Trồng rừng ngập mặn – Phát triển kinh tế từ việc bảo vệ rừng

mesu mesu @mesu

Trồng rừng ngập mặn – Phát triển kinh tế từ việc bảo vệ rừng

Trước những lợi ích từ trồng rừng ngập mặn mang lại, hơn một năm qua chính quyền và người dân xã Tam Quang ra sức triển khai dự án phục hồi rừng ngập mặn.

30/12/2015 09:47 AM
37

Đây là một trong những dự án tích cực để giảm thiểu các thảm hoạ thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra, bên cạnh đó dự án còn tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân nơi đây cũng rất hiệu quả.

Vào những năm 1995, người dân xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã chặt bỏ khu rừng ngập mặn hơn 100ha dọc bờ sông Trường Giang để làm ao nuôi tôm. Nhưng được một thời gian thì bỏ hoang do giá tôm xuống thấp và tình trạng sạt lở dọc bờ sông diễn ra nghiêm trọng vào những mùa mưa bão.

Ông Phạm Hồng Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết: “Toàn xã có hơn 1.849 hộ dân, chủ yếu sinh sống bằng nghề biển và sông nước. Ngày trước toàn xã có hơn 100ha rừng ngập mặn, là cây bần, cây đước để chắn sóng bảo vệ làng nhưng do người dân thấy nuôi tôm hiệu quả nên chặt phá hết các cánh rừng ngập mặn này. Đến năm 2007, con tôm hạ giá, kèm với việc thua lỗ nên người dân đành bỏ hoang ao nuôi.

Rừng mất, mỗi mùa gió bão đến chính quyền xã rất lo sợ khu vực đê chắn sóng bị xói lở, nhất là cơn bão số 9 năm 2009, bờ đê chắn sóng và khu vực rừng miếu bị sóng cuốn phăng, sông ăn sâu vào đất liền và ảnh hưởng đến động, thực vật sinh sống như: tôm, cá, cua, chim và cò… dần dần thưa thớt. Trước tình trạng ấy, chính quyền và người dân đã lên kế hoạch khôi phục lại rừng này”.

Trồng rừng ngập mặn – Phát triển kinh tế từ việc bảo vệ rừng

Cánh rừng ngập mặn phát triển xanh tốt tại xã Tam Giang

Để hạn chế tình trạng sạt lở đất và bờ đê trên sông Trường Giang, UBND xã Tam Giang đã cầu cứu đến các cơ quan chức năng huyện Núi Thành có biện pháp hỗ trợ, phục hồi lại cánh rừng ngập mặn.

Trước nguy cơ chịu ảnh hưởng thiên tai do biến đổi khí hậu, giữa năm 2014, UBND xã Tam Giang được huyện Núi Thành và Trường ĐH Kinh tế Huế hỗ trợ 1ha cây đước, cây bần và cây mắm trồng thử nghiệm tại các thôn ở xã Tam Giang. Cho đến nay, kết quả trồng thử đã đạt được kết quả rất khả quan. Dọc các bờ sông Trường Giang, những cánh rừng ngập mặn với hàng chục hecta đã và đang được phục hồi xanh tốt.

Ông Nguyễn Ngọc Chính, thôn Đông Xuân, xã Tam Giang vui mừng nói: “Người dân chúng tôi biết được lợi ích từ việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn và tôi cũng rất vui mừng khi dự án phục hồi rừng ngập mặn được thực hiện tại địa phương. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc rừng trồng, không để người dân chặt phá rừng như những năm về trước".

Trồng rừng ngập mặn – Phát triển kinh tế từ việc bảo vệ rừng

Những cây có đường kính lớn tại rừng ngập mặn.

Hiện nay, dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn do Ban quản lý dự án ứng phó với biến đổi khí hậu huyện Núi Thành triển khai đã hoàn thành cuối tháng 8/2015, với tổng diện tích trồng phục hồi rừng ngập mặn là 27,45ha, trong đó trồng rừng 23,90ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung là 3,55ha, với tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng.

Với mục đích nhằm để bảo vệ các bờ đê, trước những cơn gió bão, sạt lở… việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn là hết sức cần thiết. Nhiều bà con xã Tam Giang cho biết, việc khôi phục rừng ngập mặn hết sức quan trọng đối với chính quyền và người dân xã này, nên bà con đã cùng nhau ký vào cam kết trong quy chế ban hành quản lý và sử dụng rừng ngập mặn có hiệu quả.

Có thể thấy rằng, việc triển khai dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn tại xã Tam Giang đã mang lại những lợi ích nhất định cho người dân nơi đây. Mặc khác dự án còn góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất do thảm hoạ gây ra. Với những lợi ích như vậy, dự án rất cần được triển khai rộng rãi.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý