Thị trường bất động sản có phát sinh “căn bệnh” nhà ở xã hội?

forlife forlife @forlife

Thị trường bất động sản có phát sinh “căn bệnh” nhà ở xã hội?

(ĐSPL) Năm 2015, thị trường bất động sản (BĐS) được kỳ vọng sẽ hồi phục, nguồn cung tuy dồi dào nhưng người thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận.

05/03/2015 10:12 AM
1,117

 - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Thực tế, đối với việc tiếp cận nhà ở xã hội, hiện vẫn có quá nhiều nút tắc mà người dân gặp phải. Thế nên, để giải quyết được bài toán người thu nhập thấp có nhà, không phải chuyện một sớm một chiều.

Một trong những nút tắc mà cả người dân và doanh nghiệp gặp phải chính là tiếp cận vốn vay. Từng được kỳ vọng là tiên dược cho các dự án nhà ở xã hội, thế nhưng gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng lại không thực sự đẹp như mơ.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định: Ngay cả khi gói 30.000 tỉ đồng đi vào thực tế, vẫn rất ít người có thể tiếp cận được. Theo dự kiến đến tháng 6/2016 sẽ kết thúc gói này nhưng đến nay mới giải ngân được hơn 15%. Ông Châu tính toán, như vậy là chậm và không đạt như kỳ vọng.

Theo quan điểm của ông Lê Hoàng Châu, gói 30.000 tỉ đồng nhắm đến ba mục tiêu: Giải quyết hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu của thị trường BĐS và tạo điều kiện cho người thu nhập thấp ở đô thị mua nhà ở. Cho đến nay, cả ba mục tiêu trên đều chưa thực hiện được. Nhà nước cũng đã ban hành những chính sách hợp lý hơn để người dân, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận, nhiều ngân hàng cũng tham gia vào gói hỗ trợ này nhưng vẫn tắc.

Tưởng rằng, việc người dân được thế chấp BĐS hình thành trong tương lai sẽ giúp họ dễ dàng vay vốn hơn, nhưng phía ngân hàng lại yêu cầu phải chứng minh thu nhập. Trong khi đó, điều kiện ban đầu là phải có 20% giá trị ngôi nhà, cộng với giá trị ngôi nhà trong tương lai đã lớn hơn nhiều lần số tiền 80% vay ngân hàng.

“Đây là điều hết sức bất hợp lý gây khó khăn cho người thu nhập thấp. Bởi, nhiều người không thể chứng minh được thu nhập thêm”, ông Châu nói.

Các chuyên gia cũng không khỏi lo lắng trước bối cảnh các doanh nghiệp đua nhau chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội. Có lẽ rất nhiều người, đặc biệt là các doanh nghiệp địa ốc đều không quên rằng, vào thời điểm cách đây 7 năm, thị trường chứng kiến cảnh chen lấn, xếp hàng để mua căn hộ chung cư.

Thế nên, GS. Đặng Hùng Võ đưa ra khuyến cáo: “Cần có chính sách cho thị trường nhà ở xã hội, việc thực hiện nên giao cho thị trường chứ không nên làm theo kiểu bao cấp như nhà tái định cư”.

Theo GS. Võ, nhu cầu nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp là rất lớn, có thể rất lâu nữa Hà Nội mới giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người dân. Nhưng điều đáng nói, rất có thể, một nghịch lý sẽ xảy ra, cầu lớn nhưng nhà ở xã hội vẫn tồn đọng và ế ẩm, nếu chủ đầu tư không tính toán kỹ, vội vã chuyển hướng mà không tính tới nhu cầu thực tế.

Chỉ sợ các doanh nghiệp cứ đua nhau chuyển đổi rồi đến lúc nào đó lại xảy ra tình trạng thừa nhà xã hội như nhà cao cấp, biệt thự... thì sẽ lại có thêm một “căn bệnh” của thị trường BĐS mang tên nhà ở xã hội.

V.HƯƠNG - A.VĂN - H.LAN

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý