Truyền hình thực tế Việt 2014: Âm nhạc xuống dốc, hài kịch lên ngôi

msstit msstit @msstit

Truyền hình thực tế Việt 2014: Âm nhạc xuống dốc, hài kịch lên ngôi

(Ngoisao.vn) Nếu như các chương trình truyền hình âm nhạc từng làm mưa làm gió trong nhiều năm qua thì năm 2014 là sự lên ngôi của nhiều chương trình hài kịch mang đậm tính giải trí.

20/12/2014 09:01 PM
4,094

Những năm trở lại đây, truyền hình thực tế du nhập về Việt Nam và phát triển một cách vượt bậc. Cứ mỗi tối, đặc biệt là dịp cuối tuần, các chương trình truyền hình thực tế lại đồng loạt lên sóng. Đứng trước nhiều sự lựa chọn, những chương trình có nội dung mới lạ, hấp dẫn tất nhiên sẽ thu hút sự chú ý và quan tâm của khán giả.

Âm nhạc xuống dốc

1. Khi khán giả bị “bội thực”

"Thần tượng âm nhạc Việt NamVietnam Idol" là một show truyền hình ăn khách vào thời điểm nó xuất hiện. Chương trình đã trải qua 5 mùa giải và tìm được những tài năng âm nhạc nổi trội. Tuy nhiên, sự lặp đi lặp lại một cách thiếu đột phá cùng với sự ra đời của nhiều chương trình khác đã làm mất đi thế độc tôn của chương trình này.


Vietnam's Idol đã mất thế độc tôn sau 5 mùa giải

Sau một mùa giải làm khuynh đảo làng nhạc Việt, bước sang mùa thứ 2 thì “The Voice Kids - Giọng Hát Việt Nhí” giảm sức hút một cách đáng kể. Một mùa giải không gây được tiếng vang và kết thúc một cách mờ nhạt.

Ngay đến cả những chương trình với format hoàn toàn mới mẻ như “Học viện ngôi sao”, “ Tuyệt đỉnh tranh tài” hay “Ngôi sao Việt” cũng diễn ra một cách tẻ nhạt và thiếu dấu ấn. Những cá tính âm nhạc đều đều, không nổi trội cùng việc nhiều show mọc lên đồng loạt đã làm cho chương trình bị khán giả quên lãng.


"Học viện ngôi sao" diễn ra và kết thúc một cách mờ nhạt

Vào dịp cuối năm, mùa giải thứ 3 của “Cặp đôi hoàn hảo” chính thức ra mắt. Tuy có sự 'thay máu' về mặt nội dung nhưng với sự cạnh tranh của nhiều chương trình hiện nay, “Cặp đôi hoàn hảo” vẫn chưa tạo được sức hút đặc biệt so với những gì đã làm được ở mùa giải thứ nhất.

2. Kém hấp dẫn về mặt nội dung

Có một thực tế dễ dàng nhận thấy rằng, hầu hết các show truyền hình âm nhạc hiện nay đều mang nội dung tương tự và thiếu tính riêng biệt. Việc “thí sinh hát - giám khảo nói” khiến cho người xem cảm thấy ngán ngẩm. Nếu như “Giọng Hát Việt Nhí” ghi điểm ở vòng giấu mặt thì đến vòng liveshow lại trở nên đuối sức và dài dòng về mặt nội dung.

Ngay cả show truyền hình “The X- Factor - Nhân tố bí ẩn 2014” được đầu tư một cách quy mô cũng bị khán giả "ghẻ lạnh". Sức nóng của bộ tứ quyền lực không cứu nổi một mùa giải tẻ nhạt, dài dòng và thiếu điểm nhấn.


Sức nóng từ bộ tứ quyền lực không cứu nổi chương trình

Sự lặp đi lặp lại một cách nhàm chán và thiếu điểm nhấn đã làm cho nhiều chương trình mất đi vị thế vốn có. Chưa kể đến việc, một chương trình âm nhạc, một cuộc thi tìm kiếm tài năng thì thí sinh luôn là điều cốt lõi làm nên thành công của chương trình. Sự xuất hiện nhẵn mặt của một số thí sinh hết cuộc thi này đến cuộc thi khác làm cho nhiều người cảm thấy ngán ngẩm.


Mùa thứ 2 của "Giọng Hát Việt Nhí" không còn thu hút như trước

Trong sự quá tải của nhiều show truyền hình thực tế hiện nay, để có được một format hấp dẫn, mới lạ và không gây nhàm chán là một điều không phải dễ dàng.

Hài kịch lên ngôi

1. Mới lạ, ít cạnh tranh

Nếu như năm 2014 là sự xuống dốc của các show truyền hình âm nhạc thì hài kịch lại tạo được tiếng vang và có chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng.

Hai trong số những chương trình nổi bật và thu hút sự quan tâm của công chúng trong năm 2014 là “Người bí ẩn” và “Ơn giời! Cậu đây rồi!”. Sự mới lạ từ nội dung đến hình thức đã kéo về cho chương trình một lượng khán giả không hề nhỏ.

Ngay từ khi ra mắt, “Người bí ẩn” bật lên thành một chương trình thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Nội dung mới mẻ và “độc quyền” đã giúp cho chương trình không bị trộn lẫn vào bất cứ chương trình nào khác. Việc "tìm ra người thật trong số những người giả” và ngược lại “tìm ra người giả trong số những người thật” tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại tạo được sự thú vị và lôi cuốn riêng biệt.


"Người bí ẩn" là một trong những show thành công nhất trong năm 2014

Vào những tháng cuối năm, chương trình truyền hình “Ơn giời! Cậu đây rồi!” ra đời như một cứu cánh sau nhiều chương trình tẻ nhạt và ảm đạm. Chương trình giúp cho người xem khám phá kỹ năng ứng biến, cũng như khả năng tiềm ẩn chưa được khai thác của nhiều anh chị em nghệ sĩ. Tính mới mẻ và vui nhộn đã giúp chương trình có một chỗ đứng riêng trong lòng khán giả.

2. Tính giải trí cao

Ngoài những mục đích sâu xa thì việc “mang lại niềm vui cho khán giả” chính là tiêu chí tiên quyết của hầu hết các chương trình truyền hình. Chính vì vậy, việc thể hiện rõ nét tính giải trí đã giúp cho nhiều chương trình chiếm được cảm tình của khán giả.

Sau một ngày, một tuần làm việc mệt nhọc, những chương trình vui nhộn, giải trí, sáng tạo giúp người xem thư giãn, giải tỏa áp lực và lấy lại tinh thần. Chính vì vậy, việc chọn lựa thưởng thức một chương trình mang tính giải trí là một lựa chọn phù hợp, thay vì những chương trình mang nặng tính thi cử.


Tính giải trí cao đã giúp "Ơn giời! Cậu đây rồi!" thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả

“Người bí ẩn”“Ơn giời! Cậu đây rồi” thành công trong việc mang lại niềm vui, tiếng cười cho khán giả. Cả hai show đều không đặt nặng vấn đề thi cử, thắng thua. Tiêu chí, mục đích cũng như sự thành công ở cả hai chương trình chính là “mang lại niềm vui, tiếng cười cho khán giả”.

Kết

Với sự “bùng nổ” của truyền hình thực tế hiện nay, việc nhiều chương trình bị khán giả lãng quên là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, để có được chỗ đứng, mỗi chương trình cần tìm cho mình một hướng đi, một công cuộc "lột xác" và "thay máu" để lấy lại niềm tin yêu của đông đảo người hâm mộ. Hy vọng rằng, truyền hình thực tế năm 2015 sẽ bước sang một trang mới: mới lạ hơn, chuyên nghiệp hơn và tươi trẻ hơn!

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý