen ngâm rượu cũng rất tốt cho quý ông muốn “tăng cường sinh lý”(?!).

Theo thông tin từ các con buôn trên mạng, trứng kiến gai đen ở miền Bắc hiện nay đang vào mùa (từ tháng 3 đến tháng 5). Không chỉ có vậy, những “đầu nậu” này còn cam kết đó là hàng thật 100% và bán trực tiếp chứ không qua trung gian, nguồn hàng không giới hạn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, những loại trứng kiến gai đen được cho là “lộc trời cho” ở vùng núi trung du phía Bắc không hề có nhiều như mọi người rao bán. Theo một đầu nậu chuyên đi gom trứng kiến gai đen từ các tỉnh miền núi, mùa thu hoạch trứng kiến gai đen chỉ vào thời điểm giao mùa cuối xuân vào hạ (2 tháng) nên không thể có được nguồn cung ứng dồi dào như thông tin trên mạng. Theo vị này, rất có thể trứng kiến gai đen đã bị pha trộn trước khi đến tay người tiêu dùng.

“Với nguồn trứng dồi dào, luôn sẵn có hiện nay, người mua cũng nên tự đặt câu hỏi về nguồn gốc của nó. Có thể là trứng kiến nuôi, nhưng bạn sẽ không thể biết liệu họ có đảm bảo quy trình nuôi, thu hoạch và sơ chế an toàn. Để tăng lợi nhuận, một số gian thương bán sản phẩm kém chất lượng, thêm tạp chất... tăng nguy cơ ngộ độc cho người mua”, vị này nói.

 Thần dược chỉ là “truyền tai nhau”?!

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng khi được PV báo ĐS&PL tham vấn đều có chung nhận định, côn trùng có hơn 1 triệu loài, nên việc nhận biết những côn trùng có thể gây ngộ độc không đơn giản. Việc thiếu kiến thức trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc, thậm chí gây tử vong cho người sử dụng.

Khi được hỏi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, bản chất trứng kiến là loại ấu trùng và cũng như trứng ong, nhộng tằm nên có giá trị dinh dưỡng rất tốt. Tuy nhiên, tính chất dược lý của trứng kiến đến đâu chưa có bất kỳ công trình khoa học nào nghiên cứu. Để đưa ra bất kỳ giá trị nào của trứng kiến cần phải nghiên cứu về mặt lâm sàng, dược lý. Vì vậy, các chuyên gia sẽ không thể đưa ra lời khuyên chúng ta dùng trứng kiến để chữa bệnh hoặc bồi bổ vì chưa có cơ sở khoa học.

“Phần lớn tác dụng của trứng kiến là do truyền tai nhau chứ chưa được kiểm chứng. Do đó, không thể khẳng định trứng kiến tốt cho trẻ em, người già hay bản lĩnh đàn ông ra sao. Mọi người không nên có niềm tin mù quáng vào những lời quảng cáo được thổi phồng mang tính thương mại như vậy”, PGS Thịnh khuyến cáo.

 - Ảnh 2Phóng to

Người dân lấy trứng kiến gai đen tự nhiên với số lượng rất hạn chế.

PGS.TS Thịnh cho biết thêm, chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nên cũng không thể khẳng định về tính độc hại (nếu có) của trứng kiến. Tuy nhiên, đây là loài động vật hoang dã, khi làm tổ chúng hay tiết ra độc tố để bảo vệ con non theo nguyên tắc bảo tồn giống loài. Do đó, axit có trong kiến thì cũng có thể có trong trứng. Người sử dụng không loại trừ khả năng ăn phải độc tố này. Ngoài ra, mặc dù trong trứng kiến có nhiều chất bổ, một số người dùng vẫn có thể bị dị ứng khi chưa có bất kỳ khuyến cáo, chỉ định về việc chế biến và sử dụng loại đặc sản này.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Sâm (viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm – trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, về bản chất những gì thuộc về tự nhiên bao giờ cũng sạch và bổ dưỡng hơn những sản phẩm được nuôi trồng. Vì thế, xét về hàm lượng dinh dưỡng, trứng kiến rừng “xịn” bao giờ cũng cao hơn. Đúng là trong thành phần của trứng kiến gai đen có nhiều chất bổ, lượng đạm chiếm tỷ lệ lớn, với một số  hàm lượng acid amin mà cơ thể con người không tự tổng hợp được. Về cơ bản, thực phẩm bổ dưỡng này có thể nâng cao sức khoẻ. Tuy nhiên, về công dụng thần kỳ để cải thiện sinh lý thì chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh.

PGS.TS Xuân Sâm cũng lưu ý, hàm lượng dinh dưỡng cao nên nếu ăn quá nhiều rất dễ sinh chứng đầy bụng, khó tiêu... Đặc biệt khi dùng để chế biến cho trẻ nhỏ cần có sự cân đối cho phù hợp, đề phòng trường hợp cơ thể bé không hấp thụ được hết hàm lượng dinh dưỡng cao, rất dễ gây dị ứng, đầy hơi...

Nhiều người ngộ độc do ăn côn trùng, ấu trùng

Theo thống kê của cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế), hầu như năm nào cũng xảy ra những ca ngộ độc thực phẩm do người dân ăn các loại côn trùng, ấu trùng. Đáng chú ý, giữa tháng 3 vừa qua, 5 người tại tỉnh Bình Phước bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải nhộng ve sầu có nhiễm nấm độc ký sinh. Tháng 6/2014, 29 người ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã phải nhập viện sau khi ăn bọ xít đen chiên, trong đó có 1 người tử vong. Trước đó, tháng 4- 5/2013, tại tỉnh Bình Thuận và TP.Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm do ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm làm 22 người mắc, 19 người phải nhập viện với biểu hiện nôn ói, chân tay co giật, trong đó 5 người bị rất nặng phải chuyển cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

TRẦN QUYẾT

Xem thêm video: Sốc với hình ảnh thai nhi khi mẹ hút thuốc


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý