Tin thế giới mới nhất ngày 26/7

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Tin thế giới mới nhất ngày 26/7

Tin thế giới mới nhất ngày 26/7: Tàu Mỹ bắn cảnh cáo vì bị tàu Iran khiêu khích ở Vịnh Ba Tư; Trung Quốc tuyên bố hoạt động chặn máy bay Mỹ là cần thiết; ...

26/07/2017 08:25 AM
153

Tin thế giới mới nhất ngày 26/7: Tàu Mỹ bắn cảnh cáo vì bị tàu Iran 'khiêu khích' ở Vịnh Ba Tư; Trung Quốc tuyên bố hoạt động chặn máy bay Mỹ 'là cần thiết'; Thử tên lửa ICBM xong, tàu ngầm Triều Tiên bất ngờ hoạt động dày đặc;...

Tàu Mỹ bắn cảnh cáo vì bị tàu Iran 'khiêu khích' ở Vịnh Ba Tư

Tàu hải quân Mỹ đã bắn cảnh cáo một tàu tuần tra được trang bị vũ khí của Iran ở phía bắc của Vịnh Ba Tư ngày 25/7.

CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết chiếc tàu trên do lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran điều khiển. Các quan chức Mỹ nói rằng tàu Iran đã tiếp cận tàu USS Thunderbolt trong bán kính 137m.

Tin thế giới mới nhất ngày 26/7 - Ảnh 1Phóng to

Tàu USS Thunderbolt. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Phía Iran đã không đáp lại các động thái cảnh báo từ phía Mỹ, bao gồm việc gọi qua radio, pháo sáng và còi tàu, vốn được chấp nhận là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Sau đó, phía Mỹ đã bắn cảnh cáo xuống nước "vì lo sợ nguy cơ va chạm", một trong các quan chức cho biết.

Tàu Iran sau đó dừng các hoạt động nhưng vẫn lưu lại ở vùng biển thêm ít giờ.

"Tàu của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đi tới với tốc độ cao. Họ không phản hồi lại bất cứ tín hiệu nào, họ không đáp lại các cuộc gọi trực tiếp. Không có lựa chọn nào ngoài việc bắn cảnh cáo", quan chức quốc phòng giấu tên nói với AFP.

Tuần trước, Mỹ xác nhận Iran vẫn đang tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi năm 2015. Mỹ hứa sẽ tiếp tục tháo dỡ các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân nhưng lại tuyên bố sẽ tiếp tục nhắm vào chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.

Vụ đụng độ trên là sự kiện mới nhất trong chuỗi những va chạm của tàu Mỹ và Iran. Hồi tháng 1, khu trục hạm USS Mahan của Mỹ đã bắn cảnh cáo 4 tàu của quân đội Iran tại eo biển Hormuz.

Trung Quốc tuyên bố hoạt động chặn máy bay Mỹ 'là cần thiết'

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25/7 khẳng định việc hai tiêm kích nước này áp sát máy bay Mỹ trên biển Hoa Đông cách đây hai ngày là hành động "hợp pháp, cần thiết và chuyên nghiệp". Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng mọi hoạt động quân sự tương tự, Reuters đưa tin.

Tin thế giới mới nhất ngày 26/7 - Ảnh 2Phóng to

Tiêm kích J-10 Trung Quốc mang vũ khí làm nhiệm vụ tuần tra. Ảnh: Sina.

"Các hoạt động trinh sát của Mỹ đe dọa tới an ninh quốc gia Trung Quốc, gây nguy hại cho an ninh hàng không và hàng hải giữa hai nước, đẩy phi công Mỹ và Trung Quốc vào tình thế nguy hiểm và cũng là nguyên nhân của các sự cố không mong muốn", Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố.

Vụ việc xảy ra hôm 23/7 khi biên đội hai tiêm kích J-10 Trung Quốc chặn máy bay trinh sát tín hiệu EP-3 của Mỹ. Một chiếc J-10 áp sát và bay cách phi cơ EP-3 chỉ 90 m, buộc máy bay Mỹ phải chuyển hướng. Một quan chức Mỹ nói tiêm kích Trung Quốc có vũ khí và vị trí nó chặn chiếc EP-3 cách thành phố Thanh Đảo khoảng 148 km.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis mô tả chiếc J-10 bay với tốc độ cao phía dưới máy bay EP-3, sau đó giảm tốc độ và bay lên phía trước phi cơ Mỹ. "Các vụ chặn xảy ra khá thường xuyên trên không phận quốc tế. Hầu hết đều được thực hiện một cách an toàn", ông Davis nói.

Thử tên lửa ICBM xong, tàu ngầm Triều Tiên bất ngờ hoạt động dày đặc

Đài NHK của Nhật Bản đưa tin, tàu ngầm diesel lớp Romeo của Bình Nhưỡng đã hoạt động dày đặc trong gần một tuần qua. Thông thường, các tàu ngầm loại này chỉ hoạt động trong khu vực khoảng 4 ngày.

Giới chức Hàn Quốc hiện chưa xác nhận bất cứ động thái quân sự nào đối với con tàu nặng 1.800 tấn của Triều Tiên.

Tin thế giới mới nhất ngày 26/7 - Ảnh 3Phóng to

Một tàu ngầm của Triều Tiên bị bắt gặp xuất hiện phía trên một rạn san hô ngoài khơi thành phố Gangneung của Hàn Quốc.

Ngày 20/7, kênh CNN của Mỹ dẫn nguồn hai quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay một tàu ngầm của Bình Nhưỡng đang thể hiện “hoạt động triển khai bất thường”. Sử dụng hình ảnh do thám, các quan chức này xác định được con tàu này đã đi sâu vào vùng biển quốc tế hơn trước đây.

“Mặc dù có một số giải thích nhưng giả thuyết có khả năng nhất là Triều Tiên chuẩn bị cho một buổi thử nghiệm trong tương lai gần một quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1 cải tiến hoặc một hệ thống mới”, trang mạng 38 North chuyên nghiên cứu về Triều Tiên viết.

Viện nghiên cứu Đại học Johns Hopkins thông tin thêm: “Tàu ngầm lớp Sinpo và một tàu thử nghiệm chìm dưới nước đã được đổi vị trí” tại xưởng đóng tàu Sinpo của Triều Tiên và đây có thể là dấu hiệu cho thấy một vụ thử tên lửa trong thời gian tới.

Washington đã được đặt vào tình trạng báo động cao về hoạt động tên lửa của Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên do nước này chế tạo ngày 4/7. Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng sẽ có thể phóng tên lửa tới Bờ Tây của Mỹ trong vòng ít nhất 2 năm tới.

Được biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ đạo các nhà khoa nước này tiến hành phóng thử tên lửa thường xuyên hơn nên Washington lo ngại rằng hoạt động của tàu ngầm lớp Romeo vừa qua chính là dấu hiệu báo trước của một buổi phóng thử tên lửa từ tàu ngầm.

Triều Tiên dọa tấn công hạt nhân vào trái tim nước Mỹ

"Nếu Mỹ dám thể hiện dấu hiệu dù nhỏ nhất của âm mưu loại bỏ ban lãnh đạo tối cao của chúng ta, chúng ta sẽ giáng đòn không thương tiếc vào tận trái tim nước Mỹ bằng chiếc búa hạt nhân mạnh mẽ được mài sắc và tôi luyện theo thời gian", KCNA hôm nay dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.

Tin thế giới mới nhất ngày 26/7 - Ảnh 4Phóng to

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đứng cạnh một tổ hợp tên lửa đạn đạo. Ảnh: KCNA.

Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra sau khi Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo hồi tuần trước có phát biểu ám chỉ khả năng thay đổi chế độ ở Triều Tiên tại một hội nghị an ninh thường niên tại Aspen, bang Colorado.

Tại hội nghị này, ông Pompeo nói rằng điều quan trọng Mỹ có thể làm hiện nay là tách năng lực hạt nhân của Triều Tiên khỏi những người có ý định sử dụng vũ khí đó.

KCNA cho rằng phát biểu của Giám đốc CIA "đã vượt quá giới hạn" và thể hiện ý đồ muốn thay đổi chế độ Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo KCNA, nếu phẩm giá tối cao của Triều Tiên bị đe dọa, Bình Nhưỡng sẽ phải tấn công phủ đầu tiêu diệt những quốc gia, tổ chức trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào âm mưu này bằng cách huy động mọi phương tiện tấn công, bao gồm cả vũ khí hạt nhân.

"Những người như Pompeo sẽ phải gánh chịu hậu quả thảm khốc và khốn khổ vì dám động chạm đến ban lãnh đạo tối cao", KCNA nhấn mạnh.

Diplomat hôm nay dẫn lời một nguồn tin chính phủ Mỹ am hiểu chương trình vũ khí Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng dường như chuẩn bị cho cuộc thử tên lửa đạn đạo tiếp theo phố Kusong, phía bắc nước này.

Triều Tiên trước đó đã thử thành công một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng bắn tới bang Alaska của Mỹ, thể hiện tiến bộ vượt bậc trong chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.

Nga cảnh báo leo thang xung đột nếu Mỹ cấp vũ khí cho Ukaine

Ngày 25/7, Điện Kremlin cho rằng bất kỳ quyết định nào của Mỹ cho phép cung cấp các loại vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ cản trở nỗ lực hòa bình và làm leo thang căng thẳng tại quốc gia Đông Âu này.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng mọi hành động làm leo thang căng thẳng và làm trầm trọng hơn nữa tình hình vốn đã phức tạp (tại Ukraine) sẽ chỉ càng khiến chúng ta khó tiến tới thời điểm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine". Theo Điện Kremlin, việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể gây mất ổn định tình hình tại miền Đông Ukraine.

Tin thế giới mới nhất ngày 26/7 - Ảnh 5Phóng to

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tại cuộc họp ở Moskva ngày 27/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Phía Nga đưa ra tuyên bố trên sau khi Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Ukraine Kurt Volker phát biểu trên kênh truyền hình BBC của Anh cho biết Washington đang tích cực xem xét lại việc có nên cung cấp vũ khí để hỗ trợ quân đội Ukraine chống lại các tay súng đòi độc lập tại miền Đông hay không.

Hồi tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông Marc Thornberry cho biết một dự luật về ngân sách năm 2018 của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ bao gồm điều khoản về hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có hỗ trợ vũ khí sát thương. Phía Nga đã liên tục phản đối các kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng động thái này sẽ khiến căng thẳng leo thang tại vùng Donbass, miền Đông Ukraine, khu vực xảy ra giao tranh từ năm 2014. Cuộc xung đột này đã làm khoảng 10.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

UAE công bố "danh sách đen" liên quan trực tiếp đến Qatar

Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập ngày 25/7 cho biết, hầu hết 18 thành phần bị liệt vào danh sách này hoạt động dưới danh nghĩa các cá nhân, tổ chức nhân đạo, nhưng lại có quan hệ mờ ám với các tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Trong số này, 3 tổ chức ở Yemen và 6 tổ chức có trụ sở tại Libya đã bị cáo buộc có liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và một nhánh của tổ chức này tại Syria.

Tin thế giới mới nhất ngày 26/7 - Ảnh 6Phóng to

Cẳng thẳng vùng Vịnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: aljazeera.

Ngoài ra, 3 công dân Qatar, 3 người Yemen, 2 người Libya và 1 công dân Kuwait cũng bị coi là khủng bố do liên qua tới hoạt động gây quỹ ủng hộ Jabhat al-Nusra và nhiều phần tử khủng bố ở Syria.

Trước đó, hôm 24/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra tuyên bố Moscow sẵn sàng nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng Qatar nếu nhận được yêu cầu.

Với cáo buộc Qatar ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, hồi tháng trước, 4 quốc gia Arab đã đình chỉ quan hệ ngoại giao với Qatar và triệu hồi các đại sứ của họ tại Doha.

Các nước này cũng đóng cửa không phận với Qatar, yêu cầu các công dân Qatar hồi hương, đồng thời đưa ra bản yêu cầu gồm 13 vấn đề mấu chốt mà Qatar cần thực hiện để giải quyết căng thẳng ngoại giao.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck lên tiếng sau khi bị phong tỏa tài sản

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 25/7 đã cáo buộc Chính phủ nước này tìm cách gây sức ép lên Tòa án Tối cao trong phán quyết về vụ kiện bà này về tội lơ là trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi.

Tin thế giới mới nhất ngày 26/7 - Ảnh 7Phóng to

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Bangkokpost

“Dường như chính phủ đang cố tạo ra điều kiện để gây ảnh hưởng đến kết quả xét xử, trước khi Tòa án Tối cao ra phán quyết về chương trình trợ giá gạo”, bà Yingluck viết trên trang Facebook cá nhân và khẳng định bà không làm gì sai trái.

Trong vụ kiện này, nếu bị tòa án kết tội, bà Yingluck sẽ phải đối mặt với án phạt lên đến 10 năm tù. Dự kiến, tòa sẽ ra phán quyết vào ngày 25/8 tới.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ Tư pháp Thái Lan ngày 24/7 đã bắt đầu phong tỏa một số tài khoản ngân hàng của bà Yingluck.

Bộ Tài chính nước này cho biết đang xin lệnh của tòa để phong tỏa ít nhất 12 tài khoản ngân hàng của nữ cựu Thủ tướng này, một phần của các biện pháp sơ bộ để thu hồi tiền phạt.

(Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý