Tình yêu của vợ chồng vị hoàng thân gánh nước thuê

biettuot biettuot @biettuot

Tình yêu của vợ chồng vị hoàng thân gánh nước thuê

Dẫu đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng hàng ngày cụ Đương, vị hoàng thân triều Nguyễn vẫn miệt mài với chiếc xe đạp trên mọi nẻo đường quê đi vận động, giải thích cho bà con hiểu ý nghĩa của việc hiến xác cho y học. Đằng sau hành động ấy là cả một câu chuyện về cuộc sống, tình yêu rất ý nghĩa.

19/09/2014 08:36 AM
2,053

Hoàng thân lưu lạc xứ người

Nghe tin cụ ông Nguyễn Ngọc Đương (89 tuổi, ngụ ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vừa làm đơn tự nguyện hiến xác cho y học, chúng tôi đã tìm về ấp Trung tTâm để tìm hiểu thêm về cụ ông này. Ít ai biết, cụ chính là Hoàng thân thời Nguyễn (con trai của công chúa Tân Phong – em gái ruột vua Thành Thái). Dẫu cái thời được sống trong nhung lụa ở cố đô Huế trôi qua đã ngót nghét gần 7 thập kỷ nhưng ký ức về những ngày xưa vẫn thấp thoáng trong tâm trí ông, để mỗi khi hồi tưởng về một giai đoạn lịch sử của đất nước, những ký ức ấy lại bừng sáng. Và trong lần gặp gỡ này, chúng tôi may mắn được cụ Đương trải lòng về cuộc sống của một vị Hoàng thân lưu lạc nơi đất khách, vật lộn với cuộc sống mưu sinh.

Năm 1946, như bao chàng sinh viên Thừa Thiên – Huế khác, Nguyễn Ngọc Đương tạm xếp bút nghiên để lên đường nhập ngũ, tham gia hai cuộc kháng chiến với vai trò công nhân tại công xưởng sản xuất vũ khí trong hang núi ở Nghệ Tĩnh. Sau 20 năm cống hiến sức trẻ ngoài chiến trường, ông Đương trở về quê nhà với vết thương trên mặt. Ở tuổi ngoài 30, ông kết hôn với cô gái Huế cùng làng Nguyễn Thị Bé, người đã mòn mỏi chờ đợi ông trở về.

Dẫu cuộc sống khó khăn nhưng hạnh phúc vẫn trọn vẹn khi ông bà lần lượt đón nhận 4 đứa con chào đời. Biết không thể sống ở đất Huế, năm 1978, ông Đương quyết định vài Đồng Nai lập nghiệp với hai bàn tay trắng, tài sản duy nhất ông bà mang theo là ý chí làm giàu ở mảnh đất mới và hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.

Những năm đầu sau giải phóng, khắp mọi nẻo đường ở xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom đã in dấu chân hai vợ chồng ông Đương với gánh nước trĩu nặng trên đôi vai gầy.

Cuộc sống khó khăn, gánh nước thuê đã giúp vợ chồng ông nuôi dạy 4 đứa con nên người. Nhắc lại quãng ngày khó khăn đó, ông nhẹ nhàng: “Đó là khoảng đầu những năm 1980, cả gia đình 6 miệng ăn dắt díu nhau vào đây làm kinh tế mới. Con cái nheo nhóc, lại chẳng có nghề gì ổn định. Khi đó, ở đây còn nghèo, điện đóm chưa có, cả xã có mỗi cái giếng chung ở ngay trung tâm. Thế là hai vợ chồng đành bàn nhau gánh nước thuê kiếm sống. Bởi có gia đình do bận bịu làm ăn, họ không có thời gian đi gánh nước...”

Vậy là từ dạo đó, mới 2-3 giờ sáng mà bàn chân của hai vợ chồng đã thay nhau đi khắp mọi ngóc ngách của xã Thanh Bình, những gánh nước theo nhau đến từng nhà. Nhận những hào tiền ít ỏi từ công việc nặng nhọc, ông bà mừng rơi nước mắt bởi có thể lo tiền ăn học, quà bánh cho các con.

 - Ảnh 1

Cụ Đương và cụ Bé chụp hình lưu niệm.

Đến cuối những năm thập niên 70, khi thủy điện Trị An được đưa vào hoạt động, hệ thống điện – đường – trường – trạm được nâng cấp. Do có điều kiện nên rất nhiều gia đình khoan giếng, tự lo cho mình nguồn nước riêng. Vậy là ông bà lâm vào cảnh “thất nghiệp”, khi ấy ông đã ngót nghét 60 tuổi, còn bà Bé cũng đầu hai thứ tóc. Ông Đương lại tất bật ngoài đồng, lo cho đàn bò của các con. Còn bà bé vẫn làm việc không ngơi tay, nhận rửa bát thuê cho các quán cơm, kiếm đồng ra đồng vào. Hiện tại khi đã bước sang tuổi 89, trên chiếc xe đạp cọc cạch mua từ hơn 20 năm trước, ông Đương vẫn đi khắp nơi trong ngoài xã. Những vòng xe dẫu yếu ớt vẫn lăn đều trên các con đường, ngược xuôi trên những cánh đồng.

Điều lạ là dẫu có khó khăn nhưng cuộc sống của ông bà vẫn luôn vui vẻ. Bằng chất giọng dịu dàng của người con xứ Huế, bà Bé tươi cười khi nói về chồng: “Tôi có biết đi đâu đâu. Ông đi đâu thì tôi đi theo đấy. Đi chợ ông cũng chở tôi đi. Ngày xưa khi đi gánh nước cũng theo nhau đi vậy...”. Tình yêu bền chặt nối sợi chỉ hạnh phúc hai ông bà với nhau. Họ đã bên nhau như thế trong suốt những năm tháng qua, và điều ngạc nhiên hơn là ông bà luôn đồng thuận nhau trong mọi quyết định. Kể cả quyết định hiến xác cho y học lần này của ông. Đó là một tình yêu lớn mà ông bà đã giữ trọn cho nhau, kể từ ngày bà Bé quyết định chờ đợi chồng trở về, dẫu ai cũng biết sự trở về từ chiến trường vốn rất mong manh.

Tâm nguyện cống hiến cho đời ngay cả khi đã chết

Nói về quyết định hiến xác của mình, vị Hoàng thân của triều Nguyễn tâm sự, ông chỉ muốn làm việc gì đó có ý nghĩa cho đời, làm khi sống và cả khi đã chết đi. “Đối với y học, việc được thực hành trên chính thân thể con người không dễ dàng như những ngành nghề khác. Những trăn trở ấy đã thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó cho khoa học, cho ngành y. Tôi nghĩ mình không chỉ sống cho riêng mình được, còn rất nhiều người cần đến mình. Giải phẫu học lâu nay vốn khó khăn nhất trong tất cả các môn học vì sinh viên rất hiếm khi được thực hành trên người thật. Điều đó sẽ khiến nhiều người lúng túng khi ra thực tế hành nghề. Tôi luôn quan niệm, chết là hết, là về với cát bụi nhưng phải chết thế nào cho có ý nghĩa, vẫn còn làm được những gì có ích cho xã hội. Tôi luôn mong việc nghiên cứu giải phẫu phát triển hơn, các y, bác sĩ ở VN ngày càng giỏi hơn, chữa được các bệnh hiểm nghèo”, ông Đương chia sẻ lý do tình nguyện hiến xác đơn giản như vậy, bởi đó là lẽ sống của ông.

Cũng giống như mọi khi, người đầu tiên ủng hộ ông Đương vẫn là bà Bé – người vợ tận tâm lặng lẽ bên ông suốt 50 năm qua. Lần này không chỉ ủng hộ chồng mà bà Bé còn đồng ý cùng hiến xác, như bà vẫn nói “ông đi đâu, tôi theo đó”. Tình yêu của ông bà thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng những ngày tháng thuyết phục các con nghe theo mình mới thực sự khó khăn với ông Đương. Sau nhiều lần trò chuyện, thuyết phục và giải thích cho 4 người con hiểu ý nghĩa của việc hiến xác có lợi cho ngành y của nước nhà thế nào, dần dà các con ông hiểu ra và ủng hộ. Ông nhờ các cán bộ xã tìm hiểu và sau đó, chính những người này đã đưa ông bà lên trường Đại học Y dược TP. HCM làm thủ tục.

Bà Bé nhớ lại: “Khoảnh khắc vợ chồng tôi nhận được tờ giấy chứng nhận tham gia hiến xác, cảm giác thật khó tả. Hai vợ chồng tôi vô cùng phấn khởi rồi ôm nhau khóc. Khóc vì ước nguyện đã thành hiện thực”.

Nhắc lại chuyện xưa, cụ Đương bảo không còn nhớ gì nhiều, những khoảng ký ức đứt đoạn về một triều Nguyễn hưng thịnh ở cố đô trong cụ đã nhạt nhòa theo năm tháng. Lọ mọ lấy ra tấm hình đen trắng được ông cất kỹ sau lớp vải nhung, ông nói nhiều về công chúa Tân Phong – người mẹ mà ông vô cùng trân quý. “Khi còn ở trong Cung, tôi mới tròn 6 tuổi nên chả nhớ gì nhiều. Giờ ký ức ngày trước chỉ còn là những kỷ niệm về mẹ thôi. Chuyện xưa qua rồi, giờ ai cũng là dân như nhau cả thôi.”. Đó là những lời ít ỏi của cụ Đương nhắc về gốc gác quý tộc của mình, bởi vợ chồng người con trai của một nàng công chúa triều Nguyễn giờ chỉ muốn   tuyên truyền vận động nhiều người hiến xác như mình.

Đó là công việc thực khó khăn, bởi không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của việc ông Đương làm. Thế nên suốt mấy năm nay, trên chiếc xe đạp “cà tàng” của mình, ông cụ vẫn làm công việc của một người “vác tù và hàng tổng”. Ông đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền về ý nghĩa của việc hiến xác, mong muốn ngày càng có nhiều người làm việc thiện, giúp nền y học nước nhà ngày càng phát triển.

Ông tâm sự: “Việc này cũng không dễ dàng gì bởi xưa nay, người VN chúng ta luôn tâm niệm, chết là phải mồ yên mả đẹp, không được đụng vào người đã chết. Trong khi bộ môn giải phẫu học rất cần đến những con người tự nguyện hiến xác. Số người hiến xác hiện còn rất hiếm vì ai cũng sợ, thậm chí có những người con không đồng tình với ý nguyện đẹp đẽ này của cha mẹ.”

Ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi bên con cháu, thế nhưng đôi chân của ông Đương hàng ngày vẫn cần mẫn đi, như lời tâm sự của ông “đi để thấy mình sống có ích”. Hi vọng tiếp sau tấm lòng của hai vợ chồng vị Hoàng thân này, sẽ có nhiều người thấu hiểu và tiếp nối 2 cụ, để như ý nguyện của cụ, nền y học VN sẽ tiến bộ hơn nữa. Tấm lòng cũng như tình yêu bền chặt của hai cụ sẽ mãi được thế hệ sau nhắc đến và noi theo.

Thanh Nhi

Xem thêm video clip : Mở rộng phạm vi “truy tìm” sản phẩm từ dầu ăn bẩn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý