Tôn Trung Quốc kém chất lượng, tôn giả lũng đoạn thị trường

ban ban @ban

Tôn Trung Quốc kém chất lượng, tôn giả lũng đoạn thị trường

(ĐSPL) Hằng năm người tiêu dùng bị “móc túi” hàng trăm tỷ đồng, thiệt hại cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng do tôn gian, kém chất lượng.

28/11/2015 11:00 AM
182

Tràn lan tôn gian, kém chất lượng

Báo Nhân dân đưa tin, tại hội thảo về tình trạng tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu được tổ chức ngày 27/11 tại Hà Nội - hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam (29-11) - một lần nữa thực trạng nóng bỏng trong lĩnh vực tôn mạ màu lại được gióng lên. Đây không phải lần đầu hiện tượng gian lận thương mại trong thị trường tôn thép được nêu ra, song những giải pháp cơ quan chức năng đưa ra có vẻ như đã bị “hóa giải” bởi vô số chiêu trò, thủ đoạn của những kẻ bất lương.

Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, nước ta có gần 20 công ty lớn và một số cơ sở nhỏ sản xuất tôn thép mạ và tôn phủ màu, năng lực hơn bốn triệu tấn/năm. Tuy nhiên, do sức tiêu thụ yếu, ngành tôn thép mới phát huy khoảng 60% công suất, một phần phải tìm cách xuất khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu hàng triệu tấn, tôn mạ Trung Quốc với số lượng lớn, chất lượng kém và bán với giá rẻ, thậm chí dưới giá thành.

Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa nhận định, bằng mắt thường, người tiêu dùng gần như “bó tay” trước chất lượng của tôn thép mạ và tôn phủ màu, phải có thiết bị chuyên dụng mới xác định được chất lượng và độ dày của tôn. Đây chính là cơ hội của những hành vi gian lận, trục lợi người tiêu dùng, bị “móc túi” trắng trợn mà không hay biết.

 - Ảnh 1Phóng to

Trong số hàng nhập khẩu thì tôn mạ từ Trung Quốc chiếm 90%, chất lượng kém và bán với giá rẻ hơn tôn Việt Nam. (Ảnh mang tính chất minh họa).

Do những đặc tính ưu việt, tôn thép mạ và tôn sơn phủ màu được sử dụng rộng rãi trong lợp mái nhà, mái che, cả ở thành thị và nông thôn. Nếu tôn bảo đảm chất lượng, tuổi thọ công trình có thể kéo dài hàng chục năm.

Theo các chuyên gia, thuật ngữ “tôn gian” nhằm chỉ sản phẩm tôn bị gian lận về độ dày tấm tôn (đôn dem) và độ dày lớp mạ. Độ dày thực tế của tấm tôn bị thấp hơn so với độ dày mà nhà sản xuất công bố, được thể hiện ở dòng in trên bề mặt tấm tôn.

Thí dụ, nếu tôn in độ dày “4 dem” (0,4 mm) nhưng thực tế đo chỉ được “3 dem”, có nghĩa cơ sở sản xuất, kinh doanh đã bớt xén 25% độ dày, đánh lừa người tiêu dùng, kiếm lời bất chính. Độ dày lớp mạ cũng bị gian lận, lượng mạ không đủ so với công bố của nhà sản xuất. Thí dụ, loại tôn AZ 70, có nghĩa với mỗi m2 tôn, nhà sản xuất phải mạ đủ 70g hợp kim nhôm kẽm, song tôn kém chất lượng chỉ mạ khoảng 30 - 40 g, ảnh hưởng lớn tới tuổi thọ của tôn. Còn tôn kém chất lượng là các thông số kỹ thuật như độ dày sơn, chất lượng mạ, chất lượng sơn,… không bảo đảm.

Tôn phủ màu bảo đảm chất lượng có lớp sơn dày bình quân 15 micron (15 phần triệu m), tôn kém chất lượng luôn dưới 10 micron, dễ bong tróc sau một thời gian rất ngắn, nhanh phai màu, rỉ sét, tuổi thọ chưa bằng một nửa so với tôn đạt chất lượng.

Thủ đoạn thông thường mà các đối tượng áp dụng là nhập tôn Trung Quốc về, sau đó in phun nhãn mác, thương hiệu tôn của các doanh nghiệp uy tín trong nước hoặc sản xuất gia công và “ăn bớt” độ dày của tôn. Chỉ cần đầu tư một hệ thống in phun khoảng chưa đến 200 triệu đồng, từ tôn giả, tôn nhái, kém chất lượng các cơ sở sản xuất có thể “hô biến” thành đủ các thương hiệu tôn chất lượng.

Một cơ sở gia công tôn “mèng mèng” cũng đủ khả năng thực hiện được việc “đôn dem” và “bắn” chữ, ký hiệu giả, chẳng hạn “Ton Hoa Sen - Thuong hieu quoc gia - Ton kem mau - ISO14001:2004 - 0,45mm” của Tôn Hoa Sen để đánh lừa người tiêu dùng.

Thí nghiệm trực quan do các kỹ sư ngành thép thực hiện tại hội thảo bằng các thiết bị chuyên dụng, với các sản phẩm tôn nhập khẩu được lựa chọn ngẫu nhiên trên thị trường, kết quả kiểm định cho thấy gần như toàn bộ đều bị gian lận từ độ dày tấm tôn đến chất lượng các thông số kỹ thuật.

Tôn Trung Quốc "ăn" mất 9 nghìn tỷ đồng của tôn Việt Nam ngay trên sân nhà

Theo ước tính của Hiệp hội Thép Việt Nam (VINATAS), trong vài năm trở lại đây, lượng thép nhập khẩu gia tăng đột biến.

Cụ thể: năm 2014, các nhà sản xuất tôn thép chỉ tiêu thụ được 2.104.000 tấn trong khi đó khối lượng nhập khẩu vào để tiêu thụ sản xuất trong nước là 750.000 tấn.

Cộng cả lại, tôn nhập khẩu đã chiếm đến 26,3% thị trường trong nước.

Lượng thép tiêu thụ năm 2015 tăng đáng kể so với năm 2014. 9 tháng năm 2015, các nhà sản xuất tôn thép tiêu thụ được 2.268.000 tấn.

Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu vào để tiêu thụ ở trong nước là 1.078.000 tấn. Như vậy, tôn nhập khẩu chiếm 32,2% thị trường trong nước.

Điều đáng nói là, trong số hàng nhập khẩu thì tôn mạ từ Trung Quốc chiếm 90%, chất lượng kém và bán với giá rẻ hơn tôn Việt Nam.

Điều này làm tổn thất nghiêm trọng đối với nhà sản xuất trong nước, mất uy tín, giảm thị phần, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, người tiêu dùng bị "móc túi"...

Ngọc Anh (Tổng hợp)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý