Thực phẩm chức năng ngang nhiên quảng cáo là “Phương thuốc kỳ diệu”

daikieu daikieu @daikieu

Thực phẩm chức năng ngang nhiên quảng cáo là “Phương thuốc kỳ diệu”

Dù Bộ Y tế đã xử phạt hàng loạt công ty quảng cáo thực phẩm chức năng sai luật, vậy mà một công ty đã quảng cáo thực phẩm chức năng như 1 phương thuốc kỳ diệu.

15/05/2017 03:37 PM
589

Từ đầu năm 2017, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã xử phạt hàng loạt công ty quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Mới đây, một công ty đã quảng  cáo thực phẩm chức năng như một “phương thuốc kỳ diệu”.

Phạt hơn 4 tỷ đồng các công ty sai phạm

Thực phẩm chức năng là loại hàng hóa có sức tăng trưởng lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, thị trường thực phẩm chức năng đã phát triển 15 năm qua với hơn 20.000 sản phẩm được cấp phép lưu hành và hơn 4.000 cơ sở sản xuất kinh doanh. Tại các đô thị, bình quân 50% dân số - những người trưởng thành sử dụng thực phẩm chức năng thường xuyên.

Bộ Y tế Việt Nam đang từng bước kiểm soát chất lượng thực phẩm  chức năng song song với việc tạo điều kiện cho thị trường này phát triển. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng để ngành sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng, đặc biệt là nhóm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe phát triển đúng hướng, lành mạnh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hướng tới các chuẩn mực quốc tế, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản về quản lý thực phẩm chức năng. Mới đây nhất, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 4288/QĐ-BYT ngày 8/6/2016 “Quyết định ban hành tài liệu hướng dân thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe”.

Thực phẩm chức năng ngang nhiên quảng cáo là “Phương thuốc kỳ diệu” - Ảnh 1

Hàng loạt đơn vị bán sản phẩm TPCN bị phạt do quảng cáo sai. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, để hoàn thiện các quy định quản lý và hành lang pháp lý trong việc sản xuất, phát triển và sử dụng thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đang soạn thảo nghị định về quản lý thực phẩm chức năng.

Một mặt khác, Bộ này kiểm soát chặt hơn việc kiểm tra quy trình sản xuất, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm thực phẩm  chức năng cũng như hoạt động quảng cáo của  các đơn vị sản xuất phân phối.

Chỉ từ 1/10/2016 đến giữa tháng 5/2017, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành 24 Quyết đinh xử phạt vi phạm hành chính 06 tháng đầu năm 2017 đối với 24 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là hơn 4 tỷ đồng. Cụ thể, 11 cơ sở vi phạm về quảng cáo, 09 cơ sở vi phạm về kiểm nghiệm định kỳ, 04 cơ sở vi phạm nhiều hành vi.

Trong đó, có các công ty vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng như Công ty Cổ phần Triệu Sơn; Công ty TNHH La Mi; Công ty Cổ phần Đông Trùng Hạ Thảo do không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo và nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, nội dung không phù hợp với nội dung được Cục An toàn thực phẩm xác nhận.

Chưa bị phạt nên vẫn ngang nhiên vi phạm

Trong Thông tư Hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế ngày 13/3/2013 nêu rõ, Điều kiện đối với nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng: “Nội dung quảng cáo trên các ph-ương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, pốt-x-tơ (poster), áp phích phải bảo đảm đúng tác dụng của sản phẩm đã công bố; ngoài các nội dung đã công bố…

Riêng với các sản phẩm thực phẩm chức năng phải có dòng chữ hoặc lời đọc “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh””.

Tuy nhiên, nhiều công ty đã cố tình “phớt lờ” như không hiểu quy định trên.

Thực phẩm chức năng ngang nhiên quảng cáo là “Phương thuốc kỳ diệu” - Ảnh 2

Một quảng cáo sai phạm.

Trong một bài viết quảng cáo thực phẩm  chức năng GHV KSol trên website http://ksol.vn được cho là của công ty CP Dược phẩm Goldhealth Việt Nam có bài viết: “Bí quyết chữa khỏi ung thư dạ dày”. Trong bài nói về một bệnh nhân bị ung thư dạ dày được hóa trị và có sử dụng sản phẩm GHV Ksol.

“Sau 6 tháng điều trị và đều đặn sử dụng GHV Ksol các vùng di căn đã biến mất, khối u đã nhỏ đi được 2cm. Bác sĩ cũng rất bất ngờ về khả năng hồi phục nhanh chóng của ông Nam. Nếu cứ theo tình trạng này, ông sẽ nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.

Giờ đây ông đã khỏe trở lại, cuộc sống từng ngày của ông Nam trở nên vô cùng ý nghĩa. Ông luôn cảm thấy mình may mắn vì đã tìm được phương thuốc “kì diệu” đã giúp ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Hi vọng những ai đang điều trị ung thư có thể đọc được những lời tâm sự này để có thể biết đến sản phẩm GHV Ksol và nhanh chóng tìm lại được hi vọng sống cho bản thân mình”.

Như vậy, bài viết quảng cáo đã coi thực phẩm  chức năng GHV Ksol như một “phương thuốc kỳ diệu” là vi phạm quy định, gây hiểu nhầm cho người bệnh tưởng đây là thuốc.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 00488/2017/ATTP-XNQC cho thực phẩm  chức năng GHV Ksol không hề có cụm từ “hỗ trợ điều trị ung thư”.

Tuy nhiên, trong bài viết cũng như các quảng cáo trên website lại khẳng định sản phẩm này “hỗ trợ điều trị ung thư”: “Ông nhanh chóng nhập viện và tiến hành điều trị. Sau  lần hóa trị đầu tiên, ông cảm thấy cơ thể nhanh chóng suy nhược trầm trọng, mệt mỏi, chán ăn… có đôi lúc ông ảm thấy mình không thể tiếp tục điều trị được nữa vì sức khỏe đang yếu dần đi. Bác sĩ động viên gia đình ông phải cố gắng kiên trì điều trị. Một người bệnh nhân cùng phòng đã giới thiệu cho ông  sử dụng sản phẩm GHV Ksol để hỗ trợ cho quá trình điều trị”.

Như vậy, người bệnh trong quá trình tìm mua thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh cần đọc kỹ thông tin về sản phẩm cũng như mua đúng nơi uy tín.

Về vấn đề quảng cáo sai phạm tràn lan trên các website, Cục An toàn thực phẩm đã nhiều lần thông bao đến người dân nên cảnh giác. Không chỉ trên website, nhiều tờ rơi được phát đến tay người dân đã thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng. Trước đó, trao đổi với phóng viên,ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo: "Người tiêu dùng khi nhặt được tờ rơi không có tên địa chỉ nhà in, số giấy phép in… thì nội dung quảng cáo trên tờ  rơi đó không chính xác  và không được duyệt. Vì vậy, không nên mua sản phẩm đó”.

Những sản phẩm thực phẩm chức năng được Cục An toàn thực phẩm cấp phép là những sản phẩm được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Việc kiểm nghiệm, công bố nhãn, ….đều có quy trình theo quy định của Nhà nước. Các doanh nghiệp làm tốt thường mẫu và kiểm tra mẫu  3-6 tháng tùy điều kiện. Về phía cơ quan giám sát vẫn định kỳ lấy mấu để kiểm nghiệm.

Hữu Bằng

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý