Thiếu gia nhà đại gia: Sáng đi Audi, chiều ngồi Mercedes

forlife forlife @forlife

Thiếu gia nhà đại gia: Sáng đi Audi, chiều ngồi Mercedes

Để thiếu gia’bằng bạn bằng bè”, đại gia buộc lòng phải sắm thêm cái Mercedes màu đen. Từ đó, sáng tài xế chở thiếu gia đi học bằng Audi trắng, trưa tài xế đón thiếu gia về bằng Mercedes đen, tối thiếu gia đi học phụ đạo bằng cái Camry mà thiếu gia coi như... xe ba bánh.

28/01/2015 08:48 AM
1,503

 

Không tiêu tiền Việt, chỉ đi siêu xe

Thiếu gia Toàn "hủ tiếu" là con của một đại gia buôn bán bất động sản, có tên cũng bắt đầu bằng chữ cái T. Tầm kinh doanh của đại gia T. đã vượt khỏi phạm vi mua bán vài căn biệt thự hoặc mảnh đất lẻ tẻ, đại gia đã kinh doanh đất theo dạng mua một lúc là mua gần hết... nửa con đường. Đại gia chỉ có một cậu con trai, nên đại gia cưng lắm. Toàn ngay từ bé đã muốn gì được nấy, có điều lạ là Toàn chỉ thích ăn hủ thiếu thịt băm, tuyệt đối không ăn cơm. Lâu dần người ta gọi thiếu gia là Toàn "hủ tiếu".

Thiếu gia từng làm bạn bè ở trường THCS của mình sốc khi vét trong túi ra hàng chục tờ 100 USD để khẳng định mình không có tiền Việt. Thời bạn bè thiếu gia, cũng là quý tử của những gia đình có tiền đang hí hoáy với điện thoại Nokia, thì thiếu gia đã có Iphone, thời công chức mang laptop nặng đến trĩu vai thì thiếu gia đã có cái netbook giá hơn 4.000 USD để nghe nhạc. Tất cả những gì thiếu gia đang sở hữu đều thuộc dạng level (đẳng cấp) cao so với bạn bè, thiếu gia luôn chiếm được ánh mắt ngưỡng mộ của các bạn gái trong trường kèm theo cái nhìn ganh tị của các quý tử khác.

Tốt nghiệp THCS, con thiếu gia được bố đại gia cho đi Mỹ học THPT. Thiếu gia đi Mỹ học, chuyện tiền không phải là vấn đề lớn, cái chính là hình như bên đó không có hủ tiếu thịt băm cho thiếu gia ăn. Nhà thiếu gia phải đặt hủ tiếu kèm theo gia vị sấy khô, đúng chuẩn mà thiếu gia thích ăn để thiếu gia mang đi ăn dần. Không biết chương trình học bên đó nặng nề hay khí hậu, thổ nhưỡng không hợp, nên mới sang hơn 3 tháng thì thiếu gia đòi về Việt Nam bằng được. Lệnh của thiếu gia không thua lệnh thái tử, thiếu gia muốn đi là đi, muốn về là về, nhẹ tênh.

Cũng có chuyện xin kể nốt, đối với những người lắm tiền như thiếu gia, đi Mỹ học không phải là chuyện quá khó. Chỉ cần xem khối tài sản mà gia đình của thiếu gia sở hữu, người phỏng vấn thiếu gia sẽ hỏi những câu đại loại như: "Mày tên gì?", "Ba mày làm gì?", "Mày có dự tính sẽ định cư ở Mỹ luôn không?"... và đồng ý cho đi. Còn đối với những người ít tiền, muốn thông qua hình thức du học để kiếm đường định cư sang bên đấy thì... quên nhanh đi cho đỡ mất tiền phí(!).

 - Ảnh 1

Để thiếu gia không nhục, đại gia buộc lòng phải sắm thêm cái Mercedes màu đen. Từ đó, sáng tài xế chở thiếu gia đi học bằng Audi trắng, trưa tài xế đón thiếu gia về bằng Mercedes đen, tối thiếu gia đi học phụ đạo bằng cái Camry mà thiếu gia coi như... xe ba bánh. (Ảnh minh họa).

Trở về Việt Nam, thiếu gia cũng được học trường Tây. Ba tháng ở nước ngoài, khiến thiếu gia thành con người khác. Thiếu gia chê chiếc Camry mà đại gia cho người đưa đón mình mỗi ngày là đồ... xe lam hoặc xe ba bánh. Giờ không ai đi Camry nữa, người ta phải đi Audi, đi Mercedes thì mới ra dáng kinh doanh. Mà thiếu gia cũng thích ngồi trên những chiếc xe ấy đi học, còn giả như cứ đi Camry, thiếu gia nghỉ ở nhà ăn hủ tiếu coi phim bộ Hồng Công còn thích hơn. Chiều con, đại gia cũng sắm Audi màu trắng đưa con đi học.

Ngày đầu ngồi trên Audi, thiếu gia cười nói huyên thuyên như chim sáo đến mùa tìm bạn. Ngày thứ hai cũng thế, ngày thứ ba cũng vậy... nhưng đến ngày thứ tư thì thiếu gia bắt đầu so sánh: “Thằng đầu đinh mặt tròn trong trường con sáng đi xe hơi này, chiều đi xe hơi kia, bước vô lớp cứ nghênh nghênh ngang ngang. Nhìn nó con thấy nhục không chịu được. Thôi con nghỉ học cho nó lành(!)”.

Vậy là để thiếu gia không nhục, đại gia buộc lòng phải sắm thêm cái Mercedes màu đen. Từ đó, sáng tài xế chở thiếu gia đi học bằng Audi trắng, trưa tài xế đón thiếu gia về bằng Mercedes đen, tối thiếu gia đi học phụ đạo bằng cái Camry mà thiếu gia coi như... xe ba bánh.

Khi các thiếu gia coi siêu xe là cách thể hiện đẳng cấp

Không giống như các tầng lớp "vừa phải" vốn đang phải chịu đựng thời buổi "thóc cao gạo kém", một bộ phận giới trẻ đại gia dường như không hề cảm thấy áp lực này đối với lối sống của họ. Trước đây dư luận đã từng xôn xao về việc bát phở thịt bò Kobe triệu bạc dành cho bữa sáng của người giàu so với các thú chơi thời thượng của giới trẻ mới giàu thì không khác gì so phấn với vôi.

Trong giới trẻ chơi siêu xe luôn có sự cạnh tranh ngầm giữa các đại gia trẻ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Vượt trội hơn thuộc về các tay chơi phía Nam, luôn đi trước, dẫn đầu và hoành tráng.

"Đầu lĩnh" phía Nam có "C. đôla", về thú chơi xe của các thương hiệu xa xỉ nhất thế giới thì đều hiện diện trong biệt thự của "C. đôla". Năm 2003, khi dân chơi Sài Gòn còn đang nhấp nhổm đua xe gắn máy trái phép thì "C. đôla" mười mấy tuổi đầu đã mang xe hơi Mercedes ra "rít" cùng cho vui. Phần lớn các siêu xe thể thao ở Việt Nam đều do "C. đôla" nhập khẩu về chơi chán rồi bán lại cho các thiếu gia khác, thêm vào đó là đủ các loại siêu điện thoại di động vàng khối, nạm kim cương... vài trăm triệu một chiếc, bỗng dưng thú chơi thành… nghề tay trái, C. vừa được chơi trước lại còn có lãi.

Tất nhiên đã là chủ nhân của siêu xe trị giá nhiều tỉ thì việc siêu phụ phí đối với xe cũng không phải là vấn đề đáng bận tâm với họ. Một thiếu gia ở Sài Gòn, chủ nhân một chiếc Lamborghini Gallardo SE (chỉ có 250 chiếc trên thế giới) năm ngoái vừa được chủ nhân làm thủ tục tạm xuất tái nhập trong khoảng 2 tháng gửi sang California, Mỹ để sửa sang, bảo dưỡng. Chủ nhân Gallardo SE sẽ được bảo trì và tân trang một số chi tiết tại đại lý chính hãng của Lamborghini tại California. Việc làm này ít tốn kém hơn một chút so với một tỉ phú dầu mỏ Arập gửi chiếc xe Lamborghini Murcielago LP640 sang Anh bằng đường hàng không để thay dầu, với tổng chi phí khoảng 47.000 USD.

Thanh cảnh hơn trường hợp trên, 2 thiếu gia Sài thành khác cũng thuộc "băng đảng siêu xe" một ngày mùa thu muốn uống cà phê Hà Nội ngắm lá vàng rơi nên chuyển luôn 2 chiếc siêu xe ra Hà Nội rồi tha thẩn ngồi nhâm nhi tách cà phê dưới mái hiên khách sạn 5 sao Metropole ngắm lá, ngắm xe, ngắm người đời qua lại ngây ngô trầm trồ khen xe, khen "phò mã tốt áo", rồi tối lại túc tắc bay về phương Nam.

Đa số các thiếu gia ngông cuồng, tiêu tiền như phá, quậy xám trời mây dễ nảy sinh tâm lý: "Muốn làm gì cũng được, mọi chuyện cứ xùy tiền ra là xong…". Và sự đời nào phải thế nên các công tử có đoạn kết, đa phần là trại giam, hoặc tệ hơn - trại cai nghiện!

Một số rất ít, may mắn hơn - đã qua độ tuổi ngông cuồng hiếu thắng, chợt nhận ra có thể dùng ngay công việc để khẳng định đẳng cấp và phong độ, chính là biểu đồ kinh doanh hàng quý của mình. Điều đáng buồn là, số công tử chọc trời khuấy nước lên đến con số hàng ngàn hàng vạn, số phản tỉnh để trở thành những nhân vật có danh vọng, đếm chưa được vài người!

Ngọc Anh (tổng hợp)

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý