Thương vụ M&A bất thành của DongA Bank

baybykiu baybykiu @baybykiu

Thương vụ M&A bất thành của DongA Bank

Việc DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt là một “cú sốc” với gần 7 triệu khách hàng ngân hàng này và gây bất ngờ lớn với dư luận. Vài tháng trước đó, rộ lên thông tin DongA chuẩn bị sáp nhập với ABBank.

29/08/2015 08:00 AM
272

  Thương vụ M&A bất thành của DongA Bank - Ảnh 1

DongA Bank là ngân hàng có đầu tư sâu về công nghệ thẻ

Đùng cái DongA Bank (Ngân hàng TMCP Đông Á) bị kiểm soát đặc biệt. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc bị đình chỉ.

Nếu thương vụ M&A giữa DongA Bank và ABBank thành công, liệu kết cục đáng buồn có xảy ra với DongA Bank?

Kế hoạch hoàn hảo

Chưa năm nào, ngành ngân hàng Việt Nam chứng kiến nhiều sự kiện, xảy ra nhiều “biến cố” như năm nay. Với quyết tâm phục hồi “sức khỏe” cho toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước mạnh tay xử lý những đơn vị yếu kém, buộc sáp nhập các ngân hàng nhỏ lại với nhau hoặc ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn.

Câu chuyện sáp nhập trở thành tâm điểm, đề tài nóng của ngành ngân hàng. Trên thị trường, dư luận xôn xao về việc các cặp đôi đang tìm hiểu và lên phương án sáp nhập trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Bên cạnh các thương vụ được nhắc đến nhiều như VietinBank và PGBank, Vietcombank và SaigonBank, Sacombank và SouthernBank, BIDV và MHB, Maritime Bank và MDB thì khả năng DongA Bank và ABBank về chung nhà gây chú ý.

Ngày 2/6, trao đổi với báo chí, ông ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, giữa hai ngân hàng đã có các cuộc tiếp xúc và trao đổi, nhưng mọi vấn đề còn phải chờ ý kiến ĐHCĐ.

Ông Bình nói rõ rằng ABBank đã gặp gỡ DongA Bank và đưa ra đề nghị, nếu sáp nhập sẽ giữ lại tên của DongA Bank.

Cũng trong tháng 3, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á cho biết Đông Á và An Bình đang trong quá trình tìm hiểu nhau.

Dư luận càng cho là khả năng cao DongA Bank và ABBank sẽ “hợp hôn” khi một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tạo điều kiện để hai ngân hàng hợp lại, củng cố nội lực và phát triển.

Trên thực tế, theo quan sát của truyền thông thời điểm đó, việc DongA Bank và ABBank chung nhà sẽ khiến cho cả hai nhân lên sức mạnh. Nếu DongABank và ABBank sáp nhập với nhau sẽ trở thành một ngân hàng lớn với vốn điều lệ gần 10.000 tỷ đồng và có 369 điểm giao dịch, có thế mạnh về công nghệ.

Trượt trước giờ G

Tuy nhiên, thương vụ ABBank và DongA Bank đã không thể diễn ra.

Không phải đến khi DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà trước đó vài tháng, những tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước và ABBank đã cho thấy, khả năng ABBank và DongA Bank chung nhà là khá mong manh.

Ngày 27/4, ABBank tổ chức Đại hội đồng cổ đông, nhiều cổ đông đã chất vấn lãnh đạo ngân hàng về vấn đề này. Ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch HĐQT cho biết, ABBank sẵn sàng hợp nhất, sáp nhập với tổ chức tín dụng tốt, có định hướng phát triển cũng như văn hóa doanh nghiệp phù hợp với ABBank và theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Cùng lúc đó, Ngân hàng Nhà nước thông tin khả năng sáp nhập được là mong manh, vì tình hình một trong hai ngân hàng có dấu hiệu bất ổn.

Dựa vào những diễn biến của thị trường, dư luận hướng cái nhìn lo lắng về DongA Bank. Tại đại hội đồng cổ đông DongA Bank hôm 21/7, lãnh đạo ngân hàng công bố thông tin Kinh Đô sẽ mua 1.000 tỉ đồng cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó không lâu, hai bên đã ngưng đàm phán, phía Kinh Đô đã quyết định không mua 1.000 tỉ đồng cổ phần như DongABank thông tin trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông của ngân hàng này vừa qua. Lý do được phía mua đưa ra là tình hình tài chính của DongABank có quá nhiều vấn đề cần cải thiện và Kinh Đô cho rằng thời điểm này chưa phải lúc đầu tư vào DongABank.

  Thương vụ M&A bất thành của DongA Bank - Ảnh 2

Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á

Đến thời điểm này, mọi thứ đã rõ ràng, dù các nguồn tin đều không nói rõ DongABank hiện đang “bệnh tật” thế nào. Ngày 13/8, Ngân hàng Nhà nước công bố kết luận thanh tra với DongA Bank và quyết định kiểm soát đặc biệt ngân hàng này. Cùng với đó, nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của DongA cũng bị miễn nhiệm.

“Kết quả thanh tra cho thấy từ năm 2012 trở về trước, Đông Á đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của Đông Á.” – Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Cơ quan này cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo vệ pháp luật, xử lý nghiêm minh các tập thể cá nhân vi phạm pháp luật gây thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân ở DongA Bank.

Và ngày 20/8, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định đình chỉ chức danh Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc DongA Bank đối với ông Trần Phương Bình và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân.

DongA Bank đã lâm nạn, đã gặp sự cố với hoạt động nghiệp vụ của chính mình, và cái giá phải trả cho điều đó là bị kiểm soát đặc biệt. Tương lai DongA Bank vẫn bỏ ngỏ hai con đường, sáp nhập vào BIDV hay tiếp tục trụ vững và vươn lên. Câu trả lời thuộc về Ngân hàng Nhà nước và chính ngân hàng này.

Ông Cao Sỹ Kiêm từ nhiệm, ông Võ Minh Tuấn làm chủ tịch

Ông Cao Sỹ Kiêm đã có đơn từ nhiệm và được Hội đồng Quản trị thông qua.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định ông Võ Minh Tuấn tham gia Hội đồng Quản trị của DongA Bank với vị trí ủy viên, thay thế vị trí của ông Trần Phương Bình.

Hôm 27/8, các thành viên Hội đồng Quản trị cũng thống nhất bầu ông Võ Minh Tuấn lên làm Chủ tịch HĐQT thay ông Cao Sỹ Kiêm.

Ông Võ Minh Tuấn sinh ngày 24/10/1967, được bổ nhiệm chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, thuộc Ngân hàng Nhà nước từ tháng 9 năm ngoái. Trước đó, từ tháng 1/2014, ông Tuấn là Phó tổng giám đốc của Ngân hàng OCB.

Trước khi về OCB, ông Tuấn đã có hơn 20 năm công tác tại Ngân hàng Công Thương – Vietinbank. Tại Vietinbank ông đã làm tại các vị trí như cán bộ phòng kế toán tài chính, Trưởng phòng kế toán tài chính, Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TPHCM và Phó tổng giám đốc Vietinbank từ tháng 4-2010 đến tháng 10-2013.

Lưu Văn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý