Tình hình Biển Đông: Nhiều Đại biểu Quốc Hội bày tỏ lo ngại

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Tình hình Biển Đông: Nhiều Đại biểu Quốc Hội bày tỏ lo ngại

Những ngày qua, câu chuyện Biển Đông tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế, chủ đề này cũng được các ĐBQH quan tâm.

03/06/2015 12:17 PM
936

Những ngày qua, câu chuyện Biển Đông tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc ngang nhiên tiến hành hoạt động cơi nới, xây dựng các công trình dân sự và quân sự trá hình tại khu vực quần đảo Trường Sa còn nghiêm trọng hơn việc hạ đặt trái phép giàn khoan cách đây một năm.

Tại nghị trường Quốc hội - nơi hội tụ nguyện vọng của cử tri cả nước, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về cách hành xử trên Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời đề nghị Quốc hội tỏ rõ thái độ về vấn đề này. Bên hành lang Quốc hội, PV đã trao đổi với nhiều ĐBQH để cùng góp tiếng nói vào sự việc hệ trọng này.

Vấn đề Biển Đông cũng đã rất nóng tại Shangri-La lần thứ 14 tại Singapore với một loạt sáng kiến được Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia... đưa ra.

Biển Đông chưa lặng sóng!

Một năm trước, sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 đã trở thành tâm điểm phẫn nộ và cả lo toan của nhiều vị Đại biểu Quốc hội... Dư luận quốc tế cũng đã nhiều lần lên tiếng về hành động, thái độ hống hách của Trung Quốc.

Lần này, việc Trung Quốc xây hải đăng trên biển, tiến hành xây dựng, tôn tạo trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông... đã làm dấy lên lo ngại sâu sắc của cử tri cả nước và các ĐBQH. Đúng như nhận xét của một vị ĐBQH: Biển Đông chưa lặng sóng!

   - Ảnh 1

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông.

Từ năm 2014 đã xuất hiện nhiều cảnh báo về việc Trung Quốc tiến hành xây dựng phi pháp lẫn bồi đắp đảo nhân tạo tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa và Én Đất.

Mới đây, trang tin Rappler của Philippines công bố một số bức ảnh thu thập được cho thấy, đến giữa tháng 12/2014, diện mạo đá Chữ Thập đã bị thay đổi nghiêm trọng và có thể một đường băng sẽ sớm xuất hiện tại đây. Với tốc độ bồi đắp chóng mặt, những thực thể là bãi, đá chìm mà Trung Quốc đang chiếm có thể biến thành những đảo nhân tạo có diện tích lớn hơn nhiều tất cả các đảo/đá tự nhiên còn lại ở Trường Sa chỉ trong vòng vài tháng, phá vỡ tình trạng tự nhiên của các thực thể và tăng thêm căng thẳng trên Biển Đông.

Theo ý kiến của một số ĐBQH, những diễn biến trên biển vừa qua, cho thấy biến động thời gian tới còn nhiều. Vậy nên, không ít ĐBQH tỏ ra sốt ruột ở phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (chiều 25/5) và đề nghị Chính phủ phải thường xuyên thông tin tới người dân về tình hình Biển Đông.

Các ĐBQH thẳng thắn nêu ý kiến rằng, dù tuyên bố hay hành động thế nào, quan trọng nhất là người dân phải biết chủ trương, quyết tâm thống nhất của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền.

Yêu cầu không làm thêm phức tạp tình hình

Trong cuộc họp báo thường kỳ của bộ Ngoại giao chiều 28/5 (tại Hà Nội), người Phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời các câu hỏi của phóng viên Việt Nam và quốc tế về các vấn đề báo chí quan tâm.

Cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc xây dựng hai hải đăng ở quần đảo Trường Sa, người Phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hành động nêu trên vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 ký giữa ASEAN và Trung Quốc. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Liên quan đến sự kiện ngày 26/5/2015, Trung Quốc công bố sách trắng đầu tiên về chiến lược quân sự, có nội dung cố tình bảo vệ xây dựng những đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người Phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh:

“Chúng tôi cho rằng là một nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như là nước có vai trò quan trọng ở khu vực, Trung Quốc cần phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và có những đóng góp trách nhiệm cũng như xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực và trên thế giới”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết việc truyền thông Australia đưa tin, giới chức nước này quan ngại việc Trung Quốc di chuyển một số vũ khí lên đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên Biển Đông, người Phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi sát sao hoạt động của các bên liên quan tại Biển Đông.

“Chúng ta đều biết Biển Đông là tuyến hàng hải cũng như là hành lang hàng không quốc tế hết sức quan trọng. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu cũng như mong muốn các bên liên quan duy trì hòa bình ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, người Phát ngôn bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Tại nghị trường Quốc hội, các ĐB cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm về cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông. ĐB Nguyễn Anh Sơn (Phó trưởng đoàn ĐBQH Nam Định) còn đề nghị Quốc hội tỏ rõ thái độ về Biển Đông. ĐB Sơn nhấn mạnh: “ĐBQH với tư cách là người đại diện ý chí của dân phải thể hiện điều đó thật kiên quyết, mạnh mẽ. Bởi vậy, tôi đưa ra đề nghị Quốc hội tỏ rõ thái độ về Biển Đông”. Theo ĐB Sơn, tại các kỳ họp trước, Quốc hội cũng chỉ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông chứ cũng chưa có phần thảo luận.

Từ thực tế đó, ĐB Sơn cho rằng, bằng cách nào đó cần phải truyền tải thông tin chính xác đến cử tri, tất nhiên những thông tin gì thuộc về bí mật quốc gia, nhạy cảm về mặt ngoại giao thì có thể không nhắc đến.

“Qua những lần tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy ngay cả cử tri và cả ĐBQH đều thiếu thông tin về tình hình Biển Đông. Đề nghị của tôi là đề xuất ban đầu để các đại biểu dù chưa có thông tin thì cũng sẽ nắm bắt, tìm hiểu thông tin chính thức. ĐBQH càng có nhiều thông tin càng tốt, tất nhiên đó phải là những thông tin chính thức”, ông Sơn nói. Đề nghị trên đã nhận được sự đồng thuận của nhiều ĐBQH, sau đó được đồng ý và bổ sung vào chương trình kỳ họp.

Shangri-La 14: Một loạt các sáng kiến tạo lập an ninh khu vực

Tại phiên thảo luận thứ hai về "Các hình thức hợp tác an ninh mới ở châu Á", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết: Mỹ sẽ thiết lập "Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á”. Phát biểu này của ông Carter đã nhận được sự quan tâm của các nước tham gia đối thoại cùng với những quan điểm Nhật Bản Gen Nakatani lại nêu đề xuất của nước này về "Sáng kiến Đối thoại Shangri La" nhằm tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực. Sáng kiến này sẽ tập trung vào ba yếu tố chính, gồm hoàn thiện các quy tắc chung và pháp luật trên biển trong khu vực nhằm thúc đẩy việc đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không; thúc đẩy các cuộc tập trận chung cũng như xem xét các biện pháp phòng ngừa tai nạn liên quan đến tàu ngầm.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cũng đã kêu gọi các nước Đông Nam Á và cả Trung Quốc kết hợp tuần tra Biển Đông “một cách hòa bình” để làm giảm nguy cơ xung đột. Ông Ryacudu cho rằng việc tuần tra chung sẽ gửi thông điệp cảnh báo “không quốc gia nào được phép tăng cường sức mạnh hoặc đe dọa nước khác” ở Biển Đông.

Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông vào chiều 5/6

Chiều 28/5, trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ họp riêng để nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông vào chiều ngày 5/6 tới. “Theo yêu cầu của đại biểu trong phiên họp trù bị, Chủ tịch Quốc hội đã đồng ý đưa vào chương trình kỳ họp.

Do đó, đoàn thư ký đã có công văn gửi Chính phủ chuẩn bị tài liệu, báo cáo với Quốc hội tình hình Biển Đông”, ông Phúc nói. Cá nhân ông Phúc với tư cách là ĐBQH cũng đang chờ báo cáo cụ thể của Chính phủ về tình hình Biển Đông đang diễn ra như thế nào. Theo ông Phúc, việc Trung Quốc cải tạo trái phép các bãi đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vi phạm pháp luật, vi phạm luật pháp quốc tế. Hành động đó của Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.

Hương lan - Anh Đức - Văn Chương

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý