Tịch thu ô tô của tài xế say xỉn: Sao lại phạm luật?

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Tịch thu ô tô của tài xế say xỉn: Sao lại phạm luật?

(ĐSPL) “Trên thực tế, pháp luật đã có quy định tịch thu phương tiện đối với hành vi đua xe trái phép và nhiều trường hợp khác.

06/03/2015 04:06 PM
361

Đó là nhận định của luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng Văn phòng luật Giang Thanh (đoàn luật sư Hà Nội) xung quanh đề xuất tịch thu phương tiện đối với tài xế “say xỉn” và tịch thu xe máy chạy vào đường cao tốc gây tranh cãi thời gian gần đây.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Giang Hồng Thanh phân tích: Quy định về tịch thu phương tiện đã có trong luật “Xử phạt vi phạm hành chính 2012”. Luật này nêu rõ: Người vi phạm hành chính có thể bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

“Trên thực tế, pháp luật đã có quy định tịch thu phương tiện đối với hành vi đua xe trái phép và nhiều trường hợp khác. Vậy làm sao có thể nói rằng đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm là trái luật?”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, vấn đề đặt ra là có cần thiết phải áp dụng biện pháp xử lý này, nhất là với người vi phạm lần đầu và chưa gây ra hậu quả gì chưa? Nếu phương tiện không phải thuộc quyền sở hữu của người lái xe, thì phải chăng là “quýt làm cam lại chịu”?

 - Ảnh 1


Đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc 

cũng vấp phải ý kiến trái chiều.

Luật sư Thanh cho rằng ý tưởng rất đáng hoan nghênh song cần phải cân nhắc bởi tính chất nguy hiểm cho xã hội của một anh lái xe say xỉn không lớn bằng hành vi đua xe trái phép và nhiều trường hợp khác.

Ô tô, xe máy.. là tài sản có giá trị lớn. Nếu chỉ vi phạm lần đầu, chưa gây hậu quả gì mà lại bị tịch thu phương tiện thì e rằng người bị xử lý sẽ phản ứng gay gắt. Dư luận cũng sẽ không đồng tình”, Luật sư Thanh nêu quan điểm.

Luật sư Thanh cho rằng rất nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện chưa hẳn đã là chủ sở hữu, vậy là sẽ xảy ra tình huống “quýt làm mà cam chịu” rất khó chấp nhận.

Luật sư Thanh cũng nêu kiến nghị: “Đối với các trường hợp lái xe có nồng độ cồn quá cao thì đầu tiên nên tước quyền sử dụng giấy phép lái xe cần yêu cầu họ ký cam kết trong thời hạn bao nhiêu lâu không được tái phạm.

Nếu không chấp hành sẽ áp dụng hình phạt tịch thu phương tiện. Còn nếu người điều khiển không phải là chủ sở hữu, yêu cầu chủ sở hữu phải cam kết quản lý phương tiện của mình. Nếu đến lần thứ hai, thứ ba mà phương tiện đó vẫn tái phạm thì bị tịch thu.”

Đồng quan điểm trên, nhiều người dân cũng cho rằng đề xuất tịch thu phương tiện giao thông chỉ nên được áp dụng khi tái phạm nhiều lần.

Trước đó, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cũng đề xuất tịch thu, bán đấu giá xe máy chạy vào đường cao tốc và ngay lập tức vấp phải nhiều phản đối của người dân.

Liên quan đến sự việc, trả lời trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ  tại cuộc đối thoại trực tuyến với chủ đề "Nâng mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông". Trước lo ngại của người dân về việc người mượn xe vi phạm luật khiến xe bị tịch thu, tiến sĩ Tô Văn Hòa - Trưởng khoa Khoa luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội nêu quan điểm: Cần phải tách bạch trách nhiệm của người vi phạm và chủ phương tiện.

Theo T.S Hòa, ở Việt Nam, việc cho mượn xe xảy ra thường xuyên. Người cho mượn xe cũng khó kiểm soát, ra điều kiện là người mượn không được uống rượu bia.

Tuy nhiên, T.S Hòa hoàn toàn tán thành với nhận định người uống rượu bia lái xe có khả năng gây ra tai nạn, gây nguy hiểm cho xã hội.

"Nếu có thể tách bạch mối quan hệ giữa người cho mượn xe và người vi phạm thì sẽ giải quyết được vấn đề. Một mặt, mức chế tài dành cho người vi phạm, mặt khác người vi phạm phải có trách nhiệm đối với người bị nạn nói chung", TS Hòa nói.

Nêu bài học của Nhật Bản, ông Khuất Việt Hùng cho hay, ở nước này, người cho mượn xe cũng bị phạt. Còn người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Cũng theo ông Hùng, ngay từ lần đầu vi phạm, phương tiện cần bị tịch thu. "Tai nạn xảy khiến sức khỏe bị tổn hại, nguy cơ mất mạng, uy hiếp tính mạng người khác thường trực. 70% nguyên nhân tai nạn có yếu tố con người".

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, theo kiến nghị của Ủy ban ATGT, khi tài xế say xỉn thì biện pháp tịch thu phương tiện được áp dụng mà không cần phân biệt giá trị. Phương tiện đó có thể là xe máy hay xe sang cả chục tỷ, bởi mối nguy hại lúc này là tài xế say xỉn, giá trị xe không có ý nghĩa.

"Vì thế để đơn giản hóa, chúng tôi đề xuất tịch thu mà không nói đến giá trị của phương tiện", ông Hùng nói.

Ông Khuất Việt Hùng khẳng định, khi xây dựng đề xuất, Ủy ban ATGT Quốc gia đã nghiên cứu cơ sở pháp lý. Ông cho biết, điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi vi phạm hành chính uy hiếp gây nguy hiểm cho xã hội cao.

Theo kiến nghị của Ủy ban ATGT quốc gia, người điều khiển phương tiện bị tước quyền sử dụng GPLX 24 tháng và tịch thu phương tiện nếu trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.  Ủy ban ATGT Quốc gia cũng chính thức kiến nghị Chính phủ cho phéptịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu lưu thông vào đường cao tốc. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông giảm sút đáng kể khi uống rượu bia. Chỉ một ly rượu vang hay nửa cốc bia thì khả năng phản ứng tăng giảm tốc, duy trì quỹ đạo của phương tiện hay xử lý tình huống đã bị ảnh hưởng. Một người có nồng độ cồn trong máu ở mức 80mg/100ml có thể gây tai nạn giao thông tăng gấp 2,7 lần so với người không có nồng độ cồn.

Ngoài ra, khi đã uống rượu khả năng kiềm chế của con người giảm đi nhiều, đặc biệt có tâm lý "vẫn có thể đi xe an toàn" trong khi thực tế không phải như vậy.



NHẤT NAM

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý