Trạm thu phí BOT dày đặc, Bộ trưởng Thăng nói gì?

mesu mesu @mesu

Trạm thu phí BOT dày đặc, Bộ trưởng Thăng nói gì?

Nói về tình trạng các trạm thu phí BOT được bố trí dày đặc, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, các trạm thu phí này đảm bảo các quy định hiện hành.

22/05/2015 04:11 PM
494

Thời gian qua, báo chí đã phản ánh về tình trạng thu phí và bố trí các trạm thu phí đường bộ bất hợp lý, nhất là trên các tuyến đường bộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Ngày 19/5 mới đây, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 20/5/2015.

Trong báo cáo giải trình của Bộ Giao thông Vận tải, trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm thu phí đang và sẽ triển khai từ nay đến năm 2018. Trong đó, 83 trạm do Bộ ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do UBND các tỉnh thực hiện. Theo Bộ Giao thông Vận tải, để thu hút đầu tư hạ tầng, nhà nước đã có cơ chế đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng qua việc thu phí các tuyến đường BOT. Trường hợp các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường, Bộ Giao thông vận tải cho rằng đã thống nhất với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính từ khi lập dự án đầu tư và khảo sát hiện trường để lựa chọn vị trí phù hợp, theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

Khi dự án hoàn thành, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí áp dụng riêng cho từng trạm để nhà đầu tư tổ chức thực hiện. Do đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, việc thành lập các trạm thu phí BOT đã tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính, có sự đồng thuận của địa phương liên quan.

   - Ảnh 1

Bộ trưởng Thăng khẳng định, các trạm thu phí BOT thực hiện đúng quy định hiện hành. Ảnh minh họa

Bên hành lang quốc hội, trả lời báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, việc đặt trạm thu phí, mức phí làm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ông cũng khẳng định lại thông tin đã giải trình với Chính phủ, những trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km, Bộ Giao thông Vận tải phải thống nhất ý kiến với UBND tỉnh và Bộ Tài chính để quyết định. "Không doanh nghiệp nào dám tự ý đặt trạm mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền" - bộ trưởng Thăng nói và nhấn mạnh: "Tôi khẳng định, cho đến nay, không có doanh nghiệp BOT nào phạm luật trong việc thu phí".

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, ông không tin việc thu phí tại các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT lại có thể làm tăng chi phí sản xuất (do chi phí vận tải tăng), so với việc lưu thông trên những con đường cũ kĩ chỉ phải đóng phí bảo trì thông thường. Ông lấy ví dụ về dự án BOT cầu Cổ Chiên vừa mới hoàn thành, dự án này rút ngắn được 70 km cung đường từ Trà Vinh lên TPHCM. Vì đường tốt, chạy tốc độ tối ưu nên sẽ tiết kiệm không chỉ xăng dầu, mà còn giảm chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa phương tiện, chi phí qua phà như trước đây... Hay như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai giảm một nửa thời gian lưu thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, trong khi chi phí thực tế giảm tới 30%...

Liên quan đến phản ánh "phí chồng phí" khi người dân vừa phải đóng phí đường bộ, vừa phải đóng phí khi có quá nhiều trạm thu phí dọc đường, bộ trưởng Thăng khẳng định "không hề có chuyện "phí chồng phí". Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phân tích, phí bảo trì đường bộ tính trên đầu phương tiện dùng vào việc bảo trì những công trình giao thông được đầu tư bằng ngân sách. Còn các trạm thu phí BOT là để hoàn vốn và một phần lợi nhuận cho doanh nghiệp đã đầu tư làm đường. Mức phí tại các trạm thu phí BOT tuy cao hơn các dự án thuộc ngân sách, do doanh nghiệp quy định, tuy nhiên, mức phí này cũng phải dựa vào thông tư của Bộ Tài chính...

Trước đó, báo chí đã phản ánh về tình trạng nhiều tuyến đường dày đặc trạm thu phí và khoảng cách các trạm thu phí này không đảm bảo tối thiểu 70km như phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Nổi bật nhất là tuyến đường Hồ Chí Minh sau khi được cải tạo (Quốc lộ 14 cũ) đi từ Kon Tum, Đắc Lắc, Gia Lai đến TPHCM khoảng 500km nhưng có tới 10 trạm thu phí.

Một số ý kiến cho rằng, việc bố trí các trạm thu phí dày đặc như vậy khiến giá cước vận chuyển đi TPHCM sẽ tăng lên, giá thành sản phẩm trả cho người dân giảm xuống. Lãnh đạo tỉnh Đắc Nông thì lo lắng, đường đi qua tỉnh có 150km nhưng có tới 3 trạm thu phí, điều này sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế địa phương, mà trước mắt là việc thu hút vốn đầu tư...

Bên cạnh đó, cũng có một số tuyến đường bị điểm tên như quốc lộ 18 từ Hải Dương đi Quảng Ninh chiều dài chưa đến 100km có 4 trạm, từ Từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột 300km có tới 7 trạm. TPHCM đi Vũng Tàu chỉ 100km có ba trạm. Đặc biệt, có những trạm chỉ cách nhau 16km như trạm Suối Giữa (thị xã Thủ Dầu Một) đến trạm Vĩnh Phú (thị trấn Lái Thiêu, Bình Dương) ....

Hà An

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý