Tội phạm hình sự ngày càng man rợ và trẻ hóa: Ngăn chặn cách nào?

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Tội phạm hình sự ngày càng man rợ và trẻ hóa: Ngăn chặn cách nào?

Theo công bố mới nhất của của Viện nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an thì gần 70% vụ án hình sự có đối tượng tội phạm là thanh, thiếu niên.

01/08/2015 05:57 AM
1,945

Lệch lạc nhân cách

Vụ thảm sát cả gia đình ở Chơn Thành, Bình Phước thật sự đã dấy lên một không khí đau thương, bàng hoàng trong xã hội. Đó không còn là nỗi đau của gia đình nạn nhân mà còn là nỗi đau của toàn xã hội. Ở đây, vấn đề không phải là số lượng người chết mà còn là phương thức gây án quá tàn bạo, hầu như chưa hề có tiền lệ trong suốt lịch sử các vụ trọng án ở nước ta.

Khi vụ án mới xảy ra, dư luận đoán già đoán non chắc là do mâu thuẫn trong làm ăn, chắc giết người cướp tài sản… Khi 2 nghi phạm bị bắt giữ, cả xã hội cũng lại một phen rúng động, nhiều người còn hụt hẫng vì không nghĩ rằng 6 mạng người chết chỉ vì… một mối hận tình của tuổi trẻ.

PGS TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) từng chia sẻ, hiện tượng cuồng yêu, cuồng ghen cho thấy sự lệch lạc về nhận thức, sự lệch chuẩn về hành vi xử sự trong cuộc sống, trong quan hệ yêu đương và trong đời sống gia đình. Trong mỗi con người đều trường tồn một phần nào đó của góc tối, của cái ác từ nhỏ li ti đến chiếm lĩnh tâm hồn.

Những “hạt giống” của cái thiện cũng như cái ác có thể gieo ở khắp nơi và chỉ cần gặp được “mảnh đất” cùng những điều kiện thích hợp là nó có thể nảy mầm và phát triển.

Nó có thể nằm ở đâu đó trong vô thức con người, đến khi có điều kiện, như các nhà tội phạm học đã phân tích, thì nó sẽ được chuyển từ ý thức sang hành động. Và đằng sau cái ác này luôn thường trực nỗi đau khó nguôi ngoai của người thân và kéo theo sau là nhiều hệ lụy phức tạp khác. Đây là những bài học đau thương với những bậc làm cha, làm mẹ trong gia đình.

Tại Việt Nam, kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải thiện, con người ngày được giáo dục nhiều hơn nhưng lối sống chưa hẳn đã tốt hơn. Chỉ vì xe máy va quệt nhẹ trên phố đông, chỉ cần một ánh nhìn khó chịu bị cho là “nhìn đểu”, chỉ cần to tiếng trên bàn nhậu… là người ta quên mất tình đồng loại, sẵn sàng xông vào đoạt mạng nhau.

Rõ ràng, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động rất lớn đến văn hóa, giáo dục và tạo ra lối sống thực dụng, ích kỷ, thờ ơ trong một bộ phận người trẻ hiện nay.

Trong khi đó, những quy định về pháp luật hiện hành còn nhiều lỗ hổng để ngăn ngừa tội phạm hữu hiệu. Nhìn chung, mỗi con người là nạn nhân của môi trường mà họ lớn lên. Chính sự ích kỷ, thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông, thiếu tình thương của người đối với người chính là nguyên nhân dẫn đến sự lệch lạc về nhân cách.

Hung thủ thật sự rồi sẽ đền tội nhưng dù bản án có thích đáng đến mấy cũng không thể nào bù lại được những mất mát của phía bị hại cũng như những sang chấn tâm lý nặng nề mà xã hội gánh chịu.

Mỗi năm, cả nước có hơn 15.000 trẻ vị thành niên phạm tội. Bộ Công an cho biết, chỉ trong 6 năm (từ năm 2007 đến năm 2013), cả nước xảy ra 63.600 vụ án hình sự do trẻ vị thành niên gây ra, với 94.300 đối tượng là trẻ vị thành niên phạm tội, tăng gần 4.300 vụ án so với 6 năm trước đó.

Bình quân, mỗi năm cả nước có hơn 10.000 vụ án, với hơn 15.000 đối tượng là trẻ vị thành niên phạm tội, theo đó trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra trên 30 vụ án với gần 40 đối tượng.

Theo các chuyên gia tâm lý, gia đình luôn giữ vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Vì vậy, nếu một đứa trẻ sống trong một gia đình thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, gia đình không hòa thuận, cha mẹ sống buông thả, rượu chè, cờ bạc… sẽ tác động xấu đến nhận thức và hành động.

Sự tan vỡ gia đình dẫn đến các em ít được quan tâm nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường phạm tội. Bên cạnh đó, nhiều gia đình quá nuông chiều con cái, chúng “muốn gì được nấy” dẫn đến đua đòi cũng là con đường gần khiến nhiều đứa trẻ sa vào con đường phạm tội.

Mầm ác tiềm ẩn

“Với nhịp độ hối hả của cuộc sống, con người thích hưởng thụ nhiều hơn, bộc lộ cái tôi nhiều hơn, nhưng một bộ phận không nhỏ lại thiếu đi những kỹ năng sống cơ bản. Không ít người sống vô cảm… thờ ơ với xã hội nên cái ác dễ nảy sinh trong nhiều hoàn cảnh không lường được”, ông Nguyễn Thân, nguyên thẩm phán TAND Tối cao đã nhận định như vậy khi nói về vụ thảm án ở Bình Phước.

Việc các nghi can Nguyễn Hải Dương (24 tuổi), Vũ Văn Tiến (24 tuổi) bị phát giác và bị bắt giữ về hành vi gây tội ác rợn người, đã khiến cho người thân cùng tất cả những ai quen biết hai đối tượng này đều quá đỗi bất ngờ, không thể tin đó là sự thật.

Từ người ruột thịt trong gia đình đến những người quen hai hung thủ “máu lạnh” đều choáng váng khi biết những thanh niên có bộ dạng hiền lành lâu nay như Dương và Tiến lại bỗng chốc trở thành kẻ gây tội ác ngút trời.

   - Ảnh 1

Nghi can Nguyễn Hải Dương.

Không ai có thể ngờ rằng một thanh niên trẻ, sống đơn giản, khép kín như Vũ Văn Tiến lại trở thành tên tội phạm tham gia giết người hàng loạt. Càng không ai lường được một con người có bộ dạng hiền lành như Nguyễn Hải Dương lại có thể xuống tay sát hại người yêu cũ và cả gia đình “nơi chốn thân quen” với cách thức như những giai thoại về cảnh bạo tàn thời trung cổ.

Được biết, khi hay tin con mình là hung thủ của vụ án chấn động dư luận cả nước, tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, mẹ của Nguyễn Hải Dương đã rơi vào cảnh ngất lên ngất xuống.

Trong khi đó, trước khi lực lượng thực thi pháp luật tiến hành bắt giữ Vũ Văn Tiến, chính người mẹ đau khổ của hung thủ này còn xót xa lên án tội ác tày trời cần phải đền tội khi xem truyền hình đưa tin về vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Bình Phước.

   - Ảnh 2

Nghi can Vũ Văn Tiến.

Tại cuộc họp báo khẩn cấp chiều 11/7/2015, nhằm thông tin với công luận và dư luận cả nước về vụ án đặc biệt nghiêm trọng sát hại 6 người tại tỉnh Bình Phước, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác phòng chống tội phạm hiện nay vẫn đang đặt mục tiêu ở mức “kiềm chế tội phạm”.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng đánh giá, thực tế cho thấy các vụ án có khoảng 70% trường hợp phạm tội lần đầu và có từ 30% đến 40% tội phạm là người trẻ tuổi.

Như vậy, tội phạm mang tính “chuyên nghiệp” phạm tội nhiều lần chỉ chiếm một tỷ lệ không cao. Một tỷ lệ rất lớn những kẻ phạm pháp trước khi trở thành tội phạm là người rất đỗi bình thường, chưa bao giờ phạm tội. Nghĩa là tội phạm rất có thể tiềm ẩn đâu đó quanh ta trong đời sống xã hội, mầm ác có thể ẩn giấu trong những thực thể rất đỗi hiền lành.

Tội phạm cũng đang được trẻ hóa khi một tỷ lệ không nhỏ những đối tượng rơi vào vòng lao lý, thậm chí đến mức cần phải loại bỏ hoàn toàn ra khỏi đời sống xã hội (như Nguyễn Đức Nghĩa đã bị thi hành án tử hình) là người trẻ tuổi.

Cần lắm những “bác sĩ tâm hồn”

Muốn diệt trừ cái ác, chúng ta cần xây dựng một mạng lưới cán bộ xã hội để giúp đỡ những thanh thiếu niên bị tổn thương về tâm lý (các đối tượng nguy cơ cao phạm tội) để “chữa trị” các vết thương tinh thần cho họ, tránh để chúng trở nên nặng hơn, cuối cùng gây ra những tội ác nghiêm trọng, tàn bạo như vụ thảm sát vừa qua.

Bình An

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý