Tiến tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014): Điện Biên - Hoa Ban khoe sắc

scubi scubi @scubi

Tiến tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014): Điện Biên - Hoa Ban khoe sắc

Congly.vn Điện Biên có 19 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa độc đáo và phong tục tập quán riêng của vùng Tây Bắc...

14/03/2014 02:09 PM
6,678

Xác định rõ vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế xã hội, ngành VHTTDL tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế.

Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên GIáp và Bộ Chính trị bàn bạc kế hoạch Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Vùng đất giàu truyền thống, nhiều tiềm năng

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi có tiềm năng du lịch rất lớn, đặc biệt là du lịch văn hóa lịch sử. Trong đó, quần thể di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị, với những địa danh như đồi Him Lam, đồi A1, cầu Mường Thanh, Nghĩa trang liệt sỹ A1, Bảo tàng và Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, các đồi D1, C1, đường kéo pháo... Những địa danh này thực sự là minh chứng sống động cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hào hùng và anh dũng của quân đội ta.

Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên còn có Thành Bản Phủ, đền thờ Hoàng Công Chất, nhà tù Lai Châu… để phát triển du lịch lịch sử, tâm linh; suối khoáng nóng Uva, Pe Luông, bản Sáng có tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng; động Pa Thơm, hồ Pa Khoang, Tháp Mường Luân, Chiềng Sơ, Huổi Phạ, Hồng Khếnh, vườn chè Tuyết Shan cổ thụ ở Tủa Chùa có tiềm năng phát triển du lịch vãn cảnh… hoặc có thể đi du lịch mạo hiểm qua việc khám phá rừng nguyên sinh ở Mường Nhé, Mường Phăng…

Di tích hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Tiềm năng văn hóa phi vật thể tỉnh Điện Biên cũng là thế mạnh nổi trội để phát triển du lịch với lịch sử hình thành lâu đời. Điện Biên có 19 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa độc đáo và phong tục tập quán riêng của vùng Tây Bắc. Đó là thiên tình sử “Tiễn dặn người yêu” (Xống chụ xon xao) của dân tộc Thái; trường ca “Tiếng hát làm dâu” của dân tộc Mông; các làn điệu dân ca các dân tộc: Thái, Cống, Si La, Mông, Khơ mú...; các điệu dân vũ: Xòe (Thái, Lào); điệu múa tăng bu, tăng bẳng (Khơ Mú), múa khèn (Mông), múa trống (Hà Nhì); các loại hình nhạc cụ truyền thống phong phú: Khèn bè, khèn, kèn lá, tính tẩu; các loại pí...; kiến trúc nhà truyền thống: Nhà sàn, nhà đất, nhà trình tường...

Xác định rõ vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế xã hội, ngành VHTTDL tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế. Trong những năm qua, Điện Biên đã có nhiều hoạt động tu bổ, nâng cấp các di tích lích sử cách mạng cũng như cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu thăm viếng của du khách.

Xe tăng của quân đội viễn chinh Pháp

Điểm nhấn sắc màu Điện Biên 2014

Năm nay, chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Tuần Văn hóa Du lịch Điện Biên 2014 diễn ra từ ngày 13 đến 15/3/2014, nhằm tôn vinh tinh hoa văn hóa nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Tuần Văn hóa Du lịch Điện Biên 2014 với chuỗi những hoạt động diễn ra, bao gồm: Hội thảo “Phát huy giá trị đặc biệt của Di tích lịch sử Điện Biên Phủ để đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Điện Biên trong mối liên kết với vùng Tây Bắc”; Triển lãm tranh, ảnh chủ đề “Dấu ấn Điện Biên Phủ và văn hóa du lịch Tây Bắc” do Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam chủ trì; Triển lãm tranh, hoa lan và quà tặng du lịch, gian hàng giới thiệu làng nghề truyền thống; Thi đấu và trao giải các môn thể thao dân tộc (tung còn, cà kheo, kéo co, tù lu, ném pa pao); Hội thi ẩm thực “Hương sắc Điện Biên”; Trình diễn trang phục, lễ hội văn hóa dân gian các dân tộc...

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ

Đặc biệt, vào tối ngày 13/3/2014, tại quảng trường Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh diễn ra đêm khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch Điện Biên với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật mang chủ để “Hoa Ban khoe sắc”, với 3 chương: “Cội nguồn hoa Ban”, “Mường Thanh mời gọi” và “Muôn phương hội tụ”, thu hút sự tham gia của 21 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

Cũng tại quảng trường Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh, tối ngày 15/3 sẽ diễn ra Lễ bế mạc Tuần Văn hóa Du lịch Điện Biên 2014 với màn diễu hành văn hóa đường phố chủ đề “Qua miền Tây Bắc xem lễ hội hoa Ban”. 15 xe hoa mô hình, trong đó có 8 xe giới thiệu về bản sắc và tiềm năng của Điện Biên, giới thiệu loài hoa gần gũi với con người Điện Biên, những thửa ruộng bậc thang, cọn nước cho đến hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ… 7 xe hoa mô hình của các tỉnh bạn góp phần phô diễn tinh hoa văn hóa Tây Bắc.

Điện Biên là một tỉnh có nhiều lễ hội truyền thống và lễ hội lịch sử: Lễ kỷ niệm ngày giải phóng Điện Biên 7/5, ngày 25/2 âm lịch hàng năm là lễ hội lịch sử thành bản Phủ; nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số như: Xên bản, xên mường, xên lẩu nó, kin pang then, pang then, kin khẩu mấu (các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái); xé pang ả (các dân tộc thuộc nhóm Môn - Khơ me); co nhẹ chà, de khù chà (dân tộc Hà Nhì); khlang khùa, quá tang, tủ cải, dù su (dân tộc Mông, Dao)... Các trò chơi dân gian: Ném còn, kéo co, đẩy gậy, đánh khăng, đánh lông gà, tó mắk lẹ, đánh cù, hát qua ống, tù lu, đua ngựa, bắn nỏ... thường xuyên được nhân dân tổ chức trong các dịp lễ, Tết, mừng cơm mới...

Kim Chung

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý