Trước vấn nạn dùng axit để giải quyết mâu thuẫn: Kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật về tội phạm tạt axit

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Trước vấn nạn dùng axit để giải quyết mâu thuẫn: Kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật về tội phạm tạt axit

Hành vi tạt a xít vào người khác luôn gây ra hậu quả nặng nề. Một số chuyên gia pháp lý kiến nghị sửa đổi quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tạt axit để có tính răn đe, phòng ngừa chung.

25/08/2014 10:30 AM
685

“Giải quyết” mâu thuẫn bằng a xít

Ngày 19/8/2014, TAND huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Nguyễn Minh Tiên (35 tuổi), nguyên là giáo viên dạy môn tiếng Anh tại Trường THCS Tân Phú, huyện Thanh Bình.

Theo cáo trạng, trước đó, Tiên có mâu thuẫn với ông Nguyễn Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Bình (nơi Tiên đã công tác từ năm 2005 đến trước tháng 10/2013) và bức xúc về việc vợ mình là cô Dương Quế Anh bị Phòng GD-ĐT huyện Thanh Bình cách chức hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Tân Mỹ. Từ đó, Tiên nảy sinh ý định trả thù đối với ông Đỗ Phước Vĩnh (Trưởng Phòng GĐ-ĐT huyện Thanh Bình) cùng với ông Chiến. Khoảng tháng 2/2014, Tiên có nhờ bạn đồng nghiệp mua giùm 1 lít axit đựng trong 2 chai thủy tinh rồi mang về nhà cất giấu.

Đến khoảng 14 giờ 30 phút ngày 21/3/2014, Tiên pha thêm nước vào axit rồi cho vào vỏ chai nhựa và 1 phích nhựa dùng đựng nước uống cho học sinh tiểu học. Sau đó, Tiên mang toàn bộ số axit này đến Phòng GĐ-ĐT huyện Thanh Bình để tìm ông Vĩnh nói chuyện. Trong lúc đôi bên cùng nhau giải quyết những thắc mắc thì bất ngờ Tiên tạt axit vào mặt và mắt ông Vĩnh. Do không chịu nổi sức nóng của axit nên nạn nhân cố gắng tìm nước rửa nhưng bị hung thủ chặn cửa lại không cho ra ngoài. Sau khi phát hiện tiếng kêu cứu từ nạn nhân, ông Đinh Văn Cạng (Phó Phòng GD-ĐT huyện Thanh Bình) đi lại gần đến hiện trường thì cũng bất ngờ bị Tiên lấy ly đựng axit tạt vào mặt gây thương tích. Chưa dừng lại ở đó, Tiên cầm chai nhựa đựng axit chạy đến Trường THCS Thanh Bình tìm ông Chiến để tiếp tục gây án. Tuy nhiên, trên đường đi ở hành lang của trường, do có va chạm với cô Nguyễn Thị Minh Trang nên Tiên đã dùng ca nhựa đựng axit rồi tạt vào mặt giáo viên này. Ngay sau đó, ông Chiến cũng dính phải ca axit ở vùng mặt do Tiên gây ra.


Theo kết luận giám định, ông Vĩnh bị thương tật vùng mặt và mắt với tỉ lệ xếp loại tạm thời là 25%, ông Chiến 17%, cô Trang 15%, riêng ông Cạng bị thương tật vĩnh viễn với tỉ lệ 28% ở vùng mặt và mắt trái. Kết thúc phiên xét xử, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tiên mức án 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Tiên phải bồi thường cho các bị hại hơn 175 triệu đồng.

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ tát a xít gây hậu quả thương tâm đã xảy ra. Tối 3/8/2013, gia đình anh Đ ở phường Cửa Bắc (TP Nam Định) gồm 5 người đang ngồi ăn cơm thì thấy gã thợ mới bị gia đình đuổi việc tên là Đặng Đình Hải (SN 1990, ngụ tại xã Mỹ Hưng, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Định), xộc thẳng vào nhà. Khi mọi người còn chưa kịp phản ứng thì bị can axit đậm đặc trên tay tên Hải hắt thẳng vào đầu, mặt, cổ khiến cả gia đình hét lên kinh hoàng rồi quằn quại trong đau đớn. Cả 5 nạn nhân bị bỏng axit nặng. Các nạn nhân may mắn được cấp cứu nên không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sức khỏe bị tổn hại rất nặng nề, vết thương ảnh hưởng lớn đến thẩm mĩ.


Bị cáo Nguyễn Minh Tiên bị TAND huyện Thanh Bình, Đồng Tháp tuyên phạt 4 năm tù

Trước đó, vào khoảng 20h ngày 1/6/2013, một vụ tạt axit dã man cũng đã xảy ra tại bến xe buýt trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) khiến dư luận bàng hoàng. Khi đó anh Nguyễn Văn C (SN 1985, quê huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đang đứng chờ xe buýt trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) thì bất ngờ bị một người phụ nữ xách một xô đựng axit lao tới hất thẳng vào người. Thủ phạm được xác định là Trần Thị Hiệp (SN 1986) người vợ đang làm thủ tục ly hôn với anh C.

Xử về tội danh nào là thỏa đáng?

Hiện nay hầu hết những kẻ tạt a xít chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” trong khi hành vi tạt axit gây thương tật rất nặng nề, nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, có ý kiến cho rằng hình phạt đối với hung thủ chưa có tính răn đe. Một chuyên gia pháp lý phân tích: Xét về ý thức chủ quan, động cơ mục đích phạm tội thì kẻ tạt axit hầu hết chỉ muốn hủy hoại về sức khỏe, nhan sắc, “dằn mặt” đối phương chứ không cố ý tước đoạt tính mạng. Chính vì thế nhiều trường hợp chỉ có thể truy cứu về tội “Cố ý gây thương tích”.

Theo phân tích, về mặt pháp lý, hành vi tạt axit có thể truy tố theo 2 tội danh “Cố ý gây thương tích” hoặc “Giết người”, tùy theo tính chất hành vi và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Muốn xác định một hành vi là gây thương tích hay giết người, phải căn cứ vào hành vi khách quan, động cơ, mục đích, hậu quả thương tật... Thực tế, nạn nhân bị bỏng do tạt axit thường có tỉ lệ sống cao, không tử vong ngay hoặc không có khả năng tử vong ngay. Vậy nên thường khó quy kết các đối tượng gây án bằng axit về tội giết người, trừ khi hậu quả chết người xảy ra tức khắc.

Bên cạnh đó, ý thức chủ quan của kẻ gây án chỉ là xâm phạm sức khỏe của nạn nhân, hành vi khách quan chỉ gây sát thương chứ không dẫn đến hậu quả chết người. Tuy nhiên, khác với những kẻ giết người có thể bột phát gây án, còn kẻ gây thương tích bằng axit bao giờ cũng có sự chuẩn bị, tính toán rất kỹ lưỡng, chọn thời điểm mới tấn công... Đây chính là yếu tố mà cơ quan pháp luật lưu ý để áp dụng tình tiết tăng nặng.

Theo một số chuyên gia, để xác định đó là hành vi giết người, phải căn cứ vào nồng độ đậm đặc của axit, vị trí tạt axit (đầu, mặt), hành vi phạm tội quyết liệt đến cùng thể hiện việc cố ý tước đoạt tính mạng nạn nhân... Những trường hợp đó, không thể căn cứ vào hậu quả chết người có xảy ra hay không, vì tội giết người có cấu thành hình thức. Mặc dù, khi lượng hình về tội “Cố ý gây thương tích” trong trường hợp tỉ lệ thương tật cao và tội “Giết người” chưa đạt thì hình phạt cũng tương đương nhau, nhưng nếu bị định tội danh “Giết người” bao giờ hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn.

Trước vấn nạn dùng axit để giải quyết mâu thuẫn một cách tàn ác, một số luật gia kiên nghị, liên ngành tố tụng cần sớm có hướng dẫn riêng về loại hành vi này, chỉ rõ trường hợp nào xử về tội “Giết người”, trường hợp nào là “Cố ý gây thương tích” để pháp luật vận dụng thống nhất, đồng bộ. Bên cạnh đó, kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự về tội phạm tạt axit để có tính răn đe, phòng ngừa chung.

Phương Nam

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý