Thừa Thiên Huế: 40 năm xây dựng và phát triển

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Thừa Thiên Huế: 40 năm xây dựng và phát triển

Sáng nay 26/3, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng (26/3/1975 – 26/3/2015).

27/03/2015 10:11 AM
265

 - Ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Cao – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sáng nay 26/3, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng (26/3/1975 – 26/3/2015). Đến dự có ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…, các lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

 - Ảnh 2

Ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Hà Nội.

Cách đây tròn 40 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, quân và dân ta đã mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Trong khí thế tiến công như vũ bão, quân và dân Thừa Thiên Huế đã chủ động, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, nhất tề đứng lên đánh địch trên toàn chiến trường Trị - Thiên mà trọng tâm là thành phố Huế.

Chỉ trong 22 ngày đêm, quân và dân Thừa Thiên Huế đã cùng với lực lượng của Quân đoàn II, Quân khu Trị Thiên, các đơn vị chủ lực của Bộ Quốc phòng tấn công từ bên ngoài, nổi dậy từ bên trong, tạo các mũi giáp công, giành quyền làm chủ. Sáng ngày 26/3/1975, lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân ta đã tung bay trên đỉnh Kỳ Đài – Phu Văn Lâu, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại – Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Cao – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Để có được ngày vui toàn thắng hôm nay, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết một lòng, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phát triển cơ sở cách mạng ở nông thôn, đồng bằng và đô thị…

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Thừa Thiên Huế đã vinh dự được tặng danh hiệu “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” và được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Tuy nhiên, trong cuộc chiến đấu mang tầm vóc thế kỷ ấy, hàng vạn chiến sỹ, những người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất quê hương. Hàng vạn đồng bào bị giết hại, hàng chục ngàn người tàn tật, bị nhiễm chất độc do kẻ thù gây ra, cán bộ, đảng viên và nhân dân bị bắt, tra tấn, tù đày trong các nhà lao đế quốc.

 - Ảnh 3

 - Ảnh 4

Lễ mít tinh kỷ niệm 40 ngày giải phóng Thừa Thiên Huế.

Sau 40 được giải phóng, nền kinh tế của Thừa Thiên Huế tăng trưởng nhanh và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng du lịch, dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp, trong đó xác định dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn chiếm 55,3% GDP của tỉnh, công nghiệp – xây dựng chiếm 34,1%, nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 10,6%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2014 đạt gần 5.000 tỷ đồng, tổng sản phẩm bình quân đầu người gần 2.000 USD; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,06%, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh; nhiều công trình đã kết nối được từ thành thị đến nông thôn, không còn chia cắt về giao thông.

Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, nhiều khu du lịch, khách sạn, nhà máy… mang tầm khu vực và quốc tế; thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, mô hình trang trại, gia trại đã hình thành và phát triển. Nhiều thiết chế, văn hóa, thể thao được đầu tư nâng cấp; các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ ngày càng phát triển và khẳng định vị thế của một trung tâm của miền Trung và cả nước. Công tác an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, 99,5% hộ sử dụng điện, 85% hộ nông thôn được sử dụng nước sạch, tỷ lệ đói nghèo giảm từ 2-3%/năm, 90% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; quốc phòng an ninh được cũng cố, trật tự xã hội được đảm bảo…

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: Để phát triển toàn diện và bền vững hơn nữa, trong thời gian tới Thừa Thiên Huế tập trung vào các nhiệm vụ chính như tạo đột phá phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh gắn với khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của tỉnh, lấy dịch vụ, du lịch làm hạt nhân phát triển. Tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá để hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng Thừa Thiên Huế theo mô hình “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”. Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa, du lịch, xây dựng và hoàn thiện để trở thành trung tâm y tế chuyên sâu; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế…

Phát biểu tại lễ mít tinh, ông Phạm Quang Nghị chia sẻ: “Cả nước tự hào về Thừa Thiên Huế, mảnh đất kiên cường của tổ quốc đã góp phần vẻ vang vào thắng lợi mở đầu cho cuộc tiến công và nổi dậy của toàn miền Nam. Sau 40 năm được giải phóng, vượt lên khó khăn và thử thách, với truyền thống anh hùng, đoàn kết, sáng tạo quân và dân Thừa Thiên Huế ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, chống chọi với thiên tai, tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội với những bước tiến vượt bật, đáng tự hào, trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, thành phố Huế là thành phố vinh dự lần đầu tiên của Việt Nam được trao danh hiệu thành phố văn hóa, thành phố bền vững môi trường của của ASEAN.”

Vi Vi Hồ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý