Thông tin sai trên mạng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

mesu mesu @mesu

Thông tin sai trên mạng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Liên quan đến vấn đề pháp lý, về việc đăng tải, lan truyền thông tin trên mạng xã hội. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với thông tin gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

05/05/2015 03:03 PM
284

Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh thông tin bổ ích được chia sẻ thì vẫn còn xuất hiện những “tin đồn” thất thiệt, có thể gây hoang mang trong dư luận như việc xuất hiện “nữ quái” ở TP.HCM, gà nướng trên nền nhà bẩn, thực phẩm nhiễm độc… hay thậm chí mạng xã hội còn có thể là “mồi câu” các cô gái nhẹ dạ cả tin bạn mới quen trên facebook. 

   - Ảnh 1

Thông tin sai gây ảnh hưởng nghiêm trọng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự (Ảnh minh họa).

Trước vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư Hà Nội cho biết việc truyền tải thông tin trên mạng xã hội không bị nghiêm cấm:

“Về nguyên tắc việc truyền tải thông tin lên mạng xã hội không bị pháp luật nghiêm cấm. Nhà nước có chính sách khuyến khích “Khuyến khích phát triển các nội dung, ứng dụng tiếng Việt phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam trên Internet. Đẩy mạnh việc đưa các thông tin lành mạnh, hữu ích lên Internet.

Thúc đẩy việc sử dụng Internet trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống ( Điều 4, Nghị định 72/2013/NĐ-CP)”.

Những thông tin lành mạnh không bị nghiêm cấm nhưng theo luật sư Đặng Văn Cường:

“Tuy nhiên, Nghị định 72/2013/NĐ-CP cũng quy định: Nghiêm cấm những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet, theo đó các hành vi bị cấm về truyền bá, thông tin trên mạng xã hội được quy định tại khoản 1, Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP, cụ thể các hành vi nghiêm cấm như sau:

Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định

Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân

Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm

Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nếu thực hiện các hành vi vi phạm trên tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, hậu quả thực tế do hành vi gây ra có thể bị áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng với hành vi, hậu quả và động cơ, mục đích phạm tội.

Chế tài xử phạt hành chính được quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, khi thực hiện một trong các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 VNĐ theo quy định tại Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP:

Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật (điểm e, khoản 3, Điều 66)

Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác (điểm g, khoản 3, Điều 66)

Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm...

Nếu hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng internet gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một số tội danh như: Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính theo Điều 226 BLHS; Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 253 BLHS; Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XI BLHS hoặc một số tội danh khác như tội vu khống, tội làm nhục, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Luật sư Đặng Văn Cường cũng thông tin thêm: “Việc sử dụng đánh giá tính chính xác của các thông tin là phải hết sức thận trọng. Người dân không nên vội vàng tin vào những nội dung thông tin đăng tải trên các trang cá nhân của các mạng xã hội. Việc loan tin, truyền tin không chính xác có thể gây ảnh hưởng không nhỏ cho xã hội và hành vi "hoang báo" loan tin, bịa chuyện như vậy cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Vì vậy, người dân nên lựa chọn cho mình những kênh thông tin có độ tin cậy cao và tránh vội tin vào các thông tin trên các trang cá nhân chưa được kiểm duyệt hoặc các thông tin không chính thống từ các thế lực thù địch”.

Lan Anh

Xem video liên quan:

Hẹn gặp gái qua mạng rồi giở trò đồi bại

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý