Tranh cãi về bài thơ 'Thương ông' bị 'làm mới'

mesu mesu @mesu

Tranh cãi về bài thơ 'Thương ông' bị 'làm mới'

Gần đây, nhiều phụ huynh phàn nàn, thậm chí bức xúc khi nội dung bài thơ “Thương ông” trích thơ của Tú Mỡ ở sách Tiếng Việt lớp 2 lại được cắt ghép rất khác thường.

14/11/2014 07:33 AM
1,631

Nhiều người bày tỏ băn khoăn, không hiểu vì sao những người biên soạn sách giáo khoa lại phải sửa nội dung, trong khi bài cũ đọc xuôi vần, dễ thuộc và tình cảm hơn...

Bài thơ “nằm lòng” bỗng trở nên... khó nhớ

Lần theo thông tin về bài thơ "Thương ông" được in trong sách giáo khoa của nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, chúng tôi đã tiếp cận với cuốn sách Tiếng Việt lớp 2 thì thấy rằng, bài thơ “Thương ông” trong sách có nhiều điểm khác so với bài thơ của chính tác giả trước kia. Cụ thể, việc trích, cắt xén nội dung bài thơ ở trang 83 sách Tiếng Việt lớp 2 tập 1 hiện hành không hề theo một quy luật nào, ngoài việc khiến vần điệu bài thơ gốc mất đi, khó nhớ, nhiều người còn cho rằng, làm giảm sự biểu hiện tình cảm ông cháu trong bài thơ.

Với bài thơ "Thương ông" được học từ cấp 1, đối với nhiều phụ huynh thì đây gần như là một bài thơ mà họ thuộc lòng. Mặc dù bài thơ đã được bổ sung thêm phần nội dung so với trước đây nhưng việc nó bị bỏ khổ, bỏ câu "lỗ chỗ", không theo nguyên tắc nào, khiến nhiều người khó chịu.

 - Ảnh 1

Bài thơ “Thương ông” bị cắt ghép được in trên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2, tập 1 khiến dư luận bức xúc.

Chị Lê Vân - một phụ huynh cho biết: "So với bài thơ “Thương ông” tôi đã từng học trước kia thì phiên bản của bài “Thương ông” này rất khác, đọc không thuận câu, khó nhớ”.

Nhà thơ Hữu Minh cho biết: "Thường thì với sách giáo khoa, nếu thơ quá dài, nhà xuất bản sẽ lược trích một đoạn. Sau mỗi đoạn trích, NXB nên có dấu (...) ở cuối khổ trước và dấu (...) ở đầu khổ sau để người đọc biết là trích. Ở đây, chỗ thì bỏ một khổ, chỗ bỏ một câu, khiến nhiều phụ huynh khó khăn trong việc dạy con. Tôi cũng thấy lăn tăn về bài thơ "Thương ông" này, là việc lược trích "nhảy cóc" và không có quy luật bình thường... Học sinh cấp 1 vẫn còn non nớt, nên chăng phải có những trích đoạn thơ hợp lý và vần thì các em mới dễ nhớ, dễ thuộc được".

Khi đọc ở trang 83, sách Tiếng Việt lớp 2 tập 1, nhiều phụ huynh cũng thừa nhận là bài thơ trở nên khó nhớ hơn với những câu trúc trắc. Cô Hà Minh - giáo viên tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội phản ánh, nhiều phụ huynh cũng đem thắc mắc này hỏi cô và nghi vấn, hình như bài thơ in sai hoặc thêm thắt các ý?

Trên các mạng xã hội nhiều ngày nay, có nhiều topic được lập ra để "mổ xẻ" bài thơ này, đa số cho rằng, việc bài thơ “Thương ông” được in vào sách Tiếng Việt lớp 2 lần này là chưa hợp lý, khiến các em khó nhớ hơn.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho biết: "Các bài thơ được in trong sách giáo khoa thì một là được lược trích, hai là đưa nguyên. Như bài Võ Thị Sáu của tôi cũng được chọn và in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tập 2 là 10 câu thơ đầu của bài thơ "Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn". Nhưng thường thì khi lấy thơ hay sửa thơ in sách, NXB cũng không hỏi tác giả, đồng nghĩa với việc cũng không trả nhuận bút...". Theo nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thì mới đây, NXB Giáo dục mới liên lạc với bà để làm việc và trả nhuận bút bài thơ "Làm anh" được in trong sách giáo khoa lớp 2. Và nếu có sửa hay biên tập gì vào tác phẩm, NXB Giáo dục cũng không thông báo cho bà - là tác giả của tác phẩm biết.

Nhà xuất bản chưa có câu trả lời?

Để rộng đường dư luận về bài thơ "Thương ông" được in vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 tập 1 có những đoạn thơ khó nhớ, không vần như bản trước kia, nhóm phóng viên chúng tôi đã liên lạc với đại diện phòng Truyền thông của NXB Giáo dục. Chúng tôi được biết, ngay trong buổi sáng 5/11/2014, Ban giám đốc NXB họp và có thông tin cho báo chí vào buổi chiều cùng ngày.

Tuy nhiên, đến 17h chiều 5/11, thông tin chúng tôi nhận được là NXB Giáo dục cũng chưa có câu trả lời cuối cùng. Theo đó, một bài thơ được in trong sách giáo khoa là do Ban tuyển chọn chọn ra và đem đi in, bài thơ "Thương ông" do giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 chọn và gửi đến NXB và NXB Giáo dục đã làm việc với giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - người tuyển chọn bài thơ "Thương ông" nhưng chưa nhận được câu trả lời từ giáo sư Thuyết.

Nhóm phóng viên chúng tôi đã liên lạc với giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Ông cho biết: "Báo chí không nên ầm ĩ lên như vậy, thử đưa đoạn thơ mới trong bài "Thương ông" ra cho các nhà thơ bình xem đoạn nào hay hơn. Tôi tin là gu văn học của tôi không kém hơn so với những người soạn sách cũ. Không nên lấy cái cũ mà áp đặt cái mới, bài thơ với đoạn trích "Thương ông" cũ là của chương trình cũ, không thể áp đặt cho chương trình cải cách giáo dục mới được. Giống như thế hệ chúng tôi không thể áp đặt thế hệ trẻ phải giống mình được. Có thể phụ huynh chưa thích nghi được cái mới nên mới có ý kiến như vậy...".

 - Ảnh 2

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

Theo giáo sư Thuyết, bài thơ Thương ông của Tú Mỡ rất dài (168 chữ), khi đưa vào sách giáo khoa lớp 2 phải rút ngắn (còn 112 chữ) để đảm bảo yêu cầu về số chữ của một bài tập đọc dạy trong 1 tiết học. Bài "Thương ông" trong sách cũ, tuy là dạy cho lớp 4 nhưng cũng chỉ dạy trích đoạn, chứ không dạy trọn bài. Chỉ có điều phần trích trong sách cũ có những từ ngữ không đảm bảo chuẩn mực khá "nôm na" (ví dụ: "bước chân quá khó"; "trong lòng vui sướng" hoặc câu bị ép vần như "khập khiễng khập khà"... Chắc bạn đọc cũng đồng ý với chúng tôi là sách giáo khoa cần dạy học sinh từ ngữ chuẩn và những câu thơ hay, nếu không giàu hình tượng thì cũng phải giàu cảm xúc hoặc có những chi tiết đặc sắc", giáo sư Thuyết nói.

Theo giáo sư Thuyết, so với sách lớp 4 cũ, trích đoạn trong cuốn Tiếng Việt lớp 2 hiện hành nghiêng về những khổ thơ cuối bài. Mấy khổ này có chi tiết thú vị là Việt (tên cháu bé) bày cho ông niệm thần chú để không đau nữa và khi ông bảo câu thần chú ấy rất hiệu nghiệm thì "Việt ta thích chí: Cháu đã bảo mà...! Và móc túi ra: Biếu ông cái kẹo!". Hai chi tiết này dựng lên hình ảnh một cậu bé rất ngộ nghĩnh, đáng yêu, hợp với tâm lý học sinh lớp 2 hơn.

"Theo tôi, cái thần của bài thơ nằm chính ở những chi tiết này. Đây hoàn toàn là sự lựa chọn có chủ định của nhóm tác giả sách giáo khoa chứ không hề có lỗi biên tập hay kỹ thuật. Thơ thì không được sửa dù một chữ nhưng chọn đoạn nào để mà dạy, ghép như thế nào thì chúng tôi phải cân nhắc nhiều mặt. Hơn nữa, trên đề mục cũng ghi rõ là trích chứ không để người đọc hiểu đó là toàn bộ bài thơ”, giáo sư Thuyết phân tích.

Tôn trọng tình cảm của độc giả

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, mục đích dạy một tác phẩm văn học không phải để học thuộc lòng. Đối với bài thơ này, những người soạn sách giáo khoa cũng chỉ yêu cầu học sinh học thuộc lòng một khổ thơ mà các em thích, chứ không đòi hỏi các em phải nhớ cả bài. Mà trong một khổ thơ thì nhịp, vần đều đảm bảo.

Chúng tôi tôn trọng tình cảm của những độc giả đã từng học bài thơ này thời "cải cách giáo dục" (1979 - 2001). Sách giáo khoa gắn với kỷ niệm về tuổi thơ, mái trường và thầy cô của họ. Nhưng, chúng tôi có quan điểm lựa chọn của mình. Học sinh học chương trình hiện hành, không gắn với kỷ niệm cũ thì vẫn thấy trích đoạn này bình thường. Trong xã hội, mỗi thế hệ có thể nâng niu những giá trị đã hình thành lâu năm ở mình nhưng không phải bao giờ đem những giá trị ấy soi vào cái mới cũng đúng.

Lạc Thành

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý