Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Phải nhấc "cục máu đông” nợ xấu ra khỏi "cơ thể” nền kinh tế

thienlong thienlong @thienlong

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Phải nhấc "cục máu đông” nợ xấu ra khỏi "cơ thể” nền kinh tế

Ngay sau khi VAMC được chấp thuận cho phát hành trái phiếu đặc biệt tối đa 80.000 tỷ đồng.NHNN đã có công văn yêu cầu các NHTM tích cực triển khai bán nợ cho VAMC nhằm thực hiện mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% đến cuối năm 2015.

25/04/2015 12:31 AM
29

Nhiều ý kiến cho rằng, cách làm này vẫn không giải quyết triệt để nợ xấu trong hệ thống NH, kéo dài tình trạng tắc nghẽn vốn chảy vào sản xuất. Nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, đây là giải pháp khả thi nhất để nhấc "cục máu đông" nợ xấu ra khỏi “cơ thể” nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN vừa ra thông tư yêu cầu các NH thương mại phải bán hết nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước tháng 9 tới nhưng VAMC cũng đang mắc kẹt khi mua nợ xấu thì dễ mà bán nợ xấu lại quá khó khăn. Nếu tiếp tục "bắt" đơn vị này mua nợ xấu thì chẳng qua cũng "dồn cục" vào đây để làm đẹp sổ sách cho các tổ chức tín dụng chứ thực tế, nợ xấu vẫn không được giải quyết. Thống đốc có thể giải thích rõ hơn về dụng ý của NHNN trong vấn đề này?

 

... muốn tiền chảy vào sản xuất, chỉ có cách nhấc “cục máu đông” này ra thì máu mới lưu thông trở lại.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Nói về nợ xấu, thị trường vẫn gọi đây là "cục máu đông", gây tắc nghẽn nền kinh tế, khiến vốn không lưu chuyển được, mà không lưu chuyển được thì không phát triển được. Nếu NH không xử lý được nợ xấu thì không có tiền và không cho vay được nữa. NH hết tiền thì sản xuất hết tiền, cả nền kinh tế thiếu tiền, lãi suất tăng vọt và không ai sản xuất được. Đó là tình trạng của cả năm 2011.

Giờ muốn tiền chảy vào sản xuất, chỉ có cách nhấc “cục máu đông” này ra thì máu mới lưu thông trở lại. Bức tranh rất rõ. Nhưng lấy "cục máu đông" này theo nguyên tắc thị trường thì rất dễ. Chỉ cần bán “béng” đi là xong. Vấn đề thị trường mua-bán nợ không được, không có người mua. Trong khi vai trò Nhà nước phải là người mua bán cuối cùng vì thế VAMC phải đứng ra mua. Dù chưa bán được nhưng dòng máu sẽ lưu thông trở lại. Tất nhiên đến một lúc nào đó, thị trường tốt lại thì những sản phẩm mà trước đây nó không dùng tới lại trở nên cần thiết. Ví dụ bất động sản, nếu kinh tế hồi phục trở lại thì doanh nghiệp lại được mở ra, người ta lại thuê văn phòng làm công ty, người ta có công ăn việc làm tốt, có thu nhập thì mua nhà... khi đó, cái kho nợ xấu (phần lớn là bất động sản) này lại mang ra xử lý. Đó chính là cơ chế điều tiết của kinh tế thị trường. Nhiều người cứ sốt ruột cho rằng xử lý nợ xấu như vậy không cơ bản nhưng đó mới chính là cơ bản, hết sức cơ bản và đúng nguyên tắc.

Nếu như vậy thì các NH thương mại gây ra nợ xấu đã có Nhà nước gánh hộ, họ không phải chịu trách nhiệm với những gì họ gây ra trong khi có lãi thì họ hưởng?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Không phải mua lại nợ xấu là xong. Làm gì có chuyện đơn giản thế. Cái gì cũng phải trả bằng tiền. Anh làm ăn bậy bạ thì anh phải trả bằng tiền, hết tiền thì anh trả bằng "sinh mạng" của anh. Không ai cho không ai cái gì hết. Mua nợ xấu của ta hiện nay khác nước ngoài. Nước ngoài họ mua đứt luôn vì họ có tiền. Ví dụ cục nợ trị giá 10 đồng thì họ chỉ mua 1 đồng nhưng tổ chức tín dụng vẫn phải bán vì có 1 đồng còn hơn không có đồng nào. Có một cốc nước uống còn hơn chết khát. Nhưng ta không có tiền, ngân sách không cho chúng tôi một đồng nào nên không thể mua đứt được. Vậy tôi mua bằng cơ chế. Tôi mua tài sản này của anh nhưng thực chất là anh thế chấp tài sản này vào đây cho tôi và tôi cho anh vay ra một phần tiền. Theo Nghị định 53 của Chính phủ, các NH có 5 năm để xử lý. Hy vọng trong 5 năm đó tình hình tốt lên, NH có điều kiện trả lại tiền đó và lấy lại tài sản về rồi tự xử lý. Như vậy nghĩa là NH vẫn phải có trách nhiệm đến cùng với tài sản này còn VAMC không bao giờ bị lỗ cả. Còn nếu lúc đó, NH vẫn không xử lý được thì vẫn là tội của NH. Tất nhiên, trong quá trình làm, nếu VAMC bán được tài sản này cũng hỏi ý kiến NH. Ví dụ tài sản này lúc chuyển sang cho VAMC được đánh giá là 10 đồng, có người trả 6 đồng, nếu đơn vị này thấy giá đó là hợp lý thì sẽ bán. NHTM nhất định sẽ đồng ý bán vì nợ xấu để ở NH là nợ nhóm 5, phải trích lập dự phòng rủi ro 100%. Nợ xấu trị giá 10 đồng phải trích đủ 10 đồng trong khi NH đang chết dở, sống dở thì lấy đâu ra 10 đồng để trích. Nhưng đưa sang VAMC, NH chỉ phải trích 2 đồng mỗi năm (20% mỗi năm theo quy định). Sau 2 năm NH trích được 4 đồng, bán tài sản bán 6 đồng là hòa rồi. Đó là cơ chế của VN.

Nghe thì có vẻ gom nợ về một chỗ để làm sạch, mà đúng làm sạch thật nhưng làm sạch để NH có thể sống và mua lại được cục nợ này. Đó là bài toán có thể gỡ được "cục máu đông" mà Nhà nước không mất tiền. Tài sản này là 10 đồng, VAMC vẫn giữ 10 đồng trong tay. Mỗi năm NH phải trích lại cho đơn vị này 2 đồng dự phòng rủi ro, sau 5 năm là đủ 10 đồng. Có thể nói, chúng tôi đang "chơi đẹp".



NHNN "chơi đẹp" vậy tại sao nhiều NH thương mại vẫn không muốn bán nợ xấu cho VAMC, thưa ông?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Vì nợ xấu để trong NH thì "sập xí, sập ngầu" với nhau, đang là nợ nhóm 3-4-5 thì chuyển thành nợ nhóm 1-2 để không phải trích dự phòng rủi ro. Nhưng giờ NHNN kiểm tra, đánh giá đây nợ xấu phải trích dự phòng rủi ro thì NHTM phải trích nợ. Và mỗi khoản nợ, nếu bán ngay cho VAMC thì chí ít phải trích 20% dự phòng rủi ro gói nợ đó. Nhưng vẫn có NH thừa nhận, ngay cả 20% này họ cũng không còn. Mà đúng thế, có NH đến số tiền này cũng không có thật vì có quá nhiều nợ xấu. Bán cho VAMC thì phấn khởi, thì hoạt động được nhưng lấy đâu ra lợi nhuận 20% để đưa theo quy định. Đó chính là trở ngại trong thời gian qua mà NHTM chưa dám bán nhiều cho VAMC. Nhưng trong Nghị định 53 mới đây cho phép NHNN căn cứ vào thực trạng các NH có thể kéo dài việc xử lý nợ lên 10 năm.

Với những NH quá yếu kém như vậy, tại sao không cho phá sản thưa Thống đốc, cũng như doanh nghiệp, nếu kinh doanh thua lỗ thì phải chấp nhận rời bỏ thị trường thôi?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Đặc thù của NH khác với các ngành khác, NH đi huy động vốn của dân còn Nhà nước phải bảo vệ quyền lợi người dân. Cho nên mới có việc chúng tôi mua lại NH với giá 0 đồng. Cá nhân tôi lúc đó cũng suy nghĩ rất nhiều mặc dù về mặt Luật pháp cả ta và nước ngoài đều có rồi, nhưng liệu ở VN đã "chín" chưa. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn quyết định làm. Mình phải bảo vệ quyền lợi của người dân. Còn những cổ đông lớn của NH phải chịu trách nhiệm. Ông đã có tiền đi làm NH nhưng kinh doanh yếu kém mà tiền của ông lại không mất sao được. Làm gì có chuyện vô lý thế. Thế nên ông phải mất tiền, vốn của ông phải bằng 0. Nhưng bằng 0 thôi chưa đủ, những gì ông gây ra với NH đó ông phải chịu trách nhiệm đến cùng.

Còn mục đích cuối cùng của Nhà nước khi mua lại các NH thế này là vì số tiền của doanh nghiệp, người dân còn ở đây, phải trả cho người ta. Nhưng nếu trả ngay thì Nhà nước mất tiền, vì thế mình phải duy trì tổ chức này, với bộ máy quản trị mới, với cơ chế hỗ trợ mới, sau một thời gian nó sẽ ổn định được thì sẽ có tiền trả cho người dân. Như vậy trước mắt không gây xáo trộn hệ thống, người dân cũng yên tâm. Về lâu dài Nhà nước còn có cơ hội lấy lại tiền và thị trường cũng cần dẹp bớt đi những NH làm ăn yếu kém.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý