Trường hợp nào CSGT được phép dùng súng bắn người?

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Trường hợp nào CSGT được phép dùng súng bắn người?

CSGT được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ được sử dụng trong các các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 22 của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011.

06/05/2015 08:15 AM
166

 

Vào 12h ngày 3/5, tổ công tác do thiếu úy Trung làm tổ trưởng phát hiện anh Nguyễn Thanh Nghĩa (27 tuổi, trú phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) đi xe máy không đội mũ bảo hiểm nên yêu cầu dừng xe. Cảnh sát cho hay hai người vi phạm giao thông không hợp tác mà còn giằng co, qua lại. Thiếu úy Trung sau đó đã rút súng đạn cao su bắn một phát chỉ thiên và một phát vào người anh Nghĩa gây thương tích nhẹ ở vùng bụng phải.

http://media.vietq.vn/files/v2/csgt_doa_dan_AYAD.jpg.jpg

 

Trao đổi với PV Báo Người đưa tin về vụ việc trên, Luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình (Công ty luật Vinh Đức – Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tùy thuộc vào kết quả điều tra, xác minh, mức độ vi phạm của thiếu úy cảnh sát giao thông này, cơ quan pháp luật sẽ có hình thức xử lý hành vi vi phạm tương ứng theo quy định pháp luật.

Cụ thể, theo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 quy định việc xử lý vi phạm như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Trước câu hỏi trường hợp nào thì cảnh sát giao thông được phép dùng súng bắn người vi phạm giao thông? LS Thanh Bình cho hay, theo quy định tại Điều 33, Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 thì CSGT được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ được sử dụng trong các các trường hợp quy định tại khoản 3 - Điều 22 của Pháp lệnh này.

 

Cụ thể khoản 3 - Điều 22 Pháp lệnh này quy định, người thi hành nhiệm vụ chỉ được nổ súng khi thuộc các trường hợp sau đây:

Một, đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác.

Hai, đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Ba, đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ.

Bốn, đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Năm, đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại.

Sáu, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, người thi hành nhiệm vụ được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau:

Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin; Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin.

Bảy, động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Theo quan sát, trong video về cuộc đôi co giữa cảnh sát giao thông và người tham gia giao thông bị bắn đăng tải trên một số báo điện tử, người cảnh sát tham gia tuần tra được cho rằng là không mặc quân phục khi làm nhiệm vụ.

Trường hợp này nếu đúng, LS Thanh Bình cho biết: Theo quy định Điều 9 - Thông tư 65/2012/ TT- BCA ngày 30/10/2012 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ; CSGT khi tuần tra, kiểm soát công khai phải sử dụng trang phục theo đúng quy định của Bộ Công an. Trừ trường hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại Điều 10- Thông tư này.

LS Thanh Bình chia sẻ thêm, trong trường hợp người vi phạm giao thông gặp cảnh sát giao thông không mặc quân phục thì người tham gia giao thông cần bình tĩnh mời những người xung quanh khu vực tham gia chứng kiến sự việc, chụp ảnh hoặc ghi âm, ghi hình người đó làm bằng chứng.

Ngoài ra, người tham gia giao thông nên yêu cầu người đó xuất trình Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ theo quy định của Bộ Công an hoặc cung cấp thông tin về họ tên, số hiệu công an nhân dân, đơn vị công tác, mục đích dừng xe của mình để làm gì?

Mộc Miên 

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý