'Thoả thuận trích phần trăm' và những bữa ăn bị 'bóp miệng'

mesu mesu @mesu

'Thoả thuận trích phần trăm' và những bữa ăn bị 'bóp miệng'

Sau khi đăng tải loạt bài về Bí mật đường đi của những loại dịch vụ lọt qua cổng trường học trên địa bàn một số tỉnh thành phía Bắc, PV tại TP.HCM cũng đã ghi nhận không ít trường hợp tương tự tại thành phố đông dân nhất cả nước này.

21/10/2014 06:28 AM
2,395

Bước vào năm học mới, suất ăn bán trú (SABT) lại là vấn đề nóng được quan tâm. Đó cũng là thời điểm mà hàng trăm công ty cung cấp suất ăn công nghiệp vào cuộc để "giành giật" thị trường. Bớt khẩu phần ăn của trẻ, kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào và đầu ra còn hình thức, ngộ độc thực phẩm trong trường học... là những vấn đề không dễ "vạch mặt, chỉ tên"...

Phần thiệt đổ lên đầu... học sinh

Theo tìm hiểu các trường bán trú tại TP.HCM có cơ sở khá rộng rãi. Chỉ tính riêng ở cấp tiểu học, hơn một nửa trường lựa chọn việc tự nấu bữa ăn cho học sinh để đảm bảo vệ sinh. Các trường còn lại chọn cách hợp đồng với các công ty bên ngoài vào nấu.

Nhiều công ty cung cấp SABT từ chối chiết khấu

Trong quá trình tác nghiệp, điều khiến chúng tôi bất ngờ là ở một số đơn vị như: Công ty TNHH suất ăn công nghiệp Song Hiếu (quận 12), công ty TNHH MTV suất ăn công nghiệp Tú Anh (huyện Bình Chánh, TP. HCM)... khi được đặt vấn đề chiết khấu khi ký hợp đồng, những công ty này cho rằng họ phục vụ đúng với bản chất và phù hợp với số tiền ăn mỗi suất. Những đơn vị này từ chối đưa ra mức chiết khấu vì muốn đáp ứng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Đó là những điểm sáng cần phải được nhân rộng, để học sinh bán trú có được những suất ăn chất lượng nhất.

Vào đầu mỗi năm học, các công ty cung cấp suất ăn cho trường học bắt đầu vào cuộc, đưa ra các mức giá khác nhau để nhà trường lựa chọn. Tất nhiên, để được hợp đồng với các trường, công ty cung cấp suất ăn phải chia một phần lợi nhuận gọi là tiền bồi dưỡng cho người ký hợp đồng với công ty đó. Mức chiết khấu bao nhiêu tùy thuộc vào mỗi công ty. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV thì mức bồi dưỡng dao động từ 10 - 16%.

Theo số liệu của sở GD&ĐT TP.HCM, trong tổng số 1.675 trường học từ mầm non, tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn, thì có tới 1.376 trường có tổ chức ăn bán trú tại trường.

Trong tổng số 498 trường tiểu học, chỉ có 251 trường có tổ chức bếp ăn, 247 đơn vị còn lại hoặc không tổ chức ăn bán trú, hoặc chọn giải pháp hợp đồng với các công ty cung cấp suất ăn sẵn bên ngoài.

 - Ảnh 1

Hầu hết học sinh các trường bán trú chưa có phòng ăn và những suất ăn phù hợp với số tiền ăn bán trú.

Với nhu cầu của các SABT tại các trường học lớn, việc có hàng trăm công ty cung cấp suất ăn sẵn xem ra vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu. Để mang về lợi nhuận cao nhất, các công ty cung cấp SABT buộc phải ký được nhiều hợp đồng. Muốn thế, họ phải "hợp tác chặt chẽ" với hiệu trưởng các trường bán trú. Tất nhiên, nhà cung cấp nào đưa ra mức chiết khấu cao hơn sẽ được trường lựa chọn.

Trao đổi với PV, bác sỹ Nguyễn Tài Dũng, Phó phòng Quản lý HS-SV, sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, đa phần các trường mầm non bán trú đã có bếp ăn thiết kế xây dựng. Riêng khối TH, THCS, THPT hiện chưa thể xây dựng được các bếp ăn bán trú. Lý do là trường hình thành từ lâu và trong thời gian hình thành trường không tổ chức bán trú, hay các trường được xây mới do không đủ diện tích nên đã "bỏ quên" việc xây nhà ăn, bếp ăn, nhà nghỉ trưa cho học sinh.

Hiện, TP.HCM mới chỉ có 43/143 trường THCS bán trú là có bếp tại chỗ, còn tới 100 trường với hơn 63.671 học sinh THCS ăn uống hằng ngày, trông chờ vào lương tâm của lãnh đạo nhà trường, và người chế biến thực phẩm từ cơ sở cung ứng suất ăn sẵn.

Chị N.T.N. (chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp suất ăn cho trường học tại huyện Bình Chánh. TP. HCM) thừa nhận: "Rất hiếm các suất ăn của các học sinh có giá trị bằng số tiền mà phụ huynh đóng vào hằng năm. Doanh nghiệp làm ăn với trường thì phải có lãi mới làm, thông thường mức lãi mà doanh nghiệp được hưởng duy trì ở mức 2.000 đồng/suất ăn. Với số tiền mà mỗi học sinh đóng vào, nếu doanh nghiệp không phải chiết khấu cho trường, thì đảm bảo học sinh có một suất ăn ngon.

Bao giờ cũng có ba món ăn (món thịt hoặc cá, món chiên hoặc xào, món canh) và một món tráng miệng. Còn nếu phải chia phần trăm cho trường thì buộc công ty phải "bóp" bữa ăn nhỏ lại. Dù công ty không muốn cũng buộc phải làm như vậy, bởi đã chia cho trường một phần rồi, thì phần còn lại công ty phải cân đối sao cho có lợi nhuận. Phần thiệt lại đổ lên... đầu học sinh".

Cuộc vào vai và sự thật phũ phàng

Vào vai nhân viên hành chính của một trường tiểu học, PV liên hệ đến hàng loạt công ty để đặt suất ăn cho học sinh của trường. Liên lạc với công ty TNHH MTV DV ẩm thực Trung Mạnh Phát (quận Bình Tân), nhân viên công ty nhiệt tình giới thiệu và mong muốn được hợp tác.

Khi PV đề cập đến mức chiết khấu nếu ký hợp đồng, nhân viên này cho biết cần hỏi lại ý kiến lãnh đạo. Khi PV "mớm" mức chiết khấu mà trường muốn được hưởng là 7%/tháng/tổng doanh thu, nhân viên này cho biết mức đó nằm trong khả năng của công ty.

Với việc phải chia lợi nhuận cho trường bán trú, một bữa cơm của học sinh bị chia ra làm nhiều phần gồm, phần trăm chiết khấu, nhân công và lợi nhuận của nhà cung cấp... Chính các nhà cung cấp và nhà trường đang "bóp miệng" con trẻ, giành giật những bữa ăn của học sinh.

Việc tiếp cận được với các bếp ăn chế biến SABT là điều cực kỳ khó khăn, bởi hầu hết các trường bán trú và các công ty cung cấp suất ăn đều tỏ ra thận trọng và đề phòng. Tuy nhiên, việc quan sát bữa ăn đã dọn sẵn của học sinh bán trú lại không mấy khó khăn với PV.

Quan sát bữa ăn trưa trong trường của học sinh tại nhiều trường khác nhau, PV thấy một điểm chung đó là trong bữa ăn chỉ có hai món, một món mặn và một món canh. Theo em N.P.D. (học sinh lớp 7, trường THCS Đ.Đ., quận Bình Thạnh) cho biết: "Ba mẹ em phải đóng 20.000 đồng/suất cơm trưa tại trường, nhưng thức ăn không đủ để ăn. Có nhiều hôm thức ăn ít lại lặp lại hai ngày liên tục, nên nhiều học sinh bỏ bữa".

Chị Nguyễn Thị Anh Trinh (phụ huynh học sinh có con theo học lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận Bình Tân, TP.HCM) cho hay: "Thời điểm con tôi học lớp 1, tôi còn được biết về cách ăn uống, khẩu phần ăn của con. Nhưng đến nay tôi không nghe nhà trường phổ biến gì về khẩu phần ăn cũng như đơn vị nào cung cấp thức ăn cho con tôi. Ở lứa tuổi như con tôi thì việc ăn uống đảm bảo đủ chất và nhất là vệ sinh ATTP là rất quan trọng. Dạo gần đây tôi thấy có trường học có số lượng lớn học sinh bị ngộ độc nên rất hoang mang. Ai giám sát họ có bớt xén khẩu phần ăn của trẻ hay không”.

Trao đổi với PV, một chủ lò mổ heo chuyên cung cấp thịt cho nhiều công ty suất ăn công nghiệp cho biết: "Chúng tôi luôn mong muốn cung cấp nguồn thịt chất lượng và bảo đảm an toàn nhất cho các công ty chuyên chế biến suất ăn công nghiệp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nguồn heo sống lấy tại nhiều địa phương khác nhau và không phải nguồn hàng nào cũng được kiểm dịch. Chúng tôi chỉ biết nhập thịt vào những giờ quy định trong ngày. Còn việc bảo quản thế nào, chế biến ra sao, cung cấp cho đơn vị nào thì chúng tôi không được biết".

Theo tìm hiểu, tại TP.HCM có tới 136 công ty cung cấp suất ăn sẵn có giấy phép chứng nhận an toàn thực phẩm, được sở GD&ĐT và sở Y tế thành phố cho phép các trường hợp đồng đặt SABT cho học sinh của trường. Nhưng xem ra, chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh dường như vẫn đang bị thả nổi. Thiết nghĩ, việc để xảy ra tình trạng rút bớt khẩu phần ăn, hay vì lợi nhuận mà mua nguyên liệu rẻ, không nguồn gốc, không đảm bảo an toàn để chế biến cho học sinh là không thể chấp nhận. Bởi lẽ, người gánh chịu những thiệt thòi này không phải ai khác chính là các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước.

(Còn nữa)

Đã từng xảy ra ngộ độc tại các trường học

Ngày 5/5/2010, 67 học sinh tại trường Mầm non Cỏ Non (quận 2, TP.HCM) bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng đau đầu, khó chịu, đau bụng và nôn ói. Trưa cùng ngày, các em dùng cơm, canh cải xanh, cá sốt cà và tráng miệng chuối sứ. Sau khi ăn được khoảng một giờ đồng hồ, lần lượt nhiều em bị ngộ độc.

Mới đây nhất là vụ ngộ độc xảy ra ngày 18/4/2014, vụ việc khiến gần 100 học sinh trường tiểu học Long Bình (quận 9, TP.HCM) phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn cơm trưa tại trường với các triệu chứng nôn ói, đau đầu, sốt, tiêu chảy… Theo nhiều học sinh, bữa cơm các em ăn tại trường là món cơm chiên Dương Châu. Những suất cơm trên là do công ty TNHH Một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cung cấp.

Công Thư - Hoàng Minh

Xem thêm video clip : Video: Cháy dữ dội tại KCN Quang Minh, Hà Nội

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý