Trung Quốc tham vọng bá quyền thương mại toàn cầu

ban ban @ban

Trung Quốc tham vọng bá quyền thương mại toàn cầu

Ôm mộng làm bá chủ chi phối nền thương mại toàn cầu, Trung Quốc đang tiến hành những bước đi ngoạn mục với việc xây dựng các tổ chức lớn trong các lĩnh vực.

25/05/2015 10:37 AM
572

Năng lượng

Tháng 4 vừa qua, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã đạt kỷ lục với 7,4 triệu thùng/ngày, vượt qua cả Mỹ là 7,2 triệu thùng/ngày. Như vậy Trung Quốc trở thành quốc gia sử dụng nguồn năng lượng này lớn nhất hành tinh.

Điều này khá bất ngờ khi đã đi ngược lại dự đoán của nhiều chuyên gia: trong bối cảnh nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang chậm lại, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc dự kiến sẽ "hạ nhiệt".

   - Ảnh 1

Thống kê năm 2013 cho thấy Trung Quốc cũng từng "qua mặt" Mỹ về nhập khẩu dầu thô

Với việc trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường năng lượng toàn cầu. Từ đó, nước này hoàn toàn có khả năng thao túng thị trường năng lượng toàn cầu.

Ông Philip Andrews-Speed - trưởng bộ phận nghiên cứu an ninh năng lượng tại đại học NUS (Singapore) nhận định: “Vị thế của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất sẽ mang lại cho Trung Quốc nhiều quyền lực về định giá mua hơn. Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia quan trọng với các nước Trung Đông và ngược lại, Trung Đông cũng sẽ trở nên quan trọng hơn với Trung Quốc”.

Vàng

Không chỉ "hồi sinh" Con đường Tơ lụa kết nối giao thương từ Đông sang Tây vì mục đích thương mại, Trung Quốc còn có kế hoạch khai thác các mỏ vàng trên con đường huyết mạch này.

Theo đó, Con đường Tơ lụa mà Trung Quốc đang xúc tiến xây dựng lại bao gồm 2 hệ thống: trên bộ và đường biển, đi qua 65 quốc gia và lãnh thổ, trong số này có nhiều khu vực sở hữu những quặng vàng lớn của châu Á như Afghanistan và Kazakhstan.

   - Ảnh 2

Con đường Tơ lụa đang dần bị Trung Quốc thao túng

Tin tức từ Tân Hoa xã hôm 23/5 cho hay Bắc Kinh quyết định thành lập quỹ vàng nhằm mục đích hỗ trợ cho các dự án và hoạt động khai thác quặng mỏ ở những quốc gia nằm trên Con đường Tơ lụa.

Quỹ vàng dự kiến sẽ có nguồn vốn trên 100 tỷ NDT (tương đương 16,1 tỷ USD), được xem là quỹ vàng lớn nhất thế giới. Các nước trên Con đường Tơ lụa được Bắc Kinh chào mời góp vốn.

Hiện nay, Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Nếu thực hiện thành công kế hoạch thông qua chuỗi hệ thống khai thác và thị trường tiêu thụ từ châu Á sang châu Âu theo Con đường Tơ lụa, Bắc Kinh sẽ không khó trở thành "bá chủ" về vàng.

Tiền tệ

   - Ảnh 3

AIIB được thành lập từ sự khởi xướng của Bắc Kinh

Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc – ông Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB).

Hiện nay, Bắc Kinh đang nỗ lực khiến đồng NDT được sử dụng nhiều hơn trên thị trường quốc tế, ngang tầm với vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cùng với tuyên bố muốn đưa đồng NDT trở thành đồng tiền được giao dịch chủ yếu trên thế giới, với việc khởi xướng thành lập AIIB, Trung Quốc tiếp tục "nuôi" tham vọng cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chịu ảnh hưởng lớn của Nhật và Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ chi phối.

Dự kiến, AIIB sẽ có mức vốn ban đầu là 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là quốc gia góp vốn lớn nhất với khoảng 30%. Ấn Độ là nước tham gia góp vốn lớn thứ hai với khoảng từ 10 đến 15%.

Tổng cộng, các nước châu Á sẽ sở hữu 72 đến 75% vốn góp vào AIIB. Phần còn lại thuộc về các quốc gia ở châu Âu và những khu vực khác. Đặc biệt, việc thành lập AIIB đã thu hút được Anh, Australia, Ấn Độ và Ả Rập Saudi - những đồng minh của Mỹ.

Trả lời New York Times, giáo sư Hugh White của Đại học Quốc gia Australia (ANU) đánh giá: “Bạn bè và đồng minh Mỹ khá sẵn lòng nhượng bộ với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc bất chấp Mỹ phản đối”.

Sau cuộc họp từ ngày 20 - 22/5 tại Singapore để thảo luận về các chính sách hoạt động của AIIB, các trưởng đoàn đàm phán của 57 nước tham gia AIIB với tư cách là thành viên sáng lập cho biết ngân hàng này sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2015.

Những kế hoạch kể trên của Trung Quốc đã phần nào thể hiện tham vọng trở thành "bá chủ" thao túng nền thương mại toàn cầu của nước này. Nếu thành công và từng bước nắm giữ "quyền sinh quyền sát" với thị trường giao dịch vàng, dầu mỏ và tiền tệ thì trong tương lai không xa, "giấc mộng bá vương" sẽ không còn xa.

   - Ảnh 4

Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng với Mỹ

Tuy nhiên, điều này không phải "dễ xơi" khi Mỹ hiện đang vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và có ảnh hưởng quan trọng tới sự tăng trưởng toàn cầu. Liệu rằng, Mỹ có khoanh tay đứng nhìn khi "ngôi vương" bị chiếm mất?

Kiều Hương

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý