Tin thế giới mới nhất ngày 28/7

mesu mesu @mesu

Tin thế giới mới nhất ngày 28/7

Tin thế giới mới nhất ngày 28/7: Nga bổ nhiệm Trưởng phái đoàn thường trực mới tại Liên hợp quốc; Trung Quốc tập trận quy mô lớn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên;...

28/07/2017 10:54 AM
109

Tin thế giới mới nhất ngày 28/7: Nga bổ nhiệm Trưởng phái đoàn thường trực mới tại Liên hợp quốc; Trung Quốc tập trận quy mô lớn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên; Không quân Ấn Độ sẵn sàng chiến tranh tổng lực với Trung Quốc;...

Nga bổ nhiệm Trưởng phái đoàn thường trực mới tại Liên hợp quốc

Cơ quan báo chí Điện Kremlin ngày 27/7 thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Thứ trưởng Vasily Nebenzya làm Trưởng Phái đoàn thường trực của LB Nga tại LHQ ở New York (Mỹ), và đại diện của LB Nga trong Hội đồng Bảo an LHQ.

Tin thế giới mới nhất ngày 28/7 - Ảnh 1Phóng to

Nga bổ nhiệm ông Vasily Nebenzya làm Trưởng Phái đoàn thường trực của Nga tại Liên hợp quốc. Ảnh: Sputnik

Ông Nebenzya, sinh năm 1962, là nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Năm 1983, ông tốt nghiệp Học viện Ngoại giao quốc gia Moskva, thông thạo tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Từ năm 1996-2000, ông là cố vấn cấp cao của Cơ quan đại diện thường trực LB Nga tại LHQ ở New York. Trong giai đoạn 2006-2012, ông giữ chức Phó Đại diện thường trực của Nga tại LHQ ở Geneva. Kể từ năm 2013, ông giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao.

Người tiền nhiệm của ông Vasily Nebenzya là ông Vitaly Churkin đã đột ngột qua đời hôm 20/2/2017, một ngày trước sinh nhật lần thứ 65 của ông. Ông Churkin được bổ nhiệm làm người đứng đầu Phái đoàn thường trực Nga tại LHQ vào tháng 5/2006. Trước đó, ông lần lượt giữ các chức vụ Đại sứ Nga tại Bỉ và Canada, Đại sứ liên lạc của Nga tại NATO và Liên minh Tây Âu (WEU).

Vào các năm 2000, ông giữ chức đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, và đầu những năm 1990, ông là đặc phái viên của Tổng thống Nga tham gia các cuộc đàm phán về Nam Tư trước đây. Ông Churkin được giới ngoại giao quốc tế rất kính nể.

Trung Quốc tập trận quy mô lớn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên

Trong hai ngày 25 và 26/7, Hạm đội Biển Bắc của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và Cục An toàn Hàng hải Sơn Đông thông báo khu vực trung tâm biển Hoàng Hải sẽ đóng tất cả tuyến đường biển qua lại để phục vụ mục đích quân sự.

Weihai Evening Post cho biết khu vực rộng khoảng 40.000 km2 ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, nơi đặt trụ sở chính của Hạm đội Bắc Hải, có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc tập trận bắn đạn thật.

Tin thế giới mới nhất ngày 28/7 - Ảnh 2Phóng to

Chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh trong cuộc tập trận ở Hoàng Hải, ngày 23/12/2016. Ảnh: AFP.

Các chuyên gia quân sự cho biết cuộc tập trận là một phần của lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân bắt đầu vào ngày 1/8.

Bắc Kinh vẫn chưa tiết lộ chi tiết về lễ kỷ niệm. Tuy nhiên, các nguồn tin của South China Morning Post cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới căn cứ huấn luyện quân sự lớn nhất châu Á ở Chu Nhật Hòa, Nội Mông.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc tập trận cũng nhằm mục đích gửi cảnh báo tới cả Bình Nhưỡng và Washington khi mối quan ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên tăng lên.

Chính phủ Mỹ và Australia tin rằng Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị tiến hành một cuộc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa khác trong vài ngày tới.

Nhận định trên South China Morning Post, Zhou Chenming, một nhà quan sát quân sự, cho biết các tàu Nga có thể tham gia tập trận trên biển Hoàng Hải, trong bối cảnh quan hệ an ninh và quân sự Trung - Nga có dấu hiệu xích lại.

Trung Quốc đã tham gia các cuộc tập trận chung với Nga từ năm 2011. Nước này cũng đang tiến hành cuộc tập trận hải quân đầu tiên ở Biển Baltic cùng tàu chiến Nga.

Không quân Ấn Độ sẵn sàng chiến tranh tổng lực với Trung Quốc

"Chúng tôi đã sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào. Căng thẳng ở biên giới vẫn tiếp diễn và các giải pháp ngoại giao đang được xem xét", India Today hôm qua dẫn tuyên bố của Tư lệnh Không quân Ấn Độ Birender Singh Dhanoa.

Ông Dhanoa cũng khẳng đinh mặc dù thiếu hụt máy bay chiến đấu, không quân Ấn Độ vẫn sẵn sàng cho "một cuộc chiến tổng lực" với Trung Quốc, hoặc thậm chí là một cuộc chiến bao gồm hai đối thủ là Trung Quốc và Pakistan.

Tin thế giới mới nhất ngày 28/7 - Ảnh 3Phóng to

Máy bay chiến đấu Ấn Độ trong một cuộc diễn tập. Ảnh: Reuters.

"Một cuộc chiến tranh tổng lực đòi hỏi một số lượng máy bay chiến đấu nhất định mà chúng ta không thể đáp ứng ngay lúc này. Tuy nhiên, chính phủ nắm rõ tình trạng thiếu hụt này", ông Dhanoa nói.

Tư lệnh Ấn Độ hy vọng với việc chính phủ nước này mới ký hợp đồng mua các máy bay chiến đấu của Pháp, tình trạng thiếu hụt lực lượng của không quân sẽ sớm được giải quyết.

Căng thẳng Trung - Ấn bắt đầu khi một trung đội Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hôm 8/6 lợi dụng đêm tối lặng lẽ tiến vào cao nguyên Doklam nằm giữa biên giới Trung Quốc và Bhutan, phá bỏ những lô cốt mà quân đội hoàng gia Bhutan đã xây dựng cách đây nhiều năm để phục vụ tuần tra biên giới.

Ngày 16/6, một đơn vị công binh Trung Quốc tiến vào Doklam nhằm xây dựng một con đường chạy xuyên qua cao nguyên, nhưng vấp phải sự phản đối của quân đội Bhutan. Lính Trung Quốc không chịu rút đi, buộc Bhutan phải nhờ Ấn Độ giúp đỡ. Hai ngày sau, khoảng 300 - 400 lính Ấn Độ tiến vào Doklam, ngăn chặn đơn vị công binh Trung Quốc.

Binh sĩ hai nước sau đó đối đầu nhau gần một thung lũng, chia tách Ấn Độ và Bhutan, mà Trung Quốc đang kiểm soát. Thung lũng này cho phép Trung Quốc tiếp cận khu vực gọi là Cổ Gà, một dải đất hẹp kết nối Ấn Độ và những khu vực hẻo lánh phía đông bắc nước này.

Anh tuyên bố chấm dứt tự do đi lại với EU sau Brexit

Bộ trưởng Nhập cư Anh Brandon Lewis ngày 27/7 tuyên bố, sự tự do đi lại của người lao động giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ chấm dứt sau khi Anh rời khỏi khối này.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lewis cho biết, một hệ thống nhập cư mới sẽ được áp dụng vào tháng 3/2019 sau khi Anh rời khỏi EU.

Tin thế giới mới nhất ngày 28/7 - Ảnh 4Phóng to

Phố Oxford ở trung tâm thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với Đài BBC, Bộ trưởng Lewis nêu rõ: "Sự tự do đi lại của người lao động chấm dứt khi chúng tôi rời khỏi EU vào mùa Xuân năm 2019". Ông Lewis cũng nói rằng một hệ thống nhập cư mới sẽ được thực hiện vào mùa Xuân năm 2019.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd phát biểu trên báo Financial Times: "Sau khi Anh rời khỏi EU, chính phủ sẽ áp dụng các luật lệ và thủ tục nhập cư mới đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Anh cũng như của toàn xã hội. Tôi cũng muốn tái cam kết với các doanh nghiệp cũng như các công dân mang quốc tịch EU rằng chúng tôi sẽ đảm bảo không có 'ranh giới ngăn cách' sau khi chúng tôi rời khỏi EU".

Afghanistan tiêu diệt gần 150 phiến quân trong 24 giờ

Ngày 27/7, Bộ Quốc phòng Afghanistan thông báo, lực lượng an ninh nước này đã tiêu diệt gần 150 tay súng phiến quân, trong đó có 9 tên thủ lĩnh, sau các chiến dịch truy quét trên cả nước trong 24 giờ qua.

Tin thế giới mới nhất ngày 28/7 - Ảnh 5Phóng to

Một chiến dịch truy quét phiến quân tại Afghanistan. (Ảnh: TTXVN)

Theo nguồn tin, các lực lượng Afghanistan đã tổ chức truy quét tại nhiều khu vực thuộc 11 tỉnh, trong đó có Nangarhar, Nuristan, Heras, Kunduz và Helmand… khiến tổng cộng 149 tên phiến quân đã bị tiêu diệt và 116 tên khác bị thương.

Thông báo nêu rõ, quân đội Afghanistan đã tiến hành 25 chiến dịch đặc biệt, 2 cuộc truy quét trong đêm và 17 chiến dịch dọn dẹp trong vòng 24 giờ qua. Tuy nhiên, thông báo của Bộ Quốc phòng không cho biết con số thương vong bên phía lực lượng Afghanistan sau những chiến dịch này.

Trong khi đó, Taliban, nhóm phiến quân lớn tại Afghanistan, cũng chưa đưa ra bất cứ bình luận nào trước thông báo của Bộ Quốc phòng.

Iran thử thành công tên lửa có thể đưa vệ tinh lên quỹ đạo

"Trung tâm vũ trụ Imman Khomeini đã chính thức mở cửa với cuộc thử nghiệm thành công tên lửa đẩy Simorgh có khả năng đưa một vệ tinh nặng 250 kg lên quỹ đạo cách Trái Đất 500 km", đài truyền hình Press TV của Iran đưa tin.

Tin thế giới mới nhất ngày 28/7 - Ảnh 6Phóng to

Tên lửa đẩy Simorgh của Iran. Ảnh: Press TV.

Động thái của Iran diễn ra chỉ 10 ngày sau khi chính quyền Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Iran, nhằm vào 18 thực thể và cá nhân, vì ủng hộ cái gọi là "các nhân tố Iran bất hợp pháp hay hoạt động phạm tội xuyên quốc gia".

Washington cho hay nguyên nhân là Tehran theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo, các hoạt động của Iran ở Trung Đông làm suy giảm những "đóng góp tích cực" có được từ thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Các biện pháp mới cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn gây thêm áp lực với Iran, trong khi vẫn giữ thoả thuận giữa Iran và 6 nước.

(Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý