Tổng giám đốc trẻ và cú “vượt rào” ngoạn mục

daikieu daikieu @daikieu

Tổng giám đốc trẻ và cú “vượt rào” ngoạn mục

(ĐSPL) Ngồi vào ghế Tổng Giám đốc đúng thời điểm khó khăn nhất, khi mà Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang kinh doanh thua lỗ do giá dầu lao dốc...

03/02/2017 09:49 AM
152

(ĐSPL) - Ngồi vào ghế Tổng Giám đốc đúng thời điểm khó khăn nhất, khi mà Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang kinh doanh thua lỗ do giá dầu lao dốc, sản phẩm làm ra bị áp thuế cao ứ đọng không bán được, Trần Ngọc Nguyên đã phải trải qua những thời khắc cam go. Tuy nhiên, nhờ có bản lĩnh, ý chí và nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh cùng các cộng sự đã chèo lái “con thuyền” Bình Sơn vượt qua mọi sóng gió, về đích trước thời hạn.

Kỳ tích về đích trước thời hạn

Nhậm chức vào giữa tháng 10/2015 khi mới tròn 38 tuổi, cái tuổi được cho là trẻ để Trần Ngọc Nguyên ngồi vào “ghế nóng” tại Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn - một Doanh nghiệp vào loại lớn nhất Việt Nam, đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, có vốn đầu tư lên đến hơn 3 tỷ đô la với công nghệ sản xuất vô cùng phức tạp, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Nhân dịp đầu xuân 2017 PV đã có cuộc trao đổi cởi mở với Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên

Anh có thể chia sẻ suy nghĩ, những thuận lợi và khó khăn ở thời điểm anh đảm nhận vị trí Tổng giám đốc một Công ty thuộc dạng “khủng” ở Việt Nam ?

Tại thời điểm giữa năm 2014 giá xăng dầu vẫn đang “nghễu nghện” ở mức 110 USD/thùng thì đúng gần một năm sau đó, thời điểm tôi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc BSR, giá xăng dầu tụt dốc không phanh và chỉ còn ở lại mức 35 USD/thùng. Do giá bán thấp, sản phẩm làm ra không đủ bù đắp chi phí khiến doanh thu của Công ty sụt giảm, kinh doanh thua lỗ.

Không chỉ có vậy, từ đầu năm 2016, theo lộ trình của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu dầu diesel, xăng cho máy bay (Jet A1) từ các nước trong khu vực đã giảm từ 20% về 10%. Trong khi đó, các mức thuế đối với các sản phẩm của Dung Quất vẫn giữ nguyên 20%, dẫn đến sản phẩm do Dung Quất làm ra khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Khi đó, nhiều khách hàng trong nước đã giảm khối lượng mua, thậm chí nhiều khách hàng có dự định quay sang mua xăng dầu nhập khẩu, khiến hàng hóa của chúng tôi bị dồn ứ trong kho không bán được.

Nói thật không phải chỉ người ngoài, mà ngay cả những người trong cuộc chúng tôi, lúc đó cũng rất hoang mang không biết có vượt qua được khó khăn chồng chất này hay không.

Tổng giám đốc trẻ và cú “vượt rào” ngoạn mục - Ảnh 1

Dù trong hoàn cảnh nào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng vẫn luôn vận hành vượt công suất thiết kế.

Ở vào thời điểm đó, với cương vị một tân Tổng Giám đốc, anh và các cộng sự đã áp dụng những biện pháp gì để vượt qua khó khăn?

Mặc dù lúc đó chúng tôi rất lo, thậm chí là sợ nữa, nhưng không hiểu sao trong sâu thẳm tôi vẫn luôn có một niềm tin rất mãnh liệt là mọi chuyện rồi sẽ qua đi và mọi điều tốt đẹp sẽ đến.

Niềm tin của chúng tôi không phải không có cơ sở, bởi chúng tôi biết chắc rằng, dù giá dầu có sụt giảm mấy đi nữa, rồi cũng sẽ dần hồi phục. Chúng tôi tin những “nút thắt” trong chính sách thuế rồi cũng được Chính phủ tháo gỡ và chúng tôi lại sẽ được đi bằng đúng đôi chân của mình, sẽ được cạnh tranh một cách bình đẳng với tất cả các nhà cung cấp nước ngoài. Với lợi thế khá lớn, chúng tôi tin mình sẽ chiến thắng. Nghĩ và tin như vậy, nên tất cả ban lãnh đạo Công ty đã động viên nhau quyết tâm vượt khó đi lên.

Điều đầu tiên mà chúng tôi quyết tâm đạt được, đó là phải giữ vững ổn định sản xuất, vận hành an toàn nhà máy Lọc dầu Dung Quất để hoàn thành kế hoạch sản lượng đã đề ra.

Bên cạnh việc vận hành tối đa công suất thiết kế ở mức 105%, thậm chí có thời điểm lên tới 110%, chúng tôi còn đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Chính vì vậy mà ngày 9/11/2016, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành chỉ tiêu sản lượng 5,8 triệu tấn sản phẩm các loại, về đích sớm 52 ngày so với kế hoạch năm 2016. Đây có lẽ cũng sẽ là một kỳ tích, mà chúng tôi sẽ nhớ mãi.

Nhiều người cho rằng anh còn quá trẻ, chưa đủ kinh nghiệm để ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo một trong những Công ty lớn nhất Việt Nam với công nghệ mới và cực kỳ phức tạp?

Tôi tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường Dầu mỏ và Động cơ Cộng hòa Pháp, được thực tập và làm việc tại nhiều nhà máy lọc dầu của Pháp. Năm 2005 tôi được cử đi khảo sát, học hỏi ở rất nhiều quốc gia phát triển dầu mỏ như Malaysia, Nhật Bản... Năm 2007 tôi được cử về vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên trên thế giới, hiện có tuổi thọ hàng trăm năm tại Rumania. Sau đó về các nhà máy tại Malaysia với vị trí được đào tạo là “Giám đốc sản xuất”. Tôi đã may mắn được làm việc tại rất nhiều nhà máy lọc dầu trên thế giới, có nhà máy gấp 10 lần quy mô của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Sau này về nước, tôi cũng là một trong những người đầu tiên xuống nhà máy lọc dầu Dung Quất tham gia công tác chạy thử với các chuyên gia nước ngoài.

Nếu nói trẻ thì cũng không hẳn bởi năm nay tôi cũng đã gần 40 tuổi rồi (cười). Còn kinh nghiệm ư? Tôi nghĩ mình cũng nhiều kinh nghiệm đấy chứ. Tại Công ty, từ cán bộ lãnh đạo cao nhất, đến anh em công nhân trực tiếp vận hành chúng tôi đều rất trẻ, chưa đến 50 tuổi. Chúng tôi là những lớp đầu tiên được cử ra nước ngoài học tập và đào tạo bài bản để chuẩn bị cho ngành dầu khí nước nhà. Gần 4 năm qua, chúng tôi đã tự chủ vận hành nhà máy an toàn, ổn định với công suất liên tục trên 100%. Tôi tin với sức khỏe và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng tôi sẽ tự tin vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thời cơ tăng tốc

Trần Ngọc Nguyên cho rằng, mọi khó khăn đã qua đi, giá dầu tăng lên, cùng với việc được Nhà nước “cởi trói” về chính sách thuế là một tín hiệu hết sức sáng sủa đối với Bình Sơn. Anh cho rằng, việc mở rộng nhà máy là vô cùng cần thiết và nó sẽ đảm bảo cho Dung Quất nói riêng và công nghiệp lọc hóa dầu của Việt Nam nhiều lợi thế.

Tổng giám đốc trẻ và cú “vượt rào” ngoạn mục - Ảnh 2

Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên.

Nghe anh trao đổi, cảm nhận được anh đang rất vui và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của Bình Sơn?

Cũng xin chia sẻ niềm vui đó với mọi người. Hiện nay giá dầu đã tăng lên và việc chạy vượt công suất đã khiến chúng tôi tiết giảm chi phí và có lãi nhiều hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Nhà nước đã cởi bỏ rào cản về thuế để từ nay trở đi chúng tôi sẽ hoàn toàn cạnh tranh bình đẳng với các DN nước ngoài. Tôi tin với những lợi thế đang có chúng tôi chắc chắn sẽ có một tương lai phát triển rất sáng sủa phía trước.

Anh có thể phân tích rõ hơn về các lợi thế mà anh đề cập?

Đầu tiên phải nói đến lợi thế của Bình Sơn về thị trường, đây là điều quan trọng nhất, bởi hiện Dung Quất mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, 60% nhu cầu còn lại đang rất rộng mở chào đón chúng tôi.

Bên cạnh đó, BSR đang có rất nhiều lợi thế khác để khách hàng gần như chắc chắn sẽ mua sản phẩm từ Dung Quất. Thứ nhất, do mua hàng trong nước, nên chi phí vận chuyển và bảo hiểm của khách hàng sẽ ít đi. Thứ hai, khi mua hàng của Dung Quất, các DN sẽ chỉ phải thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam, còn nếu nhập khẩu, buộc phải trả bằng đồng USD. Do đó DN sẽ yên tâm không bị ảnh hưởng biến động xấu của đồng USD tăng giá. Thứ ba, nếu mua hàng của Dung Quất, sau 30 ngày sau DN mới phải nộp thuế, còn nếu nhập khẩu thì phải đóng thuế xong mới được nhập hàng; Thứ tư, nếu DN mua hàng trong nước sẽ được giao ngay, thời gian nhanh hơn, còn nhập khẩu thời gian vận chuyển lâu, do đó khi giá giảm thì toàn bộ lô hàng bị ảnh hưởng.

Nhiều người cho rằng, Dung Quất cứ nên sản xuất ổn định, làm tốt những gì đang có, mà không cần phải nâng cấp mở rộng. Anh suy nghĩ như thế nào về ý kiến này ?

Tôi cho rằng nhận xét trên là đúng nhưng chưa đủ.

Đúng là chúng tôi nên làm tốt những việc được giao, những việc đang có. Về điều này chúng tôi đang làm rất tốt đó thôi. Trong gần 6 năm nhà máy đi vào hoạt động, chúng tôi luôn đảm bảo vận hành một cách an toàn và ổn định, vượt công suất thiết kế, sản lượng liên tục tăng cao, doanh thu năm sau cao hơn năm trước và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách quốc gia.

Còn tại sao lại là chưa đủ, bởi với những thuận lợi chưa bao giờ có được trong thời điểm hiện nay, việc kêu gọi đầu tư nâng cấp mở rộng nhà máy và cổ phần hóa công ty là điều vô cùng cần thiết.

Nếu nâng công suất lên 8,5 triệu tấn/năm là Dung Quất đã đảm bảo khoảng 50% nhu cầu xăng dầu trong nước, vừa làm tốt nhiệm vụ ổn định an ninh năng lượng quốc gia, vừa nâng cao doanh thu, tối đa hóa lợi nhuận và đóng góp nhiều hơn nữa cho ngân sách quốc gia.
Việc mở rộng và nâng cấp nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ giúp chúng tôi đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, qua đó giúp Dung Quất giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận.

Xin cảm ơn ông và chúc ông và BRS một mùa xuân mới nhiều thành công!


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý