Thị trường bia: Nóng vì cạnh tranh?

bexinh bexinh @bexinh

Thị trường bia: Nóng vì cạnh tranh?

Thị trường bia ngày càng tăng nhiệt sau khi thông tin nhà máy tại Bình Dương của Hãng AB InBev đã chính thức vận hành. Nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới này sẽ chọn đối thủ nào để “đánh” vẫn là câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay.

03/07/2015 07:59 AM
437

Với mức tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia cùng mức tăng trưởng từ 13 - 15% hằng năm, thị trường bia Việt Nam đang xếp thứ 3 châu Á về quy mô. Tiềm năng của ngành này là thỏi nam châm đang tiếp tục hút mạnh các nhà đầu tư nội lẫn ngoại. Mới đây, Tập đoàn Anheuser - Busch InBev (AB InBev) - nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới cũng đã chính thức tham gia thị trường Việt Nam.   

“Chiến” cả cao cấp lẫn bản địa

Mặc dù Nhà máy Bia AB InBev tại Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore II (VSIP II) ở tỉnh Bình Dương đã chính thức đi vào hoạt động được gần một tháng, nhưng hầu như đại gia bia này tới nay vẫn khá kín tiếng đối với các thông tin liên quan đến quy mô sản xuất cũng như chiến lược kinh doanh của mình tại thị trường Việt Nam.

Nhà máy có quy mô diện tích 100.000 m2 với năng suất 50 triệu lít bia/năm trong giai đoạn 1 và dự kiến sẽ đạt mức 100 triệu lít bia/năm trong giai đoạn tiếp theo chính là những thông tin hiếm hoi và đắt giá nhất từng được lãnh đạo Tập đoàn AB Inbev tiết lộ tại sự kiện khai trương nhà máy mới đây. Lướt qua thông tin trên trang web vinabeco.vn, tác giả bài viết tìm thấy được một số liệu quan trọng: vốn đầu tư ban đầu của dự án là khoảng 30 triệu USD. Trong khi một nguồn tin không chính thức khác cho biết, đây là nhà máy thứ 2 của tập đoàn tại khu vực châu Á.

Là nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới với các thương hiệu quen thuộc như Budweiser, Corona, Stella Artois, Beck’s, việc AB InBev chính thức tham chiến thị trường bia Việt Nam là một thông tin tích cực đối với giới tiêu dùng, nhưng cũng sẽ gia tăng mức độ cạnh tranh vốn đã khá căng hiện nay.

Từ bây giờ, mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp trong lẫn ngoài ngành là tay chơi mới này với công nghệ lẫn tiềm lực tài chính ở tầm vóc toàn cầu sẽ chọn đối thủ nào để “chiếm” nhằm giành lấy thị phần tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Masso Group trao đổi với PV rằng, sản phẩm truyền thống Budweiser thuộc phân khúc cao cấp chắc chắn sẽ “đấu” chủ yếu với Heineken và Sapporo. Cả 3 thương hiệu này đều có mặt bằng giá xấp xỉ nhau, đều là các thương hiệu lớn, lâu đời và nổi tiếng trên thế giới.

Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định, sẽ không có biến động lớn vì Budweiser vốn đã có mặt trên thị trường qua đường nhập khẩu nên các yếu tố sản phẩm, kênh phân phối và giá cả đã được định hình. Nếu có thay đổi, sau thời điểm khai trương nhà máy vừa qua, AB InBev sẽ tập trung vào quảng bá và khuyến mãi để đẩy mạnh tiêu thụ. “Nhưng dù có chi tiền khủng thì cũng khó đánh bại vị trí thống trị của Heineken trong phân khúc cao cấp hiện nay. Trừ khi Budweiser phải có tuyệt chiêu marketing nào đó làm cho người dùng và nhà bán lẻ phải bán và tiêu thụ sản phẩm của mình”, ông Thẳng cho biết.

Với vị thế là một “tay chơi” toàn cầu, ý kiến của không ít doanh nghiệp trong ngành cho rằng, AB InBev sẽ đặt mục tiêu chiếm ít nhất 10 - 15% thị phần trong 3 năm đầu tại Việt Nam. Thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho thấy, thị phần của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hiện ở mức 47,5%, dẫn đầu toàn thị trường. Để tham chiến có hiệu quả, một trong những chiêu mà AB InBev có thể dùng tới là sẽ lấy dần thị phần của Sabeco. Theo đó, nhà sản xuất bia toàn cầu này sẽ phải đẩy mạnh việc tiêu thụ dòng sản phẩm bia cao cấp Budweiser tại Việt Nam nhằm “đánh” Saigon Gold, Sài Gòn Special và Sài Gòn Lager của Sabeco thuộc cùng phân khúc, thay vì dồn hết lực để đối đầu với Heineken. 

Một ý kiến khác của ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam lại cho rằng, chiến lược của AB InBev sẽ mang tính chất “tay 3” nhằm tận dụng lợi thế của các thương hiệu toàn cầu như Budweiser, Corona, Stella Artois, Beck's. Tiếp đến, AB InBev sẽ thực thi chiến lược mua bán, sáp nhập (M&A) để dần đa dạng hóa dải sản phẩm bia của mình tại Việt Nam, gồm cả phân khúc cao cấp lẫn bản địa.

Cụ thể, chiêu “tay 3” của AB InBev sẽ gồm sản phẩm cao cấp là Budweiser, thứ 2 là các thương hiệu bia được sử dụng tại nhiều quốc gia như Hoegaarden và sau cùng là các thương hiệu bia bản địa được tạo ra từ các thương vụ M&A.

Thông tin từ trang web toàn cầu của AB InBev cho thấy, hiện đại gia này đang sở hữu hơn 70 loại sản phẩm bia bản địa khác nhau.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco

“Nắm giữ 25% thị phần bia thế giới, khi vào Việt Nam, chắc chắn AB InBev sẽ làm thay đổi cục diện thị trường”.

Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Masso Group

“Nhưng dù có chi tiền khủng thì cũng khó đánh bại vị trí thống trị của Heineken trong phân khúc cao cấp hiện nay. Trừ khi Budweiser phải có tuyệt chiêu marketing nào đó làm cho người dùng và nhà bán lẻ phải bán và tiêu thụ sản phẩm của mình”.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý