Tổng đạo diễn phim "Lấy chồng Hàn" kể chuyện làm phim (Kỳ 3)

mesuhao mesuhao @mesuhao

Tổng đạo diễn phim "Lấy chồng Hàn" kể chuyện làm phim (Kỳ 3)

Tôi đã thực hiện một bộ phim “chuyên sâu” về lấy chồng Hàn, khác với những bộ phim khác trước đây, là câu chuyện thôn quê có một, hai cô gái đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan. Đạo diễn Trần Đình Thu chia sẻ.

29/01/2015 06:11 PM
650

Bộ phim "Lấy chồng Hàn" đang phát sóng trên kênh truyền hình SCTV 14, khung giờ 18h45 hàng ngày (phát lại vào lúc 0h45, 6h45 và 12h45 vào ngày hôm sau) đang gây sự chú ý của dư luận vì tính thời sự của bộ phim. Tính đến nay đã có gần nửa triệu cô gái Việt qua làm dâu xứ Hàn, vì vậy việc công chiếu bộ phim này có một ý nghĩa xã hội rất lớn. Báo điện tử Gia đình Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với Tổng đạo diễn kiêm biên kịch Trần Đình Thu về bộ phim.

cảnh cò hôn nhân trong phim

Cảnh cò hôn nhân trong phim "Lấy chồng Hàn"

Phim về lấy chồng ngoại trước nay cũng đã có một số người làm rồi, vậy nội dung phim của anh có gì khác biệt?

Đạo diễn Trần Đình Thu: Vâng, đề tài này không phải là mới mẻ đối với phim truyền hình, vì có một số phim đã đề cập. Nhưng tôi làm theo cách của tôi. Các phim trước đây thường chỉ có tuyến nhân vật cô dâu Việt, một vài chú rể ngoại đến Việt Nam. Phim “Lấy chồng Hàn” của tôi có thêm các tuyến nhân vật khác, đó là tuyến gia đình người thân của chú rể ở Hàn quốc, tuyến cò môi giới lấy chồng, tuyến luật sư, cán bộ tư pháp.

Tất cả các tuyến này vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về hiện tượng lấy chồng Hàn quốc. Trong đó đặc biệt nhất là tuyến gia đình người thân chú rể Hàn.

Đám cưới Việt- Hàn

Đám cưới Việt - Hàn

Anh nói cụ thể hơn được không?

Đạo diễn Trần Đình Thu: Như chúng ta thấy trong phim "Lấy chồng Hàn", gia đình chú rể Chang Sun gồm có bố, bà mẹ và người chị dâu cũng là mẹ Chang Min, luôn có một mong muốn cháy bỏng là qua Việt Nam cưới vợ cho Chang Sun và Chang Min. Đó cũng là mong muốn của cả xã hội Hàn. Việc lấy vợ Việt Nam không còn là việc của từng cá nhân. Đưa tuyến nhân vật này vào, tôi muốn nhấn mạnh đến điều đó.

Trước nay chúng ta chỉ thấy có cô dâu chú rể, chúng ta chưa thấy được gia đình bố mẹ anh chị em người thân của các chú rể nghĩ gì, mong muốn gì khi con cái họ qua Việt Nam tìm vợ. Nhưng khi xem bộ phim này, chúng ta thấy được điều đó. Xã hội Hàn quốc cần gì, muốn gì ở các cô dâu ngoại nói chung và cô dâu Việt nói riêng?

Tuyến nhân vật cò hôn nhân, cũng bao gồm gần chục nhân vật, phản ánh một thực trạng có thật đang tồn tại trong xã hội Việt Nam. Mặc dù pháp luật Việt Nam cấm hành nghề môi giới, nhưng do nhu cầu quá lớn trong việc kết hôn xuyên biên giới, nên những người này vẫn lén lút hành nghề. Bất chấp những cuộc bắt bớ, ngăn chặn, họ vẫn tổ chức các cuộc coi mắt.

Vì họ mà hàng triệu cô gái đi đến xứ người nhưng cũng nhờ họ mà trong số những cô gái ra đi đó, nhiều người tìm được cuộc sống như mong đợi. Vậy thì chúng ta nghĩ gì về họ? Liệu chúng ta có nên sửa Luật hôn nhân gia đình lại theo hướng công nhận môi giới hôn nhân không?

Tuyến thứ 3 là tuyến cán bộ tư pháp, luật sư. Tuyến nhân vậy này cũng góp phần quan trọng vào việc tạo ra bức tranh toàn cảnh lấy chồng ngoại quốc. Tuy nhiên trong 33 tập phim vừa qua, tôi chưa nói nhiều đến tuyến nhân vật này. Trên thực tế họ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ra đi của gần nửa triệu cô dâu Việt đến Hàn. Họ là người quyết định ai được kết hôn với ai.

Hai bà mẹ người Hàn Quốc

Hai bà mẹ người Hàn Quốc

Nói như vậy thì đây là bộ phim “chuyên sâu”?

Đạo diễn Trần Đình Thu: Có thể nói rằng, tôi đã thực hiện một bộ phim “chuyên sâu” về lấy chồng Hàn, khác với những bộ phim khác trước đây, là câu chuyện thôn quê có một hai cô gái đi lấy chồng Hàn quốc, Đài Loan. Bộ phim của tôi không có chuyện gì ngoài chuyện lấy chồng Hàn Quốc.

(Còn tiếp)

ĐĂNG BÌNH (thực hiện)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý