Thực hư cây vạn niên thanh gây chết người chỉ trong một phút?

mesu mesu @mesu

Thực hư cây vạn niên thanh gây chết người chỉ trong một phút?

Trước thông tin cây Vạn niên thanh gây chết người chỉ trong một phút được lan truyền trên mạng xã hội mới đây, PV báo Người Đưa tin đã trao đổi với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

30/07/2015 08:37 PM
237

Tin tức 24h qua, trên mạng xã hội facebook chia sẻ thông tin về cây vạn niên thanh, có thể gây chết người chỉ trong một phút.

Cụ thể, facebook có nickname Phong Tran có chia sẻ câu chuyện của con gái mình liên quan đến cây vạn niên thanh:

   - Ảnh 1

Thông tin về cây vạn niên thanh được một nickname chia sẻ gây hoang mang dư luận.

“Bạn có tin: Thứ này sẽ giết 1 đứa trẻ trong vòng chưa đầy 1 phút và giết chết 1 người lớn chỉ trong 15 phút.

Nếu để thứ này trong nhà, tính mạng cả gia đình bạn sẽ gặp nguy hiểm khôn lường…

"Con gái tôi gần như đã chết khi nó đặt một phần của lá cây này trong miệng! Lưỡi của nó bắt đầu sưng và nó bắt đầu nghẹt thở! Dưới đây là một hình ảnh của thực vật, nhưng hãy nhớ rằng có rất nhiều thực vật tương tự như này với hầu hết các đặc điểm giống nhau, đều là rất độc hại".

Đặc biệt là bạn nên cẩn thận khi con cái bạn ở nhà một mình và cần có ai đó để mắt đến chúng. Cung cấp cho họ một môi trường an toàn, nơi họ có thể chơi.

Thực vật này gần như đã giết con gái của tôi... Nó được tìm thấy trong nhiều văn phòng và nhà cửa, và trong thực tế nó vô cùng nguy hiểm! Nó được gọi là "Dieffenbachia” và nước ép của nó, cùng tất cả các bộ phận của nó đều rất độc (chứa canxi oxalat).

Cái chết ở người lớn có thể xảy ra trong khoảng 15 phút và trong ít hơn một phút ở trẻ em.

Nếu bạn có cây cảnh như vậy tại nơi làm việc hay ở nhà, chúng tôi khuyên bạn hãy bỏ nó ngay.

Hãy cẩn thận, nếu bạn chạm vào cây thì tuyệt đối không chạm vào mắt của bạn, bởi vì có một xác suất lớn là bạn sẽ bị mù”.

Thông tin này đã khiến nhiều người hoang mang, lo sợ bởi đây là loài cây được nhiều người trồng để làm cảnh. Bên cạnh đó cũng gây ra những ý kiến tranh luận trái chiều từ cộng đồng mạng.

Nickname Hoang Anh lo lắng: “Có thật không vậy, lo lắng quá”.

“Chắc chỉ là tin đồn thôi, có lẽ lại muốn câu like đây mà, nhà mình cũng trồng có sao đâu” là lời bình luận của nickname Khanh Huyen.

Trước thông tin đang gây hoang mang dư luận, PV Báo Người Đưa tin đã có cuộc trao đổi nhanh với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam.

Lý giải về nguồn gốc của loài cây này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Chi vạn niên thanh (tên khoa học: Aglaonema) là một chi thực vật có hoa, gồm nhiều loài khác nhau. Vạn niên thanh là loài cây thân mập, tròn cao từ 0,5 -1m, có các vòng sẹo do lá rụng để lại. Lá vạn niên thanh tập trung ở đầu cành, có hình bầu dục thuôn nhọn đầu mở rộng ở gốc hình tim, cuống mập có bẹ ôm thân. Lá cây có màu xanh bóng dày, gân lông chim nổi bật các đốm trắng vàng. Cây vạn niên thanh được nhiều gia đình ưa chuộng và thường dùng trang trí trong nhà bởi có tán lá đẹp, dễ dàng đặt ở bất cứ vị trí nào vì cây nhỏ và dễ chăm sóc”.

Ông Nguyễn Lân Dũng cho biết thêm: “Các loài vạn niên thanh được sử dụng rộng rãi trong trang trí, tiểu cảnh sân vườn với nhiều ưu điểm và ý nghĩa.

Trong phong thủy, việc sử dụng loại cây này chứng tỏ người chủ có đầu óc khoa học, yêu ghét phân minh, càng thích hợp cho người làm trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đầu tư chứng khoán hay mở mang thị trường mới, lĩnh vực mới. Cây vạn niên thanh sống lâu năm mà vẫn xanh tốt, mùa đông lá không héo úa nên được coi là loài cây mang ý nghĩa cát tường, sử dụng rộng rãi. Dùng vạn niên thanh trong ngày lễ tết là ngụ ý sung túc tốt đẹp, trong việc hôn nhân là cầu chúc như ý, trong lễ mừng thọ là để chúc sống lâu”.

Nói về loài cây thường được sử dụng, ông Nguyễn Lân Dũng bày tỏ: “Loài vạn niên thanh thường dùng có tên khoa học Aglaonema siamense Engl, chi Aglaonema, Họ Araceae - Họ Ráy. Cây thảo, lá xoan hay xoan thuôn, tròn ở gốc, nhọn dài và đều đều ở 1/3 trên, dài 15-20cm, rộng 5-7cm, có gân phụ rõ, cong lên; cuống dài 5-10cm, có bẹ và ôm ở gốc rồi thót lại. Cụm hoa ở ngọn hay ở bên; mo dài 3,5-4,5cm có nhiều chấm trắng, buồng dài 3,5cm, hình trụ, có chân ngắn, có phần cái ngắn, phân biệt với phần đực bởi những hoa trung tính hay các nhị lép. Quả dạng quả mọng, thuôn, có múi, chấm trắng dài 12-18mm, rộng 7-10mm. Ở nước ta thường gặp dưới tán rừng ẩm, nhiều nhất là chân các núi đá vôi nơi có nhiều mùn ở Lào Cai, Hòa Bình, Hà Nội, Tây Ninh, Ðồng Nai. Cũng được trồng làm cây cảnh.

Thường được dùng làm thuốc chữa rắn cắn, sưng đau họng, trĩ mụn nhọt. Thân cây sắc uống làm thuốc nhuận tràng. Dân gian cũng dùng cả cây cắt ngang bỏ vào cốc nước đun sôi để nguội uống cho khỏe người, chữa liệt dương và trợ tim, vạn niên thanh còn là tên gọi của nhiều loài cây lá có đốm trắng thuộc họ Ráy. Có rất nhiều loại tên vạn niên thanh, qui vào ba chi khác nhau: Aglaonema (Minh ti), Dieffenbachia (Môn trường sinh) và Scindapsus (Vạn niên thanh leo). Chúng đều có hình dạng tương tự nhau, có chung đặc tính hút độc làm sạch không khí.

Vì vậy, bản thân cây có thể có độc nhưng không đến nỗi chết người như tin đồn đại trên mạng Facebook gần đây.

Cả ba chi này đều là những cây cảnh đẹp, rẻ tiền, rất thông dụng ở Việt Nam, thường được trồng trong nhà để làm sạch không khí. Nhiều cây trong chi Aglaonema còn được dùng làm thuốc”.

   - Ảnh 2

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Đối với thông tin mà cư dân mạng đang truyền tay nhau, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ thêm: “Bên cạnh đó, loài cây này còn có chi Dieffenbachia (hay còn gọi là Môn trường sinh) có tới 56 loài khác nhau. Có một số loài trong chi này có tính độc nhẹ khi nhai lá. Các tế bào của cây Môn trường sinh chứa canxi oxalate tinh thể hình kim gọi là raphides. Nếu nhai một chiếc lá, những tinh thể này có thể gây ra một cảm giác khó chịu tạm thời và tạo ban đỏ. Trong trường hợp hiếm hoi, gây phù nề của các mô tiếp xúc. Nếu nhai và nuốt thường dẫn đến những triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, những hiệu ứng này hiếm khi đe dọa tính mạng. Trong hầu hết các trường hợp có thể được điều trị thành công với các tác nhân giảm đau, thuốc kháng histamin, hay than hoạt tính.

   - Ảnh 3

Cây vạn niên thanh thường trồng thuộc loài Aglaonema siamense không liên quan đến các cây có tính độc nhẹ thuộc chi Môn trường sinh.

Các cây vạn niên thanh thường nuôi trồng trong nhà thuộc loài Aglaonema siamense, không liên quan gì đến các cây có tính độc nhẹ thuộc chi Dieffenbachia (Môn trường sinh). Loài Aglaonema siamense ngoài tên vạn niên thanh còn có các tên khác là Thiên niên kiện, Đông bất điêu thảo, Cửu tiết liên. Còn có loài mang tên Vạn niên thanh chân mảnh, Vạn niên thanh Nam, Minh ty mảnh, Minh ty lưỡi liềm thì lại thuộc loài có tên khoa học là Aglaonema tenuipes Engl, chúng không liên quan gì đến các cây thuộc chi có thể có tính độc nhẹ là Dieffenbachia (Môn trường sinh)”.

Bạch Dương

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý