Truy tố nguyên Giám đốc chi nhánh Agribank gây thiệt hại 600 tỷ đồng

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Truy tố nguyên Giám đốc chi nhánh Agribank gây thiệt hại 600 tỷ đồng

Bằng việc làm giả hồ sơ vay vốn, các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền cả gốc và lãi của Agribank Chi nhánh 7 là hơn 600 tỷ đồng mà không có khả năng thanh toán.

22/11/2014 11:41 AM
4,980

Theo tin tức trên báo Vietnamnet, ngày 21/11 VKSND tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 9 bị can về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi nhánh 7 (Agribank Chi nhánh 7), Công ty TNHH Thương mại Mai Khôi (Công ty Mai Khôi) và một số đơn vị liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ vụ án và quyết định truy tố ra trước TAND TP HCM.

Đáng chú ý, trong đó có nhóm bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên Agribank chi nhánh 7 gồm: Phạm Văn Cử (SN 1961), nguyên giám đốc; Kiều Đình Thọ (SN 1980), nguyên trưởng phòng kế hoạch kinh doanh; Đỗ Thị Thu Hà (SN 1974), nguyên phó Phòng Kế hoạch kinh doanh Agribank Chi nhánh 7, bị truy tố về tội “Vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị can Phạm Trịnh Thắng, Chủ tịch HĐTV công ty TNHH thương mại Mai Khôi, và 5 bị can khác là giám đốc các doanh nghiệp bị đề nghị truy tố về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

 - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Theo cáo trạng, Phạm Văn Cử được Agribank bổ nhiệm làm giám đốc Agribank 7 có nhiệm vụ điều hành hoạt động kinh doanh, dịch vụ của Chi nhánh theo đúng thẩm quyền và quy định về việc cho vay trong hoạt động tín dụng, đảm bảo an toàn vốn, có lãi.

Tuy nhiên, do có với Phạm Trịnh Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Mai Khôi và Dương Thị Kim Luyến, Giám đốc Công ty Mai Khôi. Từ tháng 11/2008 đến tháng 3/2011, Phạm Đình Cử đã ký 5 hợp đồng tín dụng và mở hợp đồng mua bán ngoại thương (L/C) cho Công ty Mai Khôi vay vốn kinh doanh gạo và phân bón.

Để hợp thức hoá, Thắng đã thoả thuận với nhóm các giám đốc công ty tư nhân ký khống 14 hợp đồng mua bán hàng hoá, xuất hoá đơn giá trị gia tăng làm hồ sơ giả, chứng minh mục đích sử dụng vay vốn. Phạm Đình Cử đã chỉ đạo cấp dưới cho vay mà không thẩm tra thực hiện đúng các quy định.

Đến khi vay được tiền, Thắng và Luyến đã không sử dụng số tiền vay được vào kinh doanh gạo, chỉ sử dụng một phần vào kinh doanh phân bón, phần lớn còn lại sử dụng trả nợ cho lần giải ngân trước và đầu tư bất động sản, làm dự án xây dựng nhà ở cao tầng- trung tâm thương mại.

Tính đến nay, các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền cả gốc và lãi của Agribank Chi nhánh 7 là hơn 600 Tỷ đồng mà không có khả năng thanh toán.

Trước đó, theo báo Vnexpress, liên quan đến hàng loạt sai phạm tại ngân hàng Agribank, hồi đầu năm, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động tín dụng, đầu tư tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2009-2011.

Theo đó, hoạt động đầu tư tài chính của Agribank được Thanh tra Chính phủ khẳng định là không hiệu quả, có nhiều vi phạm, thậm trí dẫn tới mất vốn rất lớn hoặc nguy cơ thiệt hại lớn. Trong 3 năm 2009-2011, các công ty con 100% vốn đầu tư của Agribank đã thua lỗ gần 9.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hai công ty cho thuê tài chính ALC I và ALC II có nhiều vi phạm nghiêm trọng, lỗ lớn, mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu.

Thanh tra cũng xác định nhiều vi phạm của Agribank khi xác định giá trị quyền sử dụng đất tại 2 doanh nghiệp trực thuộc, sai phạm hơn 8 tỷ đồng trong đầu tư xây dựng, buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại Trung tâm Công nghệ thông tin (một cán bộ tham ô, chiếm đoạt của Nhà nước hơn 33 tỷ đồng)…

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã đưa ra một số kiến nghị với Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và bản thân Agribank về việc xử lý vi phạm, khắc phục hậu quả cũng như chuyển một số vụ việc sang cơ quan điều tra.

Điều 179. Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng

1. Người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến bảy năm:

a) Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật;

b) Cho vay quá giới hạn quy định;

c) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm.

Gia Huy (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý