Thực hư chuyện xâm phạm 'đất thánh', gánh đại họa

mesu mesu @mesu

Thực hư chuyện xâm phạm 'đất thánh', gánh đại họa

Những nhà nghiên cứu di sản văn hoá hàng đầu cũng thừa nhận có những sự việc rất khó giải thích khoa học. Trong dân gian, có khi giải thích theo khoa học thì lòng dân cũng khó tin.

03/05/2015 07:32 PM
498

Đền bù cũng chưa đủ

Trong công trình nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu - TS Nguyễn Chu Phác đã lắng nghe không ít các hiện tượng được cho là phải chịu quả báo vì tạo nghiệp, xâm phạm đến tín ngưỡng và những nơi linh thiêng như đền, chùa, miếu mạo.

   - Ảnh 1

Hình ảnh ngọn núi bị khai phá. (Ảnh tư liệu)

TS. Chu Phác từng gặp một người đàn ông ngoài 60 tuổi, dáng người to khoẻ. Tuy nhiên, chân tay ông liên tục run rẩy. Khi ông đi lại, nằm ngồi phải có hai, ba người dìu, đỡ. Ai hỏi chuyện, ông chỉ có thể lắc, gật hoặc nói ngắt hơi rất nhỏ, nghe không rõ lời. Nghe TS Chu Phác giới thiệu, ông nhờ một nhà ngoại cảm soi. Vài ngày sau, khi được nhà ngoại cảm tác động, giải nghiệp, ông đã tự ngồi và đi lại được.

Khi đó, ông mới bộc bạch, ông tên là T. và bị bệnh pa-ki-sơn, hen phế quản, cao huyết áp, ăn ngủ rất kém. Ông phụ trách quy hoạch kiêm phụ trách việc xây dựng của một thành phố. Ông làm chủ một dự án đường ô tô chạy từ thành phố đến khu công nghiệp theo phương thức “đổi đường lấy đất”. Nghĩa là, ông cùng một số người góp vốn làm đường cho Nhà nước.

Sau đó, ông được hưởng đất hai bên đường. Giá đất tăng lên vùn vụt từ 1 triệu đồng/m2 đến 4 triệu đồng/m2 rồi 40 triệu đồng/m2. Có đoạn địa thế thuận tiện, giá đất còn cao hơn nhiều. Dự án tuy nhỏ nhưng đã đem lại một khoản lời rất lớn. Quá trình thi công, dự án phải dỡ một đình làng, một miếu thờ thần linh và một nghĩa trang có hàng trăm mộ.

Ông nghĩ, đây là việc làm bình thường. Với lại, lấy đất của đền, chùa, miếu mạo thì đền bù thoả đáng, cả tiền xây lại. Mồ mả ai tự bốc đi thì thanh toán một ít. Nếu không thì dự án sẽ bốc đi một nơi khác. Khoản đền bù lớn nên ông cho thế là thoả đáng. Âm, dương chắc đều vui vẻ.

Ngờ đâu, dự án hoàn thành được một thời gian thì ông T. đổ bệnh tưởng không qua khỏi. Gia đình đưa đi các viện địa phương, đến bệnh viện Việt Pháp để chữa chạy nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Thậm chí, ông còn sang tận Singapore đến ba lần, tốn không biết bao nhiêu tiền của nhưng không khỏi.

Sau này khi ngẫm ra chuyện, ông T. nói: “Phải sám hối và giải nghiệp”. Ông cũng tâm sự với TS. Chu Phác: “Thực ra, việc đền bù cũng mức độ, quyền thế ở trong tay mình. Vì tiền lời phải chia nhiều cấp từ người duyệt dự án, nhà thầu, rồi chính quyền… Tôi đã nói mình có được ăn cả đâu, đành rằng là mình có được hơn mọi người vì là người chủ trì, quyết định. Chỉ ân hận là mồ mả di chuyển nhiều, mất hết bia, lẫn lộn lung tung nên không biết làm thế nào. Nhiều lúc tôi cũng bác bỏ chuyện tâm linh, nhưng đêm về suy nghĩ, nửa tin, nửa không, cũng sợ. Bây giờ muộn rồi. Nhưng cũng may, gặp thầy gặp thuốc”.

Trong công trình nghiên cứu của mình, TS. Chu Phác cũng dẫn chuyện về một trường hợp xâm phạm chùa và vứt bỏ đồ thờ cúng. Đó là trường hợp của một người đàn ông tên B. Anh B. đã đưa tượng Phật ra sân chùa lấy búa bổ tượng làm củi đun nước. Về đến cổng nhà, anh B. nhìn thấy bóng một người to lớn vác thanh đại đao chờ sẵn (!?). Sợ quá, anh đi vòng ngõ khác.

Nghĩ hay là do mình bị ám ảnh nên hoang tưởng như vậy, anh phải gọi mấy người hàng xóm sang cùng vào nhà. Nhưng ngay hôm đó ngủ dậy, anh thấy thân mình phồng to, đầu đau như búa bổ. Đi khám bệnh viện, các bác sỹ không tìm ra bệnh. Ba tháng sau, người anh nứt nẻ, bệnh ngày càng nặng thêm và anh qua đời sau đó.

Đại tá Nguyễn Trọng Tống, Trưởng ban hành chính đơn vị cũ của TS. Chu Phác cũng cho hay, ở làng bên cạnh làng ông có rất nhiều thanh niên bị điên. Mấy bác sỹ mới về hưu cũng bị như vậy. Đại tá Tống mời TS. Chu Phác về nghiên cứu. Khi về đến làng, TS. Phác mới biết chùa làng chỉ còn một khu đất hoang cỏ mọc um tùm.

Hỏi chuyện ra mới biết, gỗ thì đã chia nhau làm chuồng lợn, cái tốt thì làm nhà, tượng thì ném tất xuống sông. Riêng tượng Phật Bà Quan Âm thì có một người giấu đi đem gửi chùa làng ông Tống thì còn. TS. Phác đã đưa người về giúp đỡ và yêu cầu làng lập đàn sám hối, quyên góp xây dựng lại chùa. Từ đó, thanh niên trong làng khỏi dần dần.

Dính họa vì phạm vào đất thánh?

Ở một vùng đồng bằng nọ, có một núi đá mọc lên giữa cánh đồng lúa xanh tốt. Không rõ từ bao giờ, dân ở đây đã lập một đền thờ một bà chúa đã từng dạy dân trồng trọt, nuôi tằm, dệt vải. Trước năm 1954, giặc Pháp đã phá để xây cứ điểm khống chế dân. Nhưng không hiểu sao, chúng không dám phá hết, vẫn còn bệ, bát hương để dân thờ cúng.

Sau giải phóng, Pháp rút quân, bà con địa phương đóng góp của, đem đất, đem gạch, đội vôi, đội cát và xi măng chuyển từ chân núi lên đỉnh để xây lại đền. Nhân dân trong vùng đến chiêm bái ngày một đông, một là để đội ơn bà, hai là xin bà phù hộ cho dân làng và bà con địa phương làm ăn tấn tới.

Thời thế thay đổi, từ năm 2005 trở lại đây, một số địa phương có phong trào “bán núi lấy đô–la”. Ở vùng núi đá có thờ bà chúa, chính quyền cũng bán núi và “xoá sổ” luôn ngôi đền một lần nữa vì mấy lý do là lấy tiền xây trường học, nhà trẻ, nhà hộ sinh và làm đường trong xã. Chính quyền nói sẽ xây cho bà con một chỗ thờ khác ở chân núi. Dân làng không nghe. Nhưng yêu cầu của người mua núi là mua hết quả núi, phải phá hết đền để họ khai thác triệt để.

Dân không đồng ý phá đền. Thế là các cụ cao tuổi, cựu chiến binh tụ tập lên xã yêu cầu cho xây lại đền ở núi. Cuộc kiện kéo dài mấy năm chưa có hồi kết. Tuy vậy, theo bà con địa phương phản ánh, người quyết định phá đầu tiên thì con trai bị chết do tai nạn xe máy. Người thứ hai thì chồng chết, bản thân ngã gãy tay, con trai ăn nhầm phải bả chuột chết. Người thứ ba khuynh gia bại sản, sống tàn lụi. Người thứ tư bị tai nạn, mặt biến dạng. Người nhét chuối vào miệng tượng khi nổ mìn phá đá, bị mìn nổ tan xác… Nhiều người khác còn gặp những tai họa không kể hết (tất nhiên thông tin này chưa được kiểm chứng). 

Từng bàn luận về quan điểm cho rằng, “thánh thần nổi giận” vật chết người, nhà nghiên cứu di sản văn hoá GS. TS Trần Lâm Biền cho rằng, cũng có thể đưa ra phán đoán, đất của một số ngôi chùa là đất dữ, có chứa nhiều thành phần phức tạp, khi bị đào xới lên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân, gây ra bệnh tật hiểm nghèo hoặc những cái chết bất thường.

Nhưng không thể đơn giản phán đoán câu chuyện theo một cách cảm tính mà phải mời các nhà khoa học về thổ nhưỡng, địa chất, vật lý liên quan vào cuộc, tiến hành điều tra rồi mới đưa ra kết luận. Không nên khẳng định hay phủ định dứt khoát.

   - Ảnh 2

GS. TS Trần Lâm Biền.

GS. TS Trần Lâm Biền phân tích, có những sự việc rất khó để giải thích một cách khoa học. Trong dân gian, có khi giải thích theo khoa học thì lòng dân cũng khó tin. Điều này có thể lý giải rằng, do một thời gian dài trong chiến tranh, cuộc sống của người dân đã “xa rời tâm linh”, nay khi “quay trở lại”, lòng tin của họ lại đi quá đà.

Tất cả những điều không may mắn xảy ra một cách dồn dập, họ lại quy cả thành một khối cho rằng, đó là do thánh thần nổi giận, do ma quỷ trêu ngươi mà nên… Người xưa đã có câu: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”. Thế nhưng lòng tin của con người không có bệ đỡ trí tuệ thì dễ vượt ra ngoài và trôi nổi bởi sự huyễn hoặc. Trong giáo lý nhà Phật cũng dạy, phải lấy trí tuệ làm hàng đầu, không nên tin tưởng mù quáng mà gây hoang mang trong dư luận.       

Kim Thy

Video tham khảo:

 

Nét đẹp Lễ hội Chùa Láng -Ngôi chùa cổ nhất Hà thành

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý