Trẻ thiếu máu dễ nhầm với các bệnh khác

tyh tyh @tyh

Trẻ thiếu máu dễ nhầm với các bệnh khác

Điều tra dinh dưỡng trên toàn quốc năm 2009 cho thấy gần 30% trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam bị thiếu máu. Tuy nhiên, bệnh không có biểu hiện rõ ràng nên thường bị bỏ qua hoặc nhầm với các bệnh khác.

11/12/2010 09:43 AM
16,756

So với kết quả khảo sát cách đây 10 năm, tỷ lệ trẻ thiếu máu ở nước ta mới chỉ giảm được gần 5%. Trong đó, tỷ lệ này cao nhất ở vùng núi Tây Bắc 43%, sau đó núi Đông Bắc 34%, còn thấp nhất ở Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trẻ bị thiếu máu khá phổ biến tại nước ta. Tuy nhiên, thực tế là nhiều trẻ chỉ được phát hiện bệnh khi đến bệnh viện khám do một bệnh khác.

Trường hợp con trai chị Dung ở Gia Lâm, Hà Nội là một ví dụ. Mấy hôm vừa rồi thấy con bị sốt cao 39-40 độ, lại thấy sổ mũi, ho chị mới đưa con đến bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm họng mủ. Ngoài ra thấy bé da hơi xanh, bác sĩ chỉ định đi làm thêm công thức máu, kết quả bé bị thiếu huyết sắc tố, thiếu máu.

"Tôi không hề nghĩ trẻ nhỏ cũng bị thiếu máu, thường chỉ nghe thấy bà bầu phải bổ sung sắt thôi. Hay những người thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, hoa mắt mới bị thiếu máu chứ bé vẫn chơi bình thường. Chỉ mỗi việc bé hay ốm vặt", chị Dung nói.

Tiến sĩ Dũng cho biết, biểu hiện của bệnh chung chung, gặp ở nhiều bệnh khác nhau nên thường bị bỏ qua. Với những trẻ thiếu máu nhẹ, biểu hiện chỉ là da hơi xanh, niêm mạc, môi, vành mắt nhợt nhạt. Nặng thì da xanh nhiều, với trẻ lớn có thể thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt còn trẻ nhỏ thì không chịu chơi, quấy khóc kéo dài. Có trẻ bị nặng quá dẫn đến suy tim, khó thở, tim đập nhanh, có cháu bị phù nhưng nói chung ít.

Trẻ bị thiếu máu kéo dài thường kém ăn, ăn không ngon, thậm chí gây chậm phát triển trí tuệ và thể lực. Một số trẻ đi học hay than phiền giảm trí nhớ, học hành sa sút, thiếu tập trung. Trong khi đó để phát hiện bệnh chỉ cần làm xét nghiệm máu đơn giản.

Theo tiến sĩ, nguyên nhân gây bệnh được chia thành 2 nhóm. Trước hết, trẻ thiếu máu có thể do bệnh, hay gặp do giun đặc biệt là giun móc hoặc giun tóc ở vùng nông thôn (giun cắn làm chảy máu). Ngoài ra, trẻ có thể bị bệnh về đường tiêu hóa như chảy máu dạ dày, chảy li ti, mỗi ngày một ít. Với trẻ gái ở tuổi dậy thì cũng hay gặp do rối loạn kinh nguyệt. Có em ngất trên lớp, vào viện thì hóa ra kinh nguyệt ra quá nhiều nhưng bố mẹ không biết, con cũng không nói.

Tuy nhiên, nguyên nhân hay gặp nhất là thiếu máu dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hiện nay, lượng sắt từ bữa ăn của người Việt Nam chỉ thỏa mãn 30-50% nhu cầu về chất này.

"Qua hỏi các bệnh nhân vào viện bị thiếu máu, chúng tôi thấy các cháu ăn lượng sắt trong đạm rất ít, trứng thì một tuần cũng chỉ ăn một quả. Có trẻ thì ăn đủ lượng thịt nhưng lượng rau, củ quả lại quá nhiều, ảnh hưởng đến việc hấp thụ sắt. Có bà mẹ cho con ăn đến 6 loại rau, củ quả trong một bữa ăn. Trẻ đủ dinh dưỡng, chất xơ, vitamin... nhưng thiếu sắt.", tiến sĩ Dũng nói.

Cũng theo tiến sĩ, việc điều trị bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân gây thiếu máu. Nếu là do bệnh thì cần chữa bệnh như tẩy giun, chữa loét dạ dày tá tràng, chữa rối loạn kinh nguyệt. Nếu do chế độ dinh dưỡng thì cần cân bằng lại khẩu phần ăn. Sắt có nhiều trong đạm thực vật, trong rau quả cũng có nhưng khả năng hấp thụ thấp.

Song song chế độ ăn, thì cha mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung sắt, ít nhất là một tháng và nhiều nhất là 3 tháng. Không nên uống trong thời gian dài vì nếu thừa sắt sẽ dẫn đến hiện tượng nhiễm sắt vào gan, lách, phổi, tiến sĩ Dũng khuyến cáo.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý