Tin tức mới nhất vụ trà xanh C2 và Rồng đỏ nhiễm độc chì

baybeface1 baybeface1 @baybeface1

Tin tức mới nhất vụ trà xanh C2 và Rồng đỏ nhiễm độc chì

Theo luật sư, trong quá trình kiểm nghiệm nếu có sự không đồng nhất giữa các đơn vị, lực lượng chức năng phải cho tiến hành kiểm nghiệm lại từ một đơn vị khác.

28/05/2016 12:18 PM
369

(ĐSPL) -  Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý cho biết, theo quy định trong quá trình kiểm nghiệm nếu có sự không đồng nhất giữa các đơn vị, lực lượng chức năng phải cho tiến hành kiểm nghiệm lại từ một đơn vị trung gian để đảm bảo tính công bằng.

“Vênh” kết quả kiểm nghiệm C2 và Rồng Đỏ

Tin tức Báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải, thời gian vừa qua dư luận xôn xao trước thông tin hai sản phẩm nước tăng lực Rồng đỏ và trà xanh C2 thuộc Công ty TNHH URC Việt Nam có dấu hiệu nhiễm độc chì.

Theo đó, tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế, định kỳ 6 tháng nhà sản xuất URC Việt Nam đã gửi mẫu 2 sản phẩm C2 và nước tăng lực Rồng đỏ để kiểm tra tiêu chuẩn tại Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia (tên viết tắt NIFC).

Tin tức mới nhất vụ trà xanh C2 và Rồng đỏ nhiễm độc chì - Ảnh 1Phóng to

Tin tức mới nhất vụ trà xanh C2 và Rồng đỏ nhiễm độc chì - Ảnh 2Phóng to

Thông báo tiến hành tạm dừng lưu thông đối với 1 số lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Việt Nam.

Quá trình kiểm tra tại NIFC, kết quả cho thấy hàm lượng chì vượt mức cho phép. Ngay sau đó thanh tra  Bộ Y tế đã ra thông báo tiến hành tạm dừng lưu thông đối với 1 số lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Việt Nam.

Trước đó, Công ty TNHH URC Việt Nam cũng cho biết, họ đã mang các mẫu sản phẩm cùng lô hàng đến kiểm tra đối chiếu tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1(quatest1) và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (quatest 3). Kết quả cho thấy hai sản phẩm trên không có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Trước sự ‘vênh’ nhau giữa kết quả kiểm nghiệm của hai đơn vị nêu trên, URC Việt Nam tiếp tục gửi mẫu sản phẩm sang 1 Trung Tâm Kiểm Nghiệm Quốc Tế đặt tại Singapore và kết quả không phát hiện hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Điều này đang khiến dư luận hết sức hoang mang vì không biết nên tin vào kết quả của các đơn vị của Bộ Y tế hay kết quả của các đơn vị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ)!

Tin tức mới nhất vụ trà xanh C2 và Rồng đỏ nhiễm độc chì - Ảnh 3Phóng to


Tin tức mới nhất vụ trà xanh C2 và Rồng đỏ nhiễm độc chì - Ảnh 4Phóng to

Kết quả kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, 2 sản phẩm Trà xanh C2 và nước Rồng đỏ đều không phát hiện chì.

Để làm rõ việc này, PV Báo Đời sống và Pháp luật đã gửi câu hỏi cho ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Ông Vinh cho biết sẽ sớm trả lời Báo Đời sống và Pháp luật việc này. PV cũng đã liên hệ với các cơ quan liên quan của Bộ Y tế nhằm làm rõ những nghi vấn này song đều bị khước từ trả lời vì nhiều lý do khác nhau.

Trao đổi với PV Báo Đời sống & Pháp luật, Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý cho biết, về việc kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, theo nguyên tắc nếu kết quả có sự mâu thuẫn thì cơ quan chức năng cần có một đơn vị trung gian để xác định lại.

Luật sư Kiên cho biết, với hai kết quả giám định có sự chống nhau, cơ quan chức năng không thể nghiêng về một kết quả nào rồi phủ nhận kết quả kiểm nghiệm kia. Cũng giống như kết quả giám định tại các phiên tòa, không thể phủ nhận kết quả giám định trước đó khi có kết quả giám định mới.

Luật sư Hồng Ngọc – Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: “Vấn đề ở đây là có sự lệch nhau giữa kết quả kiểm nghiệm của hai đơn vị. Như vậy, cơ quan chức năng cần có một đơn vị kiểm nghiệm trung gian để kiểm nghiệm lại.”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, kết quả kiểm nghiệm giữa hai đơn vị lệch nhau có thể do nhiều nguyên nhân, nhất là hàng hóa thuộc danh mục thực phẩm.

“Có thể một đơn vị kiểm nghiệm sản phẩm của lô hàng sản xuất trong tháng 2, nhưng đơn vị kia lại kiểm nghiệm sản phẩm thuộc lô hàng sản xuất trong tháng 3… Chỉ cần kiểm nghiệm khác lô hàng cũng có thể cho ra kết quả không đồng nhất. Việc cần làm bây giờ là các đơn vị phải được kiểm nghiệm cùng một lô sản phẩm, như vậy mới đảm bảo tính công bằng.” – Ông Hùng cho biết.

Ông Hùng nêu quan điểm, trong sự việc của công ty URC Việt Nam, cơ quan chức năng cần nhận định và đưa ra những chỉ đạo phù hợp, bởi hai kết quả kiểm nghiệm có sự khác nhau. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần điều tra làm rõ những thông tin trên cộng đồng mang cho rằng URC đã hối lộ để có kết quả kiểm nghiệm không nhiễm chì.

URC Việt Nam “kêu cứu” Công an và đặt nghi vấn cạnh tranh không lành mạnh

Trong một động thái khác, mới đây nhất, một trang cá nhân trên mạng xã hội tự xưng là nhân viên Công ty URC Việt Nam (FB Tran Ngoc Nga, chưa rõ danh tính và địa chỉ) liên tục đưa ra những luồng thông tin trái chiều, cố tình đưa ra những thông tin sai lệch, suy đoán, phân tích thiếu căn cứ xác thực để dẫn dụ người đọc. Đỉnh điểm, vào ngày 24/5, tài khoản Facebook kể trên đã đăng tải một bài viết với tiêu đề ”Những ai trong giới truyền thông bán rẻ linh hồn cho URC) với luận điệu xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ Báo Đời sống và Pháp luật và một số cơ quan báo chí khác.

Đại diện URC Việt Nam cho hay, đây là bài viết có những nhận định sai trái, trích dẫn những thông tin từ một số email nội bộ của URC và xuyên tạc một cách bất hợp pháp, chỉnh sửa sự thật. Nặng nề nhất là vu khống, xúc phạm đến sự trong sạch và minh bạch của ngành báo chí Việt Nam.

Đại diện URC Việt Nam thông tin, đây là lần thứ hai Công ty bị tấn công một cách bài bản và chuyên nghiệp, lần đầu tiên vào tháng 8/2015, các đối tượng đã chỉnh sửa, bóp méo sự thật và phát tán qua một trang mạng bất hợp pháp mang tên kenh13.info (trang mạng không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng Việt Nam) nhằm triệt hạn uy tín của công ty URC.

Với những hình thức tấn công một cách bài bản, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, URC Việt Nam nghi ngờ có một bàn tay mờ ám đang cố tình trù dập, cạnh tranh không lành mạnh với công ty.

Công ty URC Việt Nam cũng cho biết, họ sẽ chấp hành nghiêm chỉnh và tiến hành thu hồi các sản phẩm nhiễm chì vượt ngưỡng theo công văn của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Yêu cầu Báo cáo số lượng sản phẩm C2, Rồng Đỏ bị thu hồi đã bán ra thị trường

Thanh tra Bộ Y tế vừa ra quyết định tạm dừng lưu thông, thu hồi 3 lô sản phẩm nước giải khát C2 và nước tăng lực Rồng đỏ từ 20/5/2016 vì hàm lượng chì không đúng như công bố. Cả 3 lô sản phẩm nói trên đều là của công ty TNHH URC Hà Nội, cơ sở tại khu công nghiệp huyện Thạch Thất, Hà Nội. Các mẫu trên được đoàn kiểm tra Bộ Y tế lấy vào ngày 10/5 và 13/5 do Viện Dinh Dưỡng quốc gia kiểm nghiệm.Theo đó nước giải khát hương chanh C2, nước tăng lực hương dâu Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt quá tiêu chuẩn công bố.

Cụ thể: Lô trà xanh hương chanh C2, ngày sản xuất 4/2/2016, hạn sử dụng 4/2/2017 có hàm lượng chì là 0,085 mg/l; Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, ngày sản xuất 19/2/2016, hạn sử dụng 19/11/2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là 0,053 mg/l; Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, ngày sản xuất 10/11/2015, hạn sử dụng 10/08/2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là 0,068 mg/l. Trong khi mức công bố của các sản phẩm nói trên là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l.

Bộ Y tế yêu cầu URC phải tạm dừng lưu thông 3 lô hàng hóa không đạt trên, tiến hành thu hồi, bảo quản các lô hàng để chờ xử lý tiếp theo đồng thời phải báo cáo cụ thể số lượng sản phẩm đã sản xuất, đã bán, địa bàn bán và còn tồn của từng lô hàng trên; số lượng cụ thể của từng lô nguyên liệu đã được sử dụng để sản xuất ra các lô sản phẩm này.

Kết quả gửi về Thanh tra Bộ Y tế trong ngày 23/5/2016.

Số hàng hóa nêu trên chỉ được phép tiếp tục lưu thông khi đã thực hiện việc khắc phục đạt yêu cầu chất lượng sản phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Siêu thị ngừng bán sản phẩm C2 trong diện thu hồi

Thông tin trên VietQ, hệ thống các chuỗi siêu thị như Vinmart, BigC, Lotte, Metro đã ngừng bán sản phẩm C2 và Rồng Đỏ trong diện bị thu hồi theo quyết định của Bộ Y tế với các lô phát hiện nhiễm chì vượt ngưỡng. 

Trả lời trên Tạp chí điện tử Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí hiệp hội Bảo vệ người tiêu dung cho rằng, khi cơ quan có thẩm quyền đưa ra kết luận sản phẩm không bảo đảm an toàn cho người sử dụng, quyết định phải tiêu hủy, thì ngoài việc công ty phải chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền, mà còn có trách nhiệm  thông báo rộng rãi và bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Nghĩa Nhân
Nguồn Người đưa tin





Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý