Trực tiếp: Bầu Kiên cho rằng mình không có tội, bị oan

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Trực tiếp: Bầu Kiên cho rằng mình không có tội, bị oan

Hơn 20 tháng qua, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã gửi nhiều đơn tới cơ quan điều tra, cho rằng không có tội, bị oan nên mong muốn tòa xét xử sớm, công khai để xác định thực chất vụ án là gì.

16/04/2014 10:54 AM
705

Hôm nay (16/4), Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và 8 đồng phạm. Theo dự kiến, phiên xét xử vụ đại án này kéo dài 14 ngày (từ 16/4-29/4).

Ấn F5 để liên tục cập nhật

10h15 Trong phần thủ tục phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên trình bày: "Tôi bị buộc tội Trốn thuế nên yêu cầu người ký văn bản có thẩm quyền thuế có mặt để đối chất. Tôi bị buộc tội trái phép trong khi tất cả các hoạt động kinh doanh đều có phép, nên đề nghị triệu tập Phòng đăng ký kinh doanh HCM và Hà Nội và đại diện các Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... đến tòa".

Bị cáo Kiên cũng đề nghị triệu tập ông Trần Mạnh Hùng, Đỗ Minh Toàn (Chủ tịch Hội đồng tín dụng ACB) và nhiều người khác vì cho rằng những cá nhân, tổ chức trên ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Hơn 20 tháng qua, bị cáo Kiên đã gửi nhiều đơn tới cơ quan điều tra, cho rằng" không có tội, bị oan" nên mong muốn tòa xét xử sớm, công khai để xác định thực chất vụ án là gì.

10h10: LS Lưu Tiến Dũng, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo Trần Xuân Giá cho biết, ngay trước phiên xử, bị cáo Giá đã có đơn xin hoãn phiên tòa. Lý do xin hoãn phiên tòa là vì lý do , bị cáo phải đi cấp cứu nên không thể tham dự phiên tòa. Đề nghị HĐXX căn cứ Điều 187 BLTTHS tuyên bố hoãn phiên tòa.

Tuy nhiên, kiểm sát viên cho rằng, đây là vụ án xét xử dài ngày nên có thể triệu tập trong những ngày tiếp theo.

Đại diện VKSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị HĐXX vẫn tiếp tục xét xử.

Điều 187. Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa

1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của Bộ luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn tránh thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

2. Tòa án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây: a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả; b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.

9h 45: Huỳnh Thị Huyền Như xuất hiện tại phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

 - Ảnh 1

Huỳnh Thị Huyền Như (cựu cán bộ Vietinbank, vừa lĩnh án chung thân) được triệu tập tới tòa lần này với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo hồ sơ vụ án, Huyền Như đã sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt của ACB 719 tỉ đồng và đang trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm.

9h, tòa tiếp tục kiểm tra căn cước các bị cáo và những người liên quan. Thần sắc khuôn mặt của bầu Kiên hôm nay trông khỏe khoắn hơn so với một số hình ảnh lan truyền khi ông còn trong trại giam.

8h15: Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội bắt đầu làm thủ tục phiên tòa, công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử và kiểm tra căn cước các bị cáo. 

8h, bầu Kiên cùng các đồng phạm được đưa vào phòng xử. Bầu Kiên mặc áo sơ mi kẻ sọc, quần âu xanh, đi dép lê. Bên trong phiên tòa có rất đông lực lượng công an làm công tác đảm bảo an ninh phiên tòa.

 - Ảnh 2

 - Ảnh 3

7h30, gia đình và bắt đầu đến làm thủ tục tham dự phiên tòa. Vợ bầu Kiên xuất hiện cùng hai người nhà, khéo léo tránh ống kính của phóng viên và đi thẳng vào trong tòa.

 - Ảnh 4

Vợ của Bầu Kiên cùng hai người nhà hộ tống, xuất hiện.

 - Ảnh 5

Chị khéo léo tránh ống kính của phóng viên.

 - Ảnh 6

Em gái của Trần Ngọc Thanh (áo hoa) đến từ sớm. Ảnh: Văn Tuấn

7h, lực lượng bảo vệ phiên tòa xét xử bầu Kiên cùng 8 đồng phạm đã làm việc. Khu vực trước cổng phiên tòa có cắm biển báo "cấm quay phim chụp ảnh".  Ngay trước giờ xét xử tất cả các ngả đường lực lượng an ninh được thắt chặt.

 - Ảnh 7

Lực lượng bảo vệ bên ngoài phiên tòa xét xử bầu Kiên cùng 8 đồng phạm.

 - Ảnh 8

Chờ làm thủ tục vào tòa xét xử vụ bầu Kiên sáng 16/4.

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Hữu Chính - Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội, Thẩm phán thứ hai ông Nguyễn Quốc Thành - Phó Chánh tòa hình sự, Hội thẩm nhân dân gồm ông Nguyễn Thanh Hà, Bùi Đăng Hiếu và Đinh Hoài Nam.

Thư ký ghi biên bản gồm 2 người là Đinh Quốc Trí và Lê Anh Tuấn (cán bộ TAND TP. Hà Nội). Thẩm phán dự khuyết ông Nguyễn Xuân Hùng và bà Phan Thanh Huyền, Hội thẩm nhân dân dự khuyết gồm ông Nguyễn Văn Nghiên, bà Ngô Thị Yến.

Giữ quyền công tố tại tòa là ông Đào Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện KSND TP. Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thu Yến.

Tham gia bào chữa cho 9 bị cáo trong vụ án có 20 vị luật sư, trong đó bị cáo Nguyễn Đức Kiên có 4 luật sư bào chữa, bị cáo Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn đều có 3 luật sư bào chữ.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị đưa ra xét xử với 4 tội danh: “Kinh doanh trái phép”; “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.

Theo đánh giá của nhiều luật sư, mức án cao nhất của khung hình phạt mà ông Kiên có thể phải nhận là chung thân, nếu bị kết tội.

 - Ảnh 9

Trực tiếp xét xử bầu Kiên: Cấm quay phim chụp ảnh.

Theo cáo buộc, từ năm 1993, ông Kiên sở hữu gần 3,8% cổ phiếu của ngân hàng ACB, giữ chức Phó chủ tịch HĐQT trong 14 năm (1994-2008), Chủ tịch Hội đồng đầu tư ngân hàng ACB trong 9 năm (2003-2012). Trong thời gian này, ông thành lập 6 công ty gồm: Công ty Cổ phần phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty cổ phần đầu tư Thương mại B&B, Công ty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu, Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư Á Châu và công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Cả 6 công ty đều do ông Kiên làm chủ tịch HĐQT.

.

Theo cơ quan công tố, từ ngày 15/5/2007 đến ngày 3/8/2012, thông qua 6 công ty này, ông Kiên đã tổ chức kinh doanh không đúng với giấy phép khi mua bán cổ phần, cổ phiếu, vàng với tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.

Ngoài kinh doanh trái phép, theo cơ quan công tố, ông Kiên còn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), thế chấp 20 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hoà Phát để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ tại ngân hàng ACB. Song với tư cách là chủ tịch HĐQT, ông Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (Giám đốc ACBI), Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng) lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định về việc bán số cổ phần để tạo lòng tin với Công ty TNHH một thành viên Thép Hoà Phát làm công ty này tin số cổ phần này đang được ACBI quản lý, chưa chuyển nhượng và có tranh chấp. Do vậy, ngày 21/5/2012, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thép Hòa Phát đã ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phần này và chuyển 264 tỷ đồng cho Công ty ACBI. Nguyễn Đức Kiên bị cho là chủ mưu lừa đảo trong vụ này và Thanh, Yến là đồng phạm giúp sức.

Ở cáo buộc cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ngoài ông Kiên còn có nhiều lãnh đạo cao cấp của ACB bị cho có liên quan.

9 bị cáo hầu tòa gồm:

1. Nguyễn Đức Kiên, 50 tuổi, bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép. 

2. Trần Xuân Giá, 75 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Lê Vũ Kỳ, 58 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Trịnh Kim Quang, 60 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

5. Phạm Trung Cang, 60 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

6. Lý Xuân Hải, 49 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

7. Huỳnh Quang Tuấn, 56 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Khung hình phạt theo tội danh với ông Giá, Quang, Cang, Hải và Tuấn từ 10 đến 20 năm tù.

8. Trần Ngọc Thanh, 62 tuổi, bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

9. Nguyễn Thị Hải Yến, 45 tuổi, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khung hình phạt với bị cáo Thanh, Yến từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Nhóm phóng viên

Xem thêm clip: Lời khai của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường tại tòa

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý