Tiếng đàn gọi tình độc đáo ngày xuân của tộc người Chứt

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Tiếng đàn gọi tình độc đáo ngày xuân của tộc người Chứt

Để thể hiện tình yêu của mình với thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, tộc người Chứt đã sáng tạo ra cây đàn nứa Trơ bon.

10/02/2016 10:49 AM
22

(ĐSPL) - Để thể hiện tình yêu của mình với thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, tộc người Chứt đã sáng tạo ra cây đàn nứa Trơ bon.

Đêm đêm, dưới ánh trăng mờ tỏ, những chàng trai dùng thứ âm thanh mộc mạc của cây đàn Trơ bon để gọi bạn gái. Những âm thanh đó ngân vang dưới chân núi Ka Đay khiến đại ngàn Trường Sơn vốn trầm mặc trở nên huyền diệu.

Tiếng đàn gọi tình độc đáo ngày xuân của tộc người Chứt - Ảnh 1Phóng to

Tộc người dưới chân núi Ka Đay

Dân tộc Chứt thuộc nhóm người Mã Liềng. Xưa kia, họ sinh sống chủ yếu bằng săn bắn, hái lượm và có địa bàn cư trú tại một số huyện miền núi Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đồng bào người Chứt thường sống ở ven những con suối hay hang động trong các túp lều lợp bằng lá cây. Khi lá chuyển sang màu vàng, họ bỏ đi nơi khác. Người Chứt rất nhút nhát. Hễ thấy người lạ, họ lập tức lẩn trốn vào hang sâu. Họ vốn không có quần áo, nam nữ đều che mình bằng vỏ cây sui, ngủ cùng nhau trong hang hoặc lều. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, một lần đi tuần tra, lực lượng bộ đội biên phòng đã phát hiện tộc người Chứt sống hoang dã trong hang đá giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Nhận thấy đây là một tộc người thiểu số, lạc hậu, quen sống du cư nên các cơ quan chức năng đã vận động, đưa họ về sinh sống ở một địa điểm cố định. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian này, chiến tranh xảy ra liên miên khiến đời sống hết sức khó khăn, người Chứt lại quay về rừng sâu sinh sống. Mãi đến năm 2001, khi điều kiện vật chất đã ổn định, tộc người này được Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đưa về dưới chân núi Ka Đay thuộc bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) định cư. Gần đây, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực để hướng dẫn người Chứt cách trồng lúa và chăn nuôi. Người Chứt cũng dần xóa bỏ được cảnh sống hoang dã, nhưng Rào Tre vẫn được biết đến là bản làng thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Tiếng đàn gọi tình độc đáo ngày xuân của tộc người Chứt - Ảnh 2Phóng to

Đàn Trơ bon của người Chứt.

Mặc dù có tập quán rất lạc hậu, quen ở hang sâu, săn bắt, hái lượm nhưng người Chứt cũng có một cuộc sống tinh thần phong phú. Họ còn lưu giữ được những phong tục về cưới hỏi, ma chay hay cách chơi các nhạc cụ núi rừng như đàn Muôi (đàn Môi), sáo Pi và làn điệu cà lưm, cà lềnh... Đặc biệt, từ khi còn lang bạt trong các hang đá nơi rừng sâu, đồng bào người Chứt đã sáng tạo ra cây đàn Trơ bon để gửi gắm nỗi niềm, tâm sự của mình với thiên nhiên, muông thú...

Cây đàn Trơ bon được làm bằng một ống nứa, có buộc hai sợi cước. Khi sử dụng, người Chứt dùng một thanh nứa nhỏ để kéo, phát ra thứ âm thanh rất dìu dặt, mộc mạc mà da diết. Mỗi lần nghệ nhân đánh đàn Trơ bon, âm thanh phát ra như muốn gửi cả tâm tình của đại ngàn Trường Sơn đến người nghe. Chính vì vậy, trai gái ở bản Rào Tre khi có tình cảm với nhau, họ có thể nhờ tiếng đàn Trơ bon nói thay mọi lời yêu thương.

Ông Hồ Phượng, người tạo ra nhiều cây đàn Trơ bon nhất ở Rào Tre chia sẻ: “Loại đàn này nhìn rất đơn sơ nhưng không phải ai làm ra cũng có âm thanh truyền cảm. Cây đàn hay phải được làm từ loại ống nứa đặc biệt, có tuổi thọ lâu năm, chọn lựa trong rừng sâu bên các khe suối về. Mỗi khi cần nứa để làm đàn, tôi phải nắm cơm vào rừng để tìm. Có những lần tôi phải đi mất đến nửa tháng”.

Cầu nối tình duyên

Người Chứt vốn sống khép kín, không giao lưu rộng rãi với người lạ. Từ bao năm nay, họ chỉ vẫn quẩn quanh khoảng mấy chục hộ gia đình trong bản. Hôn nhân cận huyết thống vẫn còn là một dấu lặng buồn nơi bản làng nghèo khó này. Mặc dù vậy, nhiều phong tục, tập quán người Chứt lưu giữ đến ngày nay mang nhiều giá trị văn hóa trong kho tàng chung của cộng đồng người Việt. Cây đàn Trơ bon qua bao năm tháng vẫn tồn tại cùng dân tộc Chứt để chuyển tải những tâm sự, nỗi niềm của con người với thiên nhiên. Đặc biệt, nó còn là cầu nối tình duyên giúp cho nhiều cặp nam nữ thành vợ, thành chồng, sinh con đẻ cái.

Vào những đêm mùa xuân, ánh trăng nhuộm vàng bờ suối, con khe, nam nữ bản Rào Tre lại dặt dìu hẹn hò để tìm nửa còn lại của mình. Khi những tiếng đàn, tiếng sáo trong trẻo, da diết được cất lên dưới chân núi Ka Đay mờ ảo, các chàng trai cô gái nơi đây vừa chơi nhạc cụ, vừa lắng tai nghe giai điệu từ những người bạn khác giới. Một thời gian sau, khi trai gái đã nghe được tiếng đàn bùi tai, ưng cái bụng thì sẽ tự tìm đến với nhau. Chàng trai muốn lấy cô gái về làm vợ sẽ phải một mình vào rừng, tìm chặt một bó củi, rồi bó gọn gàng mang về đặt trước cửa nhà cô gái. Sau một đêm thấp thỏm, hồi hộp đợi chờ, sáng sớm ngày hôm sau, người con trai sẽ đến cửa nhà cô gái để kiểm tra. Nếu bó củi không còn ở đó, tức người con gái đã đồng ý về làm vợ mình.

Bà Hồ Thị Sen (vợ ông Hồ Phượng), một trong những nghệ nhân chơi đàn Trơ bon nổi tiếng ở bản Rào Tre tâm sự: “Ngày trước, trai gái trong bản hầu như ai ai cũng biết làm, biết chơi đàn Trơ bon, đàn Muôi, sáo Pi... Mỗi khi có lễ hội, tang ma các nhạc cụ đều được mọi người sử dụng thành thạo. Vào những đêm trăng đẹp, chúng tôi đều hẹn nhau ra bờ suối để chia sẻ, tâm tình với nhau sau một ngày lao động mệt mỏi. Tôi và ông Phượng cũng về ăn đời ở kiếp với nhau nhờ cái đàn, cái sáo đó”.

Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng tổ Công tác Rào Tre thuộc đồn Biên phòng Bản Giàng khẳng định: “Mặc dù được biết đến là tộc người từng lang thang nơi hang đá, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng nét văn hóa của người Chứt khá phong phú và độc đáo. Đã có một thời gian sáo Pi, đàn Muôi, đàn Trơ bon trở thành thứ vật dụng không thể thiếu với con người nơi đây. Con trai hay con gái đều biết cách làm và sử dụng. Đặc biệt, những đôi trai gái yêu nhau thường dùng sáo, đàn để gửi gắm tâm sự, nỗi niềm, những lời yêu thương say đắm”.

Hồ Ngọc

Video tin tức xem nhiều nhất:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý