Trung Quốc đã bồi lấp đảo Chữ Thập thành đảo lớn nhất Trường Sa

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Trung Quốc đã bồi lấp đảo Chữ Thập thành đảo lớn nhất Trường Sa

Theo thông tin báo chí đã nêu, ở đảo Chữ Thập, Trung Quốc đã bồi lấp thành đảo lớn nhất Trường Sa, khoảng 49 ha, lớn hơn cả đảo Ba Bình vốn lớn nhất trước đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn chiều 19/11.

19/11/2014 07:58 PM
769

Đăng đàn tại phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 19/11, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) bày tỏ sự lo lắng khi Trung Quốc xây dựng trái phép ở các đảo Gạc Ma, Chữ Thập trên Biển Đông.

"Mong Thủ tướng cho biết kế sách của Chính phủ như thế nào để bảo vệ trọn vẹn chủ quyền và quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc?", đại biểu Nam băn khoăn.

Cùng chung nỗi lo, đặc biệt là sau sự kiện Hải Dương 981 vừa qua, thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với Biển Đông và Trung Quốc một cách ngắn gọn nhất.

Thủ tướng khẳng định, đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988.

"Theo thông tin báo chí đã nêu, ở đảo Chữ Thập, Trung Quốc đã bồi lấp thành đảo lớn nhất Trường Sa, khoảng 49 ha, lớn hơn cả đảo Ba Bình vốn lớn nhất trước đây", Thủ tướng cho biết và khẳng định lập trường phản đối của Việt Nam vì điều này vi phạm Tuyên bố DOC.

Theo người đứng đầu Chính phủ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ lập trường này. Tại hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua, đích thân Thủ tướng đã thay mặt Chính phủ phát biểu tại các hội nghị. Trong các hội nghị đó có lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc.

"Chúng ta bày tỏ công khai, rõ ràng lập trường của mình", Thủ tướng nêu.

 - Ảnh 1

Thủ tướng khẳng định, đối với Trung Quốc hay với bất kỳ nước nào trên thế giới, Việt Nam đều thực hiện thống nhất đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đó là độc lập tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa phát triển... Điều này cũng được quy định rõ trong Hiến pháp.

Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng, dù mưa nắng, bão lũ vẫn là láng giềng.

“VN mãi mãi mong muốn cùng Trung Quốc chân thành hợp tác, thực hiện thực chất 16 chữ”. Ông nhấn mạnh là “cần thực chất”, để giải quyết bất đồng theo luật pháp quốc tế, theo thỏa thuận lãnh đạo cấp cao hai nước.

Thủ tướng nêu Việt Nam đang làm hết sức mình như thế và muốn cùng Trung Quốc thịnh vượng, có giải pháp để hai bên cùng chấp nhận được những tranh chấp.

Với đề nghị Thủ tướng nói ngắn nhất, đầy đủ nhất về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc từ sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam, Thủ tướng nói “vấn đề này khó” nhưng ông đã thẳng thắn nêu sáu chữ: “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.

Ông giải thích: Ta vừa hợp tác vừa đấu tranh không chỉ với Trung Quốc mà với các nước, để có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, để cùng có lợi, cùng thịnh vượng, để bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng, để bảo vệ lợi ích chính đáng...

"Như vậy mới có hòa bình, hữu nghị, tin cậy và cùng có lợi, cùng phát triển thịnh vượng cũng như bảo vệ được độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

20 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sau câu trả lời về tình hình Biển Đông, do hết giờ, Thủ tướng hứa sẽ trả lời hết các đại biểu sau và sẽ công khai trên cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý