Thiếu nữ ra tòa

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Thiếu nữ ra tòa

Tôi chọn câu chuyện này như là cách để các cô nữ sinh đang mê mải chuyện chứng tỏ đẳng cấp của bản thân bằng những cái tát, cú đấm, túm tóc hay tấn công nữ sinh khác rồi quay clip post lên mạng internet có thể soi gương người thấy mình trong đó.

05/05/2015 10:41 AM
377

Tất nhiên, một số nữ sinh, nhà trường lẫn gia đình còn bất lực về tính khí thì một bài báo nào có ý nghĩa gì. Bởi, tính cách phải được uốn nắn từ lúc còn ấu thơ.

Thế nhưng, quan điểm riêng – tôi chưa bao giờ nguôi niềm tin vào thiện tính.

Mén bị dẫn giải sau phiên tòa phúc thẩm

1. Ngày phạm tội, Mén 17 tuổi. Nạn nhân của Mén là người đàn ông tuổi gần 30, là trụ cột trong gia đình. Người đàn ông là chồng của người phụ nữ rất yếu về sức khỏe, là cha của 3 đứa trẻ. Người đàn ông từ Quảng Ngãi vào Đồng Nai, nuôi nấng vợ con bằng chiếc xe hủ tiếu gõ. Lần nào đó, tôi đã miêu tả chi tiết tình cảnh của những người bán hủ tiếu gõ ở miệt Quảng Ngãi vào mưu sinh ở mảnh đất Sài Gòn này.

Khi Mén đâm người đàn ông ấy, Mén không thể hình dung được rằng gia đình của người đàn ông sẽ nguy khốn thế nào, nếu thiếu người đàn ông. Khi Mén đâm người đàn ông ấy, Mén không thể nào hiểu được nước mắt của người phụ nữ ốm yếu mất chồng, những đứa trẻ mất cha ngay khi còn chưa kịp nhớ mặt. Giá mà Mén biết được rằng, để có tiền phụ giúp gia cảnh của con, mẹ vợ của người đàn ông phải từ quê vào Đồng Nai đi bán vé số để lo cho con, cho cháu.

Mà người đàn ông ấy có thù oán gì với Mén đâu, tình tiết được cáo trạng nêu rõ, “Khoảng 23 giờ ngày 15/12/2013, Võ Phi Hải (18 tuổi) điều khiển xe máy chở hai người bạn thân là Huỳnh Phú Quý (24 tuổi) và Mén đi ăn khuya. Khi đến gần ngã tư Lý Tự Trọng – Hai Bà Trưng (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), nhóm của Mén thấy anh Huỳnh Phát M. điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng. Cho rằng người chạy ngược chiều cố ép xe mình nên Hải quay đầu rượt theo. Khi áp sát, Quý dùng chân đạp vào xe khiến anh M. suýt ngã. Anh M. điều khiển đến ngã tư rồi dừng lại, chạy vào quán hủ tiếu của vợ chồng anh Nguyễn Văn L. (28 tuổi) lấy khúc củi chặn xe nhóm Mén. Hai bên lời qua tiếng lại rồi xông vào đánh nhau.

Nhóm của Mén cũng nhào đến xe hủ tiếu, chụp khúc củi tấn công anh M., Nhóm của Mén tấn công anh M. Bị đánh đau, anh M. phản công lại. Hơn 5 người chứng kiến vụ việc lao vào can ngăn đều bị Quý, Hải đánh tới tấp. Trong lúc hỗn chiến, Quý bị anh M. đánh trúng đầu. Thấy Quý bị đánh, Mén rút dao thủ sẵn trong người định đâm anh M.

Phát hiện Mén có ý định đó, anh L. đưa tay can ngăn Mén. Nghĩ rằng anh L. bênh vực đối thủ, Mén đã đâm anh L. hai nhát, một trúng ngực, một trúng hông. Sau khi đâm anh L., cả nhóm của Mén bỏ chạy. Anh L. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Long Thành nhưng anh đã tử vong do vết thương quá nặng”.

Biên bản giám định pháp y ghi, “Sốc mất máu do đa vết thương vùng ngực bên trái, thủng tim, thủng phổi”. Hung khí của vụ trọng án là con dao cán gấp bằng kim loại dài khoảng 15cm, ốp nhựa màu đen.

Băng nhóm của Mén bị các điều tra viên bắt giữ ngay sau đó.

Phiên sơ thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai, tuyên phạt Mén 14 năm tù, Quý 13 năm tù, Hải 11 năm tù về hành vi “Giết người”. Đồng thời, cả 3 phải bồi thường cho đại diện hợp pháp của nạn nhân là 100 triệu đồng. Trong đó, tiền bồi thường tang ma là 60 triệu, tiền nuôi con nhỏ của nạn nhân là 40 triệu. Gia đình của cả 3 đối tượng đã bồi thường được 20 triệu, còn thiếu lại 80 triệu.

Tháng 3/2015, trong phiên Phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM xét  đơn kháng nghị của gia đình nạn nhân, đồng ý nâng việc bồi thường tổn thất cho đại diện hợp pháp của anh L. là 300 triệu. Mức án dành cho băng nhóm của Mén không thay đổi, vì không có đơn kháng cáo. Như vậy, cha mẹ của Mén, của Hải, của Quý còn nợ lại vợ con của anh L. số tiền 280 triệu.

Nhà ai cũng nghèo, không biết khi nào bồi thường xong.

2. Mén, cái tên thiếu nữ rặt chất quê ấy ra tòa Phúc thẩm với áo trắng, quần jeans, kiểu tóc lòa xòa đúng chất của mấy cô cậu bây giờ. Mén không lý giải về nguyên nhân phạm tội, Mén cùng hai người bạn của mình chỉ luôn miệng “Nhà nghèo không có tiền đền bù nhiều như yêu cầu của gia đình nạn nhân”. Giá mà, băng nhóm của Mén ý thức điều này rõ hơn. Quê Mén ở ấp Xóm Gò – Bà Ký, xã Long Phước, huyện Long Thành.

Vùng Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nơi có tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam băng qua, đa phần là thuần nông. Người là làm lúa, trồng cà phê, tiêu hay điều. Làm nông bây giờ không như ngày trước, ngày trước người nông dân còn dám nghĩ đến chuyện cuối mùa vụ tích lũy. Hiện tại, chỉ đủ sống không phải thiếu tiền phân bón là đã mừng. Vùng Long Thành, không xa quê tôi là mấy, điều kiện thổ nhưỡng và kinh tế của người dân cũng không cách biệt. Đi xe trên đường cao tốc, cứ nhìn hai bên đường những ruộng ngô, lúa thì sẽ hiểu điều này. Nắng chan chát như vùng Cần Giuộc hay Gò Công, nước lờ lợ phèn không ngọt đặng.

Cạnh nhà tôi ở quê, có nhà bà Sáu. Vợ chồng ông bà đều làm nông, mấy chục năm nay thì hồi tôi còn bé xíu vợ chồng ông bà đã cắm mặt vào đất, ngày nào cũng ngong ngóng nắng mưa. Vậy là cách đây hai năm, khi con cái ông bà đều đã lớn, tứ tán đi làm khắp nơi mới có thể phụ cha mẹ xây cái nhà bằng xi-măng, nho nhỏ. Hay như có ông Xí, làm nông cả đời, nghiện chè đến độ cứ ngậm chè trong miệng chứ không pha nước uống. Về nhà một đêm là vội vã quay ngược vào rẫy vì quen tiếng rè rè từ radio, ngoài lộ đông người quá, không quen.

Cha mẹ quần quật cả ngày để chờ đến vụ mùa, Mén được cưng, không phải động tay động chân việc gì cả. Cha mẹ chỉ mong Mén học để nên người. Gần như, người nông dân không có ước mơ nào lớn hơn là thấy con cái ăn học nên người. May mắn thì thành ông này bà nọ, không thì chỉ cần có được cái nghề ổn định, rồi dựng vợ gả chồng xong là mãn nguyện. Làm gì cũng được, miễn đừng theo nghề nông nữa. Viết như vậy không có nghĩa là kỳ thị hay có ý đồ xúc xiểm gì khác, chỉ là vì cha mẹ thấy nghề nông cực quá mà bấp bênh quá nên mới hy vọng, thế thôi. Tôi suy ra từ mong muốn của ba mẹ mình, bạn đọc đừng bảo tôi hồ ngôn.

Mén học hết bậc tiểu học, lên đến bậc trung học cơ sở thì Mén thay đổi hoàn toàn. Tự dưng đang yên đang lành thì Mén muốn làm đàn chị trong lớp. Bạn bè đồng môn, thích thì Mén túm tóc, không thích thì Mén bợp tai… Bạn bè thấy Mén hung hăng quá đâm sợ, Mén lại cứ nghĩ đó là hay.

Mén cũng như nhiều những cô nữ sinh ở thời điểm này vậy, luôn thích chứng tỏ quyền năng bằng bạo lực. Mén cảm thấy vui khi chứng kiến cảnh người khác sợ hãi mình. Ở lứa tuổi của Mén, là lứa tuổi nổi loạn, lứa tuổi muốn chứng tỏ mình bằng mọi cách. Gia đình không quan tâm, giáo viên chủ nhiệm bận mưu sinh mà không thấu đáo, thì mọi chuyện sẽ trở nên đáng tiếc.

Thật ra, không phải bây giờ người ta mới giật mình vì được xem những đoạn clip ghi lại cảnh nữ sinh đánh nhau một cách dã man. Đúng thật là dã man. Như cái clip ghi lại cảnh nữ sinh bị đánh ở Trường Trung học Cơ sở Lý Tự Trọng (tỉnh Trà Vinh) hay clip ghi cảnh nữ sinh đang học và nữ sinh thôi học đánh nhau đến bất tỉnh ở tỉnh Hậu Giang…

Trước đó là hàng loạt vụ đánh nhau khác của nữ sinh mà người ta đã được xem rất nhiều trên mạng. Nữ sinh đánh nhau vì nhiều lý do, thấy bạn học giỏi hơn, ghét nên đánh; thấy bạn xinh đẹp hơn, tức nên đánh: thấy bạn đi cặp kè với anh chàng mà từng thề non hẹn biển cùng mình, ghen nên đánh.

Đủ khả năng đánh lại thì đánh ngay, không đủ khả năng đánh lại thì gọi đàn chị lên đứng đấy để trấn vía đối phương, còn mình thì nhào vào đánh. Nữ sinh thành phố đánh, nữ sinh ở miệt quê cũng đánh. Nữ sinh thành phố vừa đánh vừa quay clip, thì nữ sinh ở quê cũng vừa đánh vừa quay phim lại… Không ai kém ai.

Ngày tôi học THCS ở quê, đã từng chứng kiến cảnh các bạn nữ đánh nhau, rồi cả cảnh các bạn nữ đánh nam sinh. Có lần, tôi đã từ mặt một cậu bạn vì bạn ấy đánh các bạn nữ, lý do: “Các bạn nữ đánh bạn này trước”.

Trở lại chuyện của Mén, Mén làm đàn chị trong lớp đến năm lớp 8 thì Mén thôi học. Ban giám hiệu nhà trường tìm đủ mọi cách vận động, Mén vẫn thôi học. Gia đình gây áp lực bao nhiêu đi chăng nữa thì Mén vẫn cứ thôi học.

Có lẽ không cần phải viết thêm, Mén thôi học thì mới xảy ra cái hậu họa đêm hôm ấy, khi Mén dùng dao đâm anh L., khi Mén trả giá bằng mức án 14 năm tù. Tôi không thể nào hiểu được rằng, cô thiếu nữ như Mén tìm thấy gì trong bạo lực, tìm thấy gì với con dao thủ sẵn trong người, tìm thấy gì ở 14 năm tù dài dằng dặc…

3. Mén, tên thật là Trần Thị Tuyết N., chắc là tôi viết tắt tên của Mén thôi. Bởi bấy nhiêu đã đủ buồn lắm rồi.

Tôi không mong các cô nữ sinh sẽ đọc bài viết này hoặc nếu đọc thì các nữ sinh sẽ có một suy nghĩ, một tư duy khác. Tôi chỉ mong những bậc làm cha làm mẹ, hay những thầy cô giáo đọc được mà quan tâm đến con em, đến học trò của mình nhiều hơn.

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý