TP. HCM đề xuất xây dựng bờ kè chống sạt lở 2000 tỷ đồng

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

TP. HCM đề xuất xây dựng bờ kè chống sạt lở 2000 tỷ đồng

(ĐSPL) Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa báo cáo UBND thành phố đề xuất của một công ty muốn xây dựng 7,2 km bờ kè dọc sông Sài Gòn, đoạn bao quanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng.

09/10/2015 09:36 AM
77

Tin tức từ VNExpress, công trình được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), dự kiến hoàn thành sau gần 2 năm thi công.

Theo đề xuất, 7,2 km bờ kè sông Sài Gòn bao quanh khu đô thị Thủ Thiêm sẽ được xây dựng với tổng kinh phí 2.000 tỷ đồng.

Sở GTVT cho rằng, về nguyên tắc, khi xây dựng các dự án tiếp giáp với bờ sông, nhà đầu tư cần phải xem xét hệ thống chống sạt lở. Hạng mục bờ kè phải được thiết kế, tính toán trong tổng mức đầu tư dự án để đảm bảo an toàn và góp phần tạo cảnh quan đô thị.

Vì vậy, Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố giao Ban Quản lý Thủ Thiêm phối hợp với nhà đầu tư, khi lập quy hoạch chi tiết 1/500 và các dự án cần lưu ý các hạng mục trong tổng mức đầu tư. Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho thành phố trình tự, thủ tục đầu tư các đoạn kè theo đúng quy định.

 - Ảnh 1Phóng to

Theo đề xuất, 7,2 km bờ kè sông Sài Gòn bao quanh khu đô thị Thủ Thiêm sẽ được xây dựng với tổng kinh phí 2.000 tỷ đồng. (Ảnh: VnExpress)

Trước đó, đánh giá đề xuất xây dựng bờ kè sông Sài Gòn, Ban quản lý khu đô thị Thủ Thiêm cho rằng, dự án là cần thiết vì góp phần tôn tạo cảnh quan đô thị, hạn chế sạt lở và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc đầu tư theo hình thức BT cũng phù hợp trong tình hình vốn ngân sách còn hạn chế như hiện nay.

Sở Tài chính cũng thống nhất với đề xuất của Ban quản lý về việc bổ sung 3 hạng mục bờ kè dọc sông Sài Gòn vào dự án Xây dựng Quảng trường trung tâm - Công viên bờ sông, Xây dựng Khu Lâm viên sinh thái phía Nam thuộc dự án BT xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo quy hoạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích 657 hecta nằm trên địa bàn quận 2. Đây sẽ là khu trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố và có vị trí quốc tế. Khu đô thị này cũng đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển.

Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực. Tổng dân số cư trú là 145.400 người, số người làm việc thường xuyên là 219.200, văn phòng cho thuê dạng căn hộ là 1.700 người.

Đề cập tới tình trạng sạt lở bờ kè sông Sài Gòn, báo Chinhphu.vn cũng dẫn tin từ Sở GTVT TPHCM cho biết, tính đến tháng 9/2015, tại Thành phố có 44 vị trí bờ sông có nguy cơ xảy ra hiện tượng sạt lở. Trong đó có 31 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm tập trung trên địa bàn các huyện Nhà Bè, Cần giờ, Thủ Đức, Bình Thạnh, Q. 2.

 - Ảnh 2Phóng to

Tình trạng sạt lở tại TP. HCM đe dọa đến cuộc sống của các hộ dân ở những khu vực ven sông. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Nguyên nhân gây sạt lở là do tình trạng san lấp, xây dựng trái phép lấn chiếm sông và trên hành lang bờ sông, kênh, rạch vẫn còn tồn tại đã làm thu hẹp dòng chảy, gia tăng tải trọng. Bên cạnh đó, việc khai thác cát bừa bãi với quy mô lớn ở khu vực (đặc biệt trên tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai...) và các vùng phụ cận làm thay đổi chế độ dòng chảy của sông, gây mất cân bằng bùn cát, dẫn đến gia tăng xói lở bờ sông, kênh, rạch.

Hiện nay, tại các khu vực sạt lở, cơ quan chức năng Thành phố đã chỉ đạo Khu Quản lý đường thủy nội địa tổ chức đặt biển cảnh báo, phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở để kịp thời cảnh báo cho người dân, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Về tình hình thực hiện các dự án xây kè chống sạt lở, Sở GTVT TPHCM cho biết, trong số 33 dự án chống sạt lở trên địa bàn Thành phố, đến nay mới hoàn thành 11 dự án và 5 dự án đang trong giai đoạn thi công. Những dự án còn lại chưa thể thực hiện do có khó khăn về vốn, cùng sự chậm trễ trong việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng của các địa phương.

Ngoài ra, do thực hiện theo Luật Đầu tư công nên các dự án xây dựng kè tại các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm như dự án Xây dựng bờ kè chống sạt lở đoạn đường bến Bình Đông; khu vực trước chùa Long Hoa (quận 8)… phải thực hiện lại việc thẩm định, phê duyệt lại chủ trương đầu tư, dẫn đến chậm trễ, ảnh hưởng đến tính chất cấp bách của dự án.

Tại TPHCM, hiện tượng bờ sông sạt lở từ lâu đã trở thành nỗi “ám ảnh” khi thường xuyên đe dọa đến cuộc sống của các hộ dân ở những khu vực ven sông. Nhiều vụ sạt lở xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, điển hình như sự cố ngày 1/7 tại khu vực bờ tả ven sông Sài Gòn ở Khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức làm 7 nhà dân bị hư hại nặng.

Trong khi cuộc sống người dân bị ảnh hưởng, đa phần công trình chống sạt lở vẫn chưa thể hoàn thành như: Dự án xây bờ kè tại khu vực Thanh Đa thuộc phường 26 và 27, quận Bình Thạnh; dự án chống xói lở bờ sông khu vực cầu Phước Lộc và cầu Long Kiểng, Nhà Bè; dự án xây dựng kè bảo vệ bờ sông khu vực ngã ba sông Bến Lức - kênh xáng Lý Văn Mạnh, huyện Bình Chánh…

Theo ghi nhận thực tế, trong khi chờ các công trình chống sạt lở hoàn thành, người dân sinh sống tại các khu vực nguy hiểm đang tự khắc phục, chống lún thủ công bằng cách mua lưới chắn thêm bên ngoài bờ sông để giữ cát, hoặc gia cố bờ bằng gạch và xi măng…

Đức An (Tổng hợp)

Xem thêm video tin tức:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý