Thịt trong siêu thị "bẩn" hơn ngoài chợ: Siêu thị phản pháo

biettuot biettuot @biettuot

Thịt trong siêu thị "bẩn" hơn ngoài chợ: Siêu thị phản pháo

“Nghiên cứu chỉ ra rằng không phải cứ mẫu trong siêu thị sẽ sạch hơn. Một số mẫu được lấy ở chợ truyền thống có độ ô nhiễm vi sinh còn thấp hơn ở siêu thị”

29/05/2016 08:18 AM
80

(ĐSPL) - “Nghiên cứu chỉ ra rằng không phải cứ mẫu trong siêu thị sẽ sạch hơn. Một số mẫu được lấy ở chợ truyền thống có độ ô nhiễm vi sinh còn thấp hơn ở siêu thị”, ông Hùng nói.

Tin tức trên Trí thức trẻ, ông Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc vùng, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế tại Việt Nam (ILRI), cho biết tại phiên hội thảo Ngành hàng chăn nuôi: Hội nhập và khả năng cạnh tranh diễn ra chiều 27/5: “Kênh chính thống không phải lúc nào cũng an toàn hơn”,

Trình bày tại phiên họp này, ông Hùng đưa ra 2 thông tin khá bất ngờ.

Một là, hóa chất hay dư lượng kháng sinh không phải nguyên nhân chính gây mất an toàn thực phẩm. Nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm cao nhất là ô nhiễm vi sinh vật.Tức, không phải khâu chăn nuôi, trồng trọt, mà chính khâu bảo quản, chế biến mới là khâu gây mất an toàn thực phẩm nhất.

“Mọi người tập trung quá nhiều vào các yếu tố hóa học mà quên đi các vi sinh vật trong thực phẩm”, ông Hùng nói.

Thông tin thứ hai, bất ngờ không kém, là kênh siêu thị là kênh có mối nguy ô nhiễm thực phẩm cao hơn cả chợ.

“Nghiên cứu chỉ ra rằng không phải cứ mẫu trong siêu thị sẽ sạch hơn. Một số mẫu được lấy ở chợ truyền thống có độ ô nhiễm vi sinh còn thấp hơn ở siêu thị”, ông Hùng nói.

Lý giải cho điều tréo ngoe này, ông Hùng cho biết: Đây là tình huống chung, kể cả ở các nước phát triển.

Siêu thị bảo quản thực phẩm bằng hệ thống trữ lạnh. Hệ thống này có thể bị ảnh hưởng khi mất điện. Cộng thêm việc không bán thực phẩm trong ngày, phải lưu trữ thực phẩm lâu… khiến thực phẩm trong siêu thị chưa chắc đã ít ô nhiễm hơn thực phẩm bày bán ngoài chợ.

Thông tin thịt trong siêu thị "bẩn" hơn ngoài chợ: Đại diện các siêu thị nói gì? - Ảnh 1Phóng to

Ông Hùng cho biết, hóa chất hay dư lượng kháng sinh không phải nguyên nhân chính gây mất an toàn thực phẩm. Nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm cao nhất là ô nhiễm vi sinh vật. (Ảnh minh họa).

Ông Hùng cho biết, nghiên cứu của ILRI lấy mẫu trên 1.275 mẫu từ trang trại, lò mổ, thị trường, được lựa chọn định kỳ theo quý trong 12 tháng.

Mẫu thịt lợn lấy ở lò mổ lấy từ 1-2h sáng, mẫu thịt lợn ngoài chợ lấy mẫu đầu tiên khi mang ra ngoài chợ bán (5 – 7h sáng).

Kết quả:

- Tại trang trại: 19,4% nước uống, 36,1% mẫu sàn nhiễm Salmonella (một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột)

- Khu giết mổ: 20% nước nhiễm vi khuẩn, 38,9% thịt nhiễm vi khuẩn

- Thịt lợn bán trên thị trường (cả siêu thị và chợ): 44,7% thịt bị nhiễm

“Bức tranh toàn cảnh về vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam đang rất nóng. Chúng tôi chỉ muốn nói rằng: Gánh nặng bệnh tật do an toàn thực phẩm phần lớn là do các vi sinh vật nhiều hơn là hóa chất - thứ mà chúng ta đang lo sợ”, ông Hùng nhấn mạnh.

Các siêu thị "phản pháo"

Thông tin trên CafeBiz, về thời gian lấy mẫu thịt ở chợ, một cán bộ trong ngành nhận xét rằng thời gian này chưa thực sự chuẩn. Thời gian đi chợ của người tiêu dùng xê dịch rất nhiều từ 5h sáng đến tận 7h tối. Việc lấy mẫu đầu tiên khi thịt lợn được chuyển từ lò mổ đến chợ vô hình chưa phản ánh được thực tế mức độ ô nhiễm vi sinh khi thịt lợn đến tay người tiêu dùng, vị này nhận xét.

Đại diện phía ILRI cũng thừa nhận, nghiên cứu trên chỉ là thử nghiệm nhỏ, được thực hiện từ… 4 năm trước. Các mẫu được lấy tại chợ và siêu thị Hà Nội.

“Xin đừng hiểu lầm tất cả các siêu thị đều bẩn và chất lượng thua bên ngoài”, ông Hùng nói.

Trước thông tin kết luận của ông Hùng, bà Vũ Thị Hậu – Phó TGĐ CTCP Nhất Nam, đơn vị quản lý Fivimart cho biết:  "Tôi hay ra chợ kiểm tra thử. Có lần không thấy dấu kiểm dịch ở phản thịt ngoài chợ, tôi hỏi: Thịt các em có dấu không? Sao thịt gà này không có dấu. Em ấy nói: Chị thích dấu chúng em đóng được ngay.

Làm sao những sản phẩm như vậy vẫn được đưa ra thị trường. Vấn đề này chúng ta phải có sự kiểm soát. Và chúng ta cần kiểm tra toàn thị trường chứ không chỉ kiểm tra, kiểm soát trong siêu thị.

Chúng tôi làm có tâm với nghề và lúc nào cũng mong đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên. Vào Fivimart bao giờ cũng có 4 buồng ở khu vực sơ chế. Các cửa vào – ra, sống – chín đều được bố trí riêng.

Nghiên cứu nói trên, tôi không hiểu việc đi lấy mẫu kiểm tra thế nào? Các đồng chí nào cần kiểm tra mẫu thì cứ đến Fivimart."

Ông Nguyễn Minh Tuấn - GĐ Lotte Mart Ba Đình cung cấp thêm thông tin: "Đối với các hệ thống siêu thị nói chung hay Lotte Mart nói riêng, tôi dám chắc quy trình sẽ đảm bảo hơn so với chợ truyền thống bên ngoài. Với từng nhà cung cấp, chúng tôi đều có điều khoản khi làm việc. Nhà cung cấp phải giao hàng theo các điều kiện bảo quản tuyệt đối.

Với siêu thị của tôi, sau khi hàng hóa được nhà cung cấp giao đến bằng xe lạnh, một nhân viên kiểm soát chất lượng sẽ sử dụng khẩu súng bắn nhiệt độ. Nếu nhiệt độ trên bề mặt thực phẩm không đảm bảo theo quy định, chúng tôi sẽ trả về nhà cung cấp.

Về bảo quản thực phẩm, chúng tôi có 2 kho: Kho đông và kho lạnh. Trong kho lạnh, thịt được lưu trữ chỉ trong 2 ngày."

Chúng tôi không dại nhập mặt hàng không đảm bảo chất lượng hay không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng nên tin tưởng khi mua sắm tại siêu thị.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý