'Tiếng bom Lưu Văn Liệt' và trận đánh chấn động miền Tây

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

'Tiếng bom Lưu Văn Liệt' và trận đánh chấn động miền Tây

Những năm 50, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhạc sỹ Xuân Điền đã tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước và bị địch bắt giữ đày ra Côn Đảo lao động khổ sai.

15/12/2014 07:32 AM
1,068

Ông cũng chính là tác giả bài hát “Tiếng bom Lưu Văn Liệt”, một ca khúc hào hùng viết về lịch sử được chọn làm đài hiệu với trận đấu quyết tử của chiến sỹ biệt động trong công cuộc bảo vệ quê hương đất nước.

Hoạt động cách mạng ở tuổi 17

Nhạc sỹ Xuân Điền tên thật là Huỳnh Anh Kiệt (SN 1940, tại ấp Phước Ngươn A, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng.

Từ hồi còn đi học, ông đã đảm trách chức Bí thư chi đoàn thanh niên, kiêm Trưởng ban Văn nghệ trường Nguyễn Thông (nay là trường THPT Lưu Văn Liệt), tham gia tuyên truyền các hoạt động của phong trào thanh niên học sinh, nhận nhiệm vụ tổ chức cho Đoàn viên rải truyền đơn đòi “Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, yêu cầu chính quyền thống nhất tổng tuyển cử”. Chi đoàn của ông còn sáng lập ra tờ báo với nhiệm vụ phục vụ hòa bình thống nhất đất nước.

 - Ảnh 1

Nhạc sỹ Xuân Điền đang trao đổi cùng PV.

Khi nhận được thông tin Ngô Đình Diệm sẽ có mặt tại Vĩnh Long vào ngày 26/10/1958 để dự lễ khánh thành Trung tâm Nhân vị, nên khắp nơi trong tỉnh chính quyền đều treo cờ, dán hình ảnh ông Diệm, cùng những khẩu hiệu chào đón. Lúc này, chủ trương của Đoàn thanh niên là phải phá hoại bằng được những khẩu hiệu, hình ảnh, đồng thời thay vào đó là truyền đơn phản đối. Theo kế hoạch, khoảng 0h ngày 25/10/1958 sẽ hành động. Tuy nhiên, do địch cảnh giác cao độ nên đến gần 3h hôm sau (tức ngày 26/10), hàng trăm Đoàn viên thanh niên mới hòa chung dòng người đi chợ đồng loạt phá hoại và mang lại thành công.

Mặc dù, những tấm pa-nô, hình ảnh, khẩu hiệu đã được dọn sạch trước sự ngỡ ngàng của địch, thế nhưng lễ đón chào Ngô Đình Diệm vẫn được diễn ra. Mãi đến ngày 11/12/1958, kế hoạch nêu trên bị bại lộ và chúng bắt giữ ông Kiệt ngay tại trường, sau đó đày ra Côn Đảo lao động khổ sai, nếu chống đối sẽ bị tra tấn đánh đập. Đối với nhạc sỹ Xuân Điền, nhà tù Côn Đảo chỉ là trường học cách mạng để tôi luyện ý chí đấu tranh kiên cường với kẻ thù. Tại “địa ngục trần gian”, nhờ tình đồng chí, đồng đội đoàn kết, yêu thương nên ông Kiệt nhiều lần thoát chết. Đến năm 1961, ông Kiệt được trả tự do và tham gia công tác tại Ban tuyên huấn Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Trận đánh nhớ đời

Trao đổi với PV, ông Kiệt nhớ lại: “Trong giai đoạn này, Mỹ đổ quân ồ ạt vào các tỉnh miền Đông rồi miền Tây. Tỉnh đội Vĩnh Long phát động chủ trương phong trào “diệt Mỹ”. Người tiên phong nhận nhiệm vụ tiêu diệt giặc Mỹ là Lưu Văn Liệt (SN 1948, đội Biệt động thị xã Vĩnh Long). Đồng chí Liệt đã theo dõi, nắm tình hình trong nhiều ngày rồi đúc kết ra quy luật, bọn chúng thường tụ tập ăn nhậu tại quán bar Lệ Hoa. Quán này thường dành riêng cho các sỹ quan Mỹ ngụy (hiện nơi đây là vị trí đặt tượng đài Lưu Văn Liệt, trước số 62 Lê Thái Tổ, phường 2, TP.Vĩnh Long). Ngày 05/02/1965, nhận định thời gian “hành động” đã đến, đồng chí Liệt cùng Võ Bá Chiến (tức Ba Thành) cải trang, chở nhau bằng xe đạp đến quán bar Lệ Hoa vờ là khách.

Ba Thành và Lưu Văn Liệt ngồi nhâm nhi hàng giờ đồng hồ khiến chủ quan sinh nghi, đồng thời điều động một tiếp viên của quán đến áp sát tiếp cận đồng chí Liệt. Tuy nhiên, khi tiếp viên vừa chuẩn bị đặt chân ngồi cạnh đồng chí Liệt, thì Ba Thành nhanh nhẹn nắm tay cô tiếp viên dìu đi nơi khác. Lập tức, đồng chí Liệt nháy mắt Ba Thành ra trước ngoài bãi xe. Còn đồng chí Liệt một mình hành động. Tiếng nổ chát chúa xé toạc không trung làm 17 tên lính Mỹ thiệt mang tại chỗ, đồng chí Liệt cũng bị thương khắp cơ thể.

Trong lúc hỗn loạn, Ba Thành quẳng lại xe đạp, chạy bộ theo một hướng, còn đồng chí Liệt chạy về một hướng cầu Kinh Cụt vào khu dân cư tẩu thoát. Tuy nhiên, khi chạy đến cầu Kinh Cụt thì không qua được bên kia con rạch do dân làng vừa xúm lại xem hai tên lính Mỹ đánh nhau khiến chiếc cầu này đã bị gãy trước đó nhiều giờ.

Bí đường, đồng chí Liệt đành chọn phương án đánh vòng lại thì bị tên Ngọc (Cảnh sát ngụy) phát hiện, nã hàng loạt phát đạn khiến đồng chí Liệt bị thương lần thứ hai, ngã quỵ tại chỗ và giơ tay trá hàng. Khi tên Ngọc áp sát định bắt sống thì nhanh như cắt hắn bị đồng chí Liệt cho nổ quả lựu đạn cuối cùng chống trả làm tên Ngọc bị thương nặng ở vùng bụng, máu tuôn lênh láng, đồng chí Liệt hy sinh tại chỗ. “Ngay sau đó, tên Ngọc được máy bay bốc sang Cần Thơ chữa trị và được cứu sống”, ông Kiệt kể.

 - Ảnh 2

Bar Lệ Hoa trước đây, nơi đặt tượng đài Anh hùng Lưu Văn Liệt.

Và bài hát về người chiến sỹ biệt động

Sự hy sinh máu lửa, tinh thần chiến đấu quả cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của người chiến sỹ biệt động trẻ tuổi khiến Ban tuyên huấn tỉnh phát động viết về người anh hùng Lưu Văn Liệt, nhằm noi gương tinh thần yêu nước bất diệt, cũng như nhân rộng phong trào. “Mọi người rất phấn khởi, người thì làm thơ, người viết truyện, người viết ký, người viết tiểu sử, viết vọng cổ, riêng tôi chọn theo cách viết nhạc và bài hát “Tiếng bom Lưu Văn Liệt” ra đời được mọi người đón nhận. Nhất là khi có bài hát “Tiếng bom Lưu Văn Liệt” thì các anh em trong Ban tuyên huấn nhiệt tình ủng hộ, sau đó chuyển bài hát cho đoàn văn công tập luyện, do giai điệu dễ thuộc nên nhanh chóng đi vào lòng người”, ông Kiệt kể.

Giữa năm tháng kháng chiến gian khổ, bài hát “Tiếng bom Lưu Văn Liệt” ra đời, người người cùng hát, nhất là thanh niên học sinh. Sau giải phóng, bài hát còn được chọn làm “Đài hiệu” cho Đài phát thanh thị xã Vĩnh Long hay hát trong các buổi họp mặt truyền thống của Đoàn thanh niên. Thưởng thức bài hát này, người nghe vừa xúc động, vừa cảm phục trước lòng quả cảm của người chiến sỹ biệt động hy sinh vì Tổ quốc. Bài hát nhanh chóng trở nên nổi tiếng, có giá trị nghệ thuật vô giá.

Nếu kể về sự nghiệp sáng tác, nhạc sỹ Xuân Điền đã có hơn 100 tác phẩm, được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến. Trong số nhiều bài hát ông đã rất thành công trong thời kỳ kháng chiến, ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước con người phải nhắc đến bài “Má Năm”, “Nhất Chi Mai”, “Cô gái Vĩnh Long” là những ca khúc ca ngợi những con người Việt Nam anh hùng, bất khuất, những chiến công thầm lặng, sẵn sàng hy sinh cho sự bình yên của đất nước; “Tình tù”. Ông viết bao nỗi hờn căm ở chốn “địa ngục trần gian” để đấu tranh lúc khi bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, được các bạn tù trình diễn hay bài “Tình em theo khúc quân hành”, “Biết gửi về đâu”; “Lửa hồng”,...

Không ít bài hát hay của Xuân Điền được phát trên sóng Đài phát thanh – truyền hình Vĩnh Long, Đài tiếng nói Việt Nam và các đài trong khu vực. Riêng tác phẩm “Săn ó giữ ong” từng đoạt giải Nhì về sáng tác nhạc thời kháng chiến trong toàn Quân khu 9. Mặc dù ở tuổi xế chiều nhưng ông vẫn luôn gần gũi, giúp đỡ đồng nghiệp, những thế hệ trẻ thêm kinh nghiệm góp phần thúc đẩy, phát triển phong trào âm nhạc tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung thêm phong phú.

Nhận được nhiều huân chương giá trị

Cho đến nay, sau 50 năm, sức sống mãnh liệt của bài ca “Tiếng bom Lưu Văn Liệt” bất tử vẫn còn đó. Khi sáng tác bài hát này, nhạc sỹ Xuân Điền mới vừa tròn 25 tuổi (năm 1965). Nhạc sỹ Xuân Điền trở thành Chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long trong những năm từ năm 1983, đến năm 1992 nghỉ hưu và ở phường 4 (TP.Vĩnh Long). Ông còn là hội viên hội Nhạc sỹ Việt Nam, những đóng góp của ông đã được Nhà nước ghi nhận và phong tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng ba cùng nhiều huân – huy chương khác.

Thanh Lâm

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý