Trao đổi các biện pháp hợp tác Việt Nam - EU

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Trao đổi các biện pháp hợp tác Việt Nam - EU

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) JeanClaude Junker, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris.

29/11/2015 08:50 PM
83

Bên cạnh đó, Thủ tướng dự kiến gặp gỡ Lãnh đạo cấp cao của Cộng hòa Pháp từ ngày 30/11 đến 1/12; thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/12.

 - Ảnh 1Phóng to

Quang cảnh Trung tâm hội nghị COP21. Ảnh: Bích Hà - TTXVN

Quan hệ Việt-Pháp phát triển ngày càng sâu rộng

Việt Nam và Pháp ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2013. Đây là cơ sở đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển sâu rộng.

Pháp hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan và Italy). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2014 đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2013, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 2,4 tỷ USD, chủ yếu là giày dép, dệt may, đồ gia dụng, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử.

Việt Nam nhập khẩu từ Pháp chủ yếu là thiết bị hàng không, dược phẩm, sản phẩm cơ khí, điện tử, hóa chất và đồ uống có cồn.

Pháp đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988. Tính đến tháng 6/2015, Pháp đứng thứ hai trong các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 15 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 429 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký đạt hơn 3,38 tỷ USD.

Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: thông tin và truyền thông, dịch vụ, phân phối điện, nước, điều hòa, công nghiệp, nông nghiệp, phân phối hàng hóa, giải trí, xây dựng và tài chính ngân hàng; phân bổ tại 32 địa phương, dẫn đầu là Bà Rịa-Vũng Tàu, tiếp sau là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Hiện có 5 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Pháp với tổng số vốn đạt 1,88 triệu USD, đáng chú ý có Vietnam Airlines đầu tư hơn 20 triệu euro vào dịch vụ bán vé máy bay và marketing. FPT Corporation đầu tư 11 triệu euro kinh doanh phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á (sau Afghanistan) với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD, tính từ năm 1993.

Năm 2014, Pháp cam kết cung cấp cho Việt Nam 360 triệu USD. Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).

Hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực như: quản lý kinh tế, ngân hàng, luật, công nghệ.

Giao lưu văn hóa hai nước ngày càng phát triển. Chính phủ Pháp dành ưu tiên hỗ trợ cho chính sách hội nhập văn hóa của Việt nam với phương châm khẳng định, tôn trọng sự đa dạng văn hóa Việt Nam. Hằng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ hoạt động của các Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng.

Trong lĩnh vực du lịch, Pháp hiện đứng thứ 7 trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực này, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD. Việt Nam xác định Pháp là thị trường trọng điểm. Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương mở văn phòng đại diện Cơ quan du lịch quốc gia tại Pháp.

Khởi xướng từ đầu những năm 1990, hợp tác phi tập trung Việt-Pháp trở thành nét đặc thù trong quan hệ hai nước. Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong chính sách hợp tác quốc tế của các địa phương Pháp. Hiện có 38 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với 18 tỉnh, thành phố Việt Nam.

Có thể nói tri thức là thế mạnh của cộng đồng người Việt tại Pháp. Hiện có khoảng 40.000 Việt kiều có trình độ đại học hoặc trên đại học thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, chiếm 12% trong cộng đồng người Việt tại Pháp. Một số có trình độ chuyên môn cao, là chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm làm việc tại các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), các viện nghiên cứu, các cơ quan hành chính, kỹ thuật...

Thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam và Vương quốc Bỉ

Trong giai đoạn 2000-2010, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Bỉ tăng trưởng nhanh, ổn định, từ 395,4 triệu USD lên đến 1,2 tỷ USD. Việt Nam liên tục xuất siêu khá lớn trong giai đoạn này. Kim ngạch hai chiều năm 2013 đạt 1,8 tỷ USD.

Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2,3 tỷ USD. Tính đến tháng 8 năm nay, tổng kim ngạch đạt 1,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 1,16 tỷ USD.

Tuy Bỉ là thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và châu Âu khác, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam do hàng hóa từ Việt Nam được vào Bỉ để đưa sang các nước Tây Âu khác.

Hiện Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Việt Nam trong EU, với các mặt hàng chủ yếu là giày dép, dệt may, thủy sản, cà phê, túi xách.

Ngoài ra, gỗ, cao su, sản phẩm nhựa, đá và kim loại quý là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh và tiềm năng còn lớn. Việt Nam nhập khẩu từ Bỉ chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, hóa chất, tân dược…

Hiện nay, quan hệ giữa các tổ chức kinh tế trung ương, địa phương, ngành của Việt Nam với ba vùng Wallonie, Flamand và Bruxelles của Bỉ được tăng cường và mở rộng.

Hai nước đã ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư từ năm 1991. Tính đến tháng 10 năm 2015, Bỉ có 59 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 420 triệu USD. Đầu tư trực tiếp của Bỉ chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Đầu tư của Việt Nam sang Bỉ hiện có hai dự án là Trung tâm xúc tiến thương mại tại Bruxelles và dự án công ty cổ phần đầu tư thương mại thủy sản châu Âu.

Quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước bắt đầu từ năm 1977. Hiện Việt Nam là nước châu Á duy nhất được nhận hỗ trợ phát triển của Chính phủ Bỉ. Từ năm 1997 đến nay, Bỉ đã cho Việt Nam vay và viện trợ không hoàn lại gần 300 triệu USD, trong đó viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 60%.

Các chương trình hợp tác tập trung vào những lĩnh vực gồm: quản lý nguồn nước, cấp thoát nước, thủy lợi và xử lý rác thải; quản lý nhà nước, tăng cường thể chế, cải cách hành chính và giáo dục; nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, học bổng…

Trong chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như: kinh tế, thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, hàng không vũ trụ…

Tăng hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên giữa Việt Nam và EU

Liên minh châu Âu (EU) hiện bao gồm 28 nước thành viên. Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28/11/1990. Trong năm 2015, Việt Nam và Liên minh châu Âu tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hàng loạt các sự kiện nổi bật và ý nghĩa với hai bên đã và đang được tổ chức xuyên suốt năm kỉ niệm này nhằm đánh dấu dấu mốc quan trọng của quan hệ hợp tác, hữu nghị nhiều mặt giữa Việt Nam và EU.

Trong lĩnh vực chính trị, sau khi ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU, quan hệ song phương đã có bước phát triển vượt bậc. Hai bên đã tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao trong thời gian gần đây.

 - Ảnh 2Phóng to

VChế biến cá tra xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Có thể nói, thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-EU. Liên minh châu Âu là đối tác thương mại thứ hai (sau Trung Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) của Việt Nam. Từ năm 2001 đến 2014, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 8 lần, từ mức 4,5 tỷ USD lên hơn 36,8 tỷ USD.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều cho đến hết tháng 9 năm nay đạt 30,8 tỷ USD, tăng gần 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam xuất khẩu là 22,6 tỷ USD và nhập khẩu 8,2 tỷ USD.

Vào ngày 4/8/2015 vừa qua, Lễ công bố kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và ông Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Với mức độ cam kết đã đạt được, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Hiệp định EVFTA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung mạnh mẽ, do đó Hiệp định EVFTA được dự đoán sẽ mang lại tác động rất tích cực cho cả Việt Nam và EU, trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích kinh tế.

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, tính đến hết tháng 9/2015, đã có 23/28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 1.718 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 21,53 tỷ USD. Trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam, Hà Lan hiện đứng đầu với 239 dự án có tổng vốn 6,66 tỷ USD. Sau đó là Pháp, Luxembourg, Đức, Síp, Đan Mạch…

Nhìn chung, đầu tư Việt Nam sang EU không nhiều, chủ yếu tập trung vào một số nước như Hà Lan, Séc, Đức. Tính đến hết tháng 6/2015, Việt Nam có 57 dự án đầu tư sang 13 nước EU với tổng vốn đăng ký đạt gần 152 triệu USD.

Trong hợp tác phát triển, Liên minh châu Âu luôn cam kết là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam. Trong giai đoạn 1993-2013, tổng cam kết ODA của Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU đạt gần 14 tỷ USD, chiếm 20% tổng cam kết của cộng đồng tài trợ quốc tế cho Việt Nam, trong đó viện trợ không hoàn lại của EU đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Ủy ban châu Âu cho Việt Nam được thực hiện thông qua các Chiến lược hợp tác với Việt Nam với ngân sách viện trợ liên tục tăng. Giai đoạn 2014-2020, EC đã cam kết viện trợ cho Việt Nam 400 triệu Euro trong khi danh sách các nước châu Á được hưởng ODA giảm từ 19 xuống còn 12, tập trung vào hai lĩnh vực là năng lượng bền vững và thể chế.

Ủy ban châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu cũng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành thuộc ưu tiên của Việt Nam và EU có thế mạnh như: hỗ trợ thể chế, khoa học công nghệ (trong đó có lĩnh vực an toàn hạt nhân), giáo dục, pháp luật, y tế, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai…

Trong chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu vào ngày 2/12 tới, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, hội kiến Chủ tịch nghị viện châu Âu nhằm trao đổi các biện pháp hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của cả hai bên, phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam như: năng lượng, tăng trưởng xanh, đào tạo nghề…

Theo TTXVN

Xem thêm: 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý