Tin nông sản sạch rao bán trên mạng, có ngày "ăn đủ"

sakura1 sakura1 @sakura1

Tin nông sản sạch rao bán trên mạng, có ngày "ăn đủ"

Tâm lý lo ngại sản phẩm nông sản nhiễm hóa chất, nhiều người tiêu dùng lại tìm đến các trang mạng rao bán thực phẩm sạch mà không biết nguồn gốc ra sao.

05/05/2016 03:48 PM
26

(ĐSPL) – Tâm lý lo ngại sản phẩm nông sản nhiễm hóa chất độc hại tràn trên thị trường, nhiều người tiêu dùng lại tìm đến các trang mạng rao bán thực phẩm sạch mà không biết nguồn gốc ra sao.

"Đừng dại mà tin"

Kiến Thức cho biết, lướt qua một số trang bán hàng online, không khó để tìm kiếm những địa chỉ mua bán hàng nông sản từ mọi miền với những lời quảng cáo hấp dẫn như: “Nông sản nhà trồng; Nông sản sạch – Đặc sản các vùng miền; Rau sạch 100%; thực phẩm hữu cơ;…”. Tuy nhiên không hề có bất kỳ một kết quả kiểm chứng nào từ cơ quan chức năng.

Còn dạo qua một vòng mạng facebook, hay những trang mua sắm trực tuyến, diễn đàn online thấy xuất hiện nhan nhản những địa chỉ rao bán rau củ, thực phẩm sạch hoặc trái cây đặc sản như cà chua đen, cam Cao Phong, dâu tây Đà Lạt, thịt lợn sạch VietGAP, nho Mỹ hay cam Úc giảm giá 30%… Thậm chí để tăng độ tin cậy, người bán còn quảng cáo đây là rau nhà trồng, cam lấy từ vườn của nhà chị họ, hay thịt lợn thịt gà bố mẹ ở quê nuôi…

Đặc biệt là khi cà chua đen xuất hiện trên thị trường, dù không rõ công dụng của loại cà chua này thần kỳ tới đâu, song nhiều bà nội trợ háo hức đặt hàng. Giá của loại cà chua này tại thời điểm mới xuất hiện được rao bán 140.000 đồng/kg, cao gấp cả chục lần loại cà chua đỏ thông thường nhưng vẫn cháy hàng. Trong khi theo tìm hiểu, giá thực được các đầu mối thu mua tại nhà vườn trên Đà Lạt (Lâm Đồng) chỉ khoảng 50.000 đồng/kg.

Tin nông sản sạch rao bán tràn lan trên mạng, có ngày "ăn đủ" - Ảnh 1Phóng to

Hình ảnh rau củ được rao bán tràn trên mạng. (Ảnh minh họa: Báo Dân Sinh)

Từng là nạn nhân của việc ham săn hàng nông sản lạ trên mạng, chị Lê L, (32 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Mình đã lên mạng tìm một địa chỉ được quảng cáo là chuyên bán rau sạch, rau từ miền núi gửi về… Những lần đầu mua thì ưng ý lắm, nhưng có lần mua đến 3 kg rau ngót rừng với giá cắt cổ lên đến 50.000 đồng/kg lại bị hớ bởi giá quá cao đồng thời chất lượng chẳng được như ý. Rau lá to bất thường, bên ngoài thì xanh mướt nhưng bên trong bó lại bị nát rất nhiều. Vì ship hàng qua mạng nên mình không thể bắt lỗi shipper được. Từ đó trở đi chẳng dám mua hàng qua mạng nữa. “

Vì tin vào những lời quảng cáo hấp dẫn trên mạng nhiều người không ngại chi tiền cao để có những loại nông sản trái vụ mà tại các chợ rất hiếm có. Vấn đề này cũng được nhiều chị em nội trợ bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn mạng.

Một nickname có tên L.H cho biết: “Các chị em nên cẩn thận với chiêu trò câu khách mua nông sản sạch, lạ trên mạng. Em có người quen có bạn bán hàng như vậy nên em hiểu rất rõ. Chỉ mấy lô đầu là đúng chất để câu khách thôi, chứ càng về sau càng đội lốt hết. Ví dụ như ổi ban đầu là chính gốc tại vườn Hải Dương nhưng sau khi khách tin, mua quá nhiều thì người bán hàng lại ham tiền lại nhập hàng rởm bán cho khách thôi. Không sạch 100% đâu nên các mẹ đừng dại mà tin nhé”.

Còn chị Lê Thị Trinh, phố Hào Nam, quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ trên báo Dân Việt: “Có lần chị bạn giới thiệu cho một địa chỉ bán nông sản sạch trên mạng nổi tiếng đắt khách, tôi đã đặt mua. Tuy nhiên, lúc nhận hàng thì thấy rất ấm ức, giá cao gấp đôi, gấp ba ngoài thị trường mà phải mua từ 5kg mới được giao hàng tại nhà, nhưng tất cả các sản phẩm này đều không tem nhãn”.

Hôm đó, chị Trinh đã mua 2kg cải ngọt giá 60.000 đồng; quả su su 20.000 đồng/kg; cà rốt 30.000 đồng/kg; hồng Bảo Lâm 90.000 đồng/kg. Khi nhận hàng, các loại rau củ đều được bỏ trong túi nylon, không tem nhãn, địa chỉ cung cấp... nên chị Trinh hết sức băn khoăn về nguồn gốc nông sản.

Nông sản không nhãn mác đích thị không phải sản phẩm an toàn

Liên quan đến vấn đề trên, Kiến Thức dẫn lời ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, thị trường nông sản sạch ở Việt Nam chưa có hệ thống sản xuất và phân phối đồng nhất. Giá nông sản sạch cũng khá cao nên kén người mua.

Bản thân các nhà cung cấp nông sản sạch cũng gặp nhiều thách thức vì giá cao hơn thị trường 20 - 30%. Hơn nữa, những người kinh doanh sản phẩm nông sản sạch chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa mạnh dạn đầu tư khâu đóng gói nên tình trạng giả, nhái tràn lan.

Tin nông sản sạch rao bán tràn lan trên mạng, có ngày "ăn đủ" - Ảnh 2Phóng to

Người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng nông sản trái vụ, nông sản được quảng cáo trên mạng là sạch, hữu cơ nhưng không rõ xuất xứ. (Ảnh: Dân Việt)

Vì thế, theo ông Phú, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng nông sản trái vụ, nông sản được quảng cáo trên mạng là sạch, hữu cơ nhưng không rõ xuất xứ. Nên mua rau củ quả đúng mùa, sản phẩm không quá đẹp mã, mua ở địa chỉ uy tín để gia tăng sự an toàn cho gia đình.

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Lục, chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Lâm Đồng cảnh báo về việc người dân mua rau từ thông tin được đăng tải thiếu kiểm chứng trên các trang mạng.

Theo ông Lục, nhiều trang mạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về các chứng nhận rau an toàn, VietGAP, GlobalGAP, Organic để bán hàng chất lượng thấp, không rõ nguồn gốc với giá cao.

Ông Lục nói: “Điều dễ nhận biết đối với nông sản được cấp các chứng nhận liên quan đến rau sạch là trên từng bó rau, củ đều có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng. Đối với chứng nhận từ VietGAP trở lên, nông sản phải được đóng gói đúng quy cách và phải được làm sạch cơ bản trước khi đến tay người tiêu dùng. Nếu nông sản chào bán qua mạng không đảm bảo yếu tố nhãn mác thì đích thị không phải nông sản được cấp các chứng nhận an toàn”.

(Nguồn: Tuổi Trẻ, Kiến Thức, Dân Việt)

Xem thêm video:

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý