TS. Lưu Bình Nhưỡng, Văn phòng Ban chỉ đạo CCTP Trung ương: Tòa án phải là trụ cột, là trung tâm nắm và thực hiện quyền tư pháp

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Văn phòng Ban chỉ đạo CCTP Trung ương: Tòa án phải là trụ cột, là trung tâm nắm và thực hiện quyền tư pháp

Congly.vn Thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND nói riêng và các luật có liên quan là vấn đề rất quan trọng, bức thiết.

12/09/2014 09:33 AM
647

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Chánh Văn phòng kiêm Vụ trưởng - Trưởng ban III, Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương xung quanh vấn đề này:

Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền tư pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp là Tòa án. Vậy, nội hàm của quyền này được hiểu như thế nào cho phù hợp, thưa ông?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Quyền tư pháp là một loại quyền lực trong chỉnh thể quyền lực Nhà nước, gồm các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Quyền tư pháp là quyền lực mang tính kiểm soát - bảo vệ - giải quyết - xử lý các xung đột pháp lý và vi phạm pháp luật. Tư pháp không phải là quyền làm luật, không phải là quyền tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội mà có nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ, xử lý các cá nhân, tổ chức, cơ quan có liên quan đến các vi phạm, tranh chấp. Hoạt động kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền lập pháp chính là ở chỗ tiếp nhận, giải thích, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành khi áp dụng pháp luật. Đồng thời, kiểm soát hoạt động lập pháp nhằm bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp khi có khiếu kiện của cá nhân công dân, các cơ quan, tổ chức về các vấn đề liên quan đến Hiến pháp.

Việc kiểm soát của tư pháp đối với hành pháp được thực hiện trên một phạm vi khá rộng, gồm: Kiểm soát hành vi lập quy của cơ quan hành pháp; kiểm soát giá trị, hiệu lực, tính đúng đắn của các văn bản pháp quy của cơ quan hành pháp khi áp dụng pháp luật; kiểm soát hoạt động tư pháp của các cơ quan điều tra, truy tố, thi hành án; kiểm soát hoạt động giải quyết và các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của hệ thống các cơ quan hành pháp.

Trong thực tiễn, việc Tòa án làm ra án lệ (được hiểu là “làm luật”) cũng không thể coi Tòa án là cơ quan lập pháp. Án lệ được làm ra với mục đích riêng khi giải quyết vụ án, việc kiện vẫn phải đảm bảo yêu cầu căn bản là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật chung, án lệ đó sẽ không tồn tại khi có quy phạm pháp luật thay thế.

PV: Vậy, xét về nội hàm, quyền tư pháp ngoài quyền xét xử, quyền kiểm soát cơ quan lập pháp và hành pháp, Tòa án còn có những quyền nào khác, thưa ông?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Quyền tư pháp, xét theo nghĩa hẹp, là quyền xét xử, đây là chức năng đầu tiên, quan trọng nhất của quyền tư pháp, được giao cho Tòa án thực hiện. Việc xét xử không chỉ giới hạn đơn thuần ở các vụ án, các việc trong phạm vi thẩm quyền của Tòa án mà có tính bao trùm cả không gian, thời gian, chủ thể, đối tượng có liên quan. Quyền tư pháp gồm cả quyền giải thích luật. Trong quá trình thực hiện quyền tư pháp, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tòa án là phải giải thích được các quy phạm pháp luật để áp dụng vào vụ, việc, chủ thể cụ thể. Điều này là vô cùng cần thiết, không thể thiếu của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, giúp cho cơ quan thực hiện quyền tư pháp tránh được hành vi xử sự theo cảm tính, dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất, gây bất công trong xã hội.

TS. Lưu Bình Nhưỡng

Tòa án là trụ cột, là điểm trung tâm nắm quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp. Tuy nhiên, Tòa án không thể một mình làm tất cả mọi việc mà Nhà nước - bằng pháp luật, cho phép Tòa án được sử dụng quyền lực tư pháp của mình để yêu cầu các cơ quan khác thuộc hệ thống hành pháp thực hiện các hoạt động tư pháp, đồng thời kiểm soát việc thực hiện các hoạt động đó (ví dụ: Yêu cầu cơ quan công tố làm rõ chứng cứ buộc tội; cho phép cơ quan thi hành án, thừa phát lại thực thi bản án, quyết định tư pháp có hiệu lực, miễn giảm chấp hành hình phạt tù, đặc xá…).

PV: Để đảm bảo việc Tòa án thực hiện quyền tư pháp hiệu quả, phải xác định mối quan hệ giữa Tòa án và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tư pháp như thế nào, thưa ông?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Hoạt động tư pháp là khái niệm rộng hơn rất nhiều so với khái niệm hoạt động tố tụng. Nếu hoạt động tố tụng gồm ba loại hình cơ bản là điều tra, truy tố, xét xử thì hoạt động tư pháp bao gồm tất cả các loại hình tố tụng nêu trên và gồm cả các hoạt động thi hành án (thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính), giám định, luật sư, trợ giúp pháp lý… Tuy nhiên, tất cả các hoạt động tư pháp đều có mục đích giúp cho Tòa án xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến công lý, quyền con người, các lợi ích trong xã hội. Do đó, việc xác định mối quan hệ giữa Tòa án - với tư cách là trung tâm của quyền lực tư pháp, với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan là rất cần thiết.

Về phương diện tố tụng, theo tinh thần cải cách tư pháp, mô hình tố tụng sẽ là sự kết hợp giữa mô hình thẩm vấn và mô hình tranh tụng, theo đó, việc ra các bản án, quyết định của Tòa án phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa (đã được xác định từ Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới). Do đó, các mối quan hệ sau đây cần phải được chú trọng khi thiết kế các quy định trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi):

Mối quan hệ giữa các Tòa án và Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân. Đây là mối quan hệ chính trị - pháp lý, có ý nghĩa chung nhất để bảo đảm cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp.

Mối quan hệ giữa Tòa án và Viện kiểm sát; giữa Thẩm phán và kiểm sát viên. Theo Hiến pháp, Tòa án là cơ quan “thực hiện quyền tư pháp”, còn Viện kiểm sát là cơ quan “kiểm sát hoạt động tư pháp”, tức là bao gồm nhưng không giới hạn ở hoạt động kiểm sát xét xử. Từ trước đến nay, Kiểm sát viên đảm nhiệm cả việc giữ quyền công tố và giữ vai trò kiểm sát hoạt động xét xử trước Tòa. Vậy thì nay, theo quy định mới, khi Tòa án được xác định là cơ quan thực hiện quyền tư pháp thì cần xác định lại vấn đề nêu trên cho phù hợp.

Mối quan hệ giữa Tòa án và Cơ quan điều tra, giữa Thẩm phán và Điều tra viên: Tòa án rất ít có cơ hội liên hệ trực tiếp với điều tra viên, cơ quan điều tra, bởi vì hoạt động tố tụng hình sự, Tòa án không trực tiếp tham gia quá trình điều tra. Mối quan hệ giữa Tòa án và cơ quan điều tra, điều tra viên được thực hiện thông qua chiếc “cầu” là Viện kiểm sát và kiểm sát viên. Tuy nhiên, trong thực tiễn, khi đánh giá chứng cứ (qua tài liệu, vật chứng, nhân chứng…) nhiều khi rất cần sự giải thích của điều tra viên với tư cách là người trực tiếp tiến hành điều tra vụ án, thậm chí, có trường hợp được coi là “nhân chứng hiện trường”. Là chủ thể có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng về vụ án, quyết định số phận của bị can, bị cáo, một con người hoặc tài sản của họ, Tòa án cần phải (và buộc phải) biết, hiểu rõ sự thật, để có đủ “niềm tin phán quyết”.

Vì vậy, theo tôi, cần nghiên cứu, quy định rõ thẩm quyền của Tòa án là: Theo đề nghị của kiểm sát viên, luật sư hoặc khi xét thấy có vấn đề cần tìm hiểu, cần làm sáng tỏ thì Tòa án có quyền yêu cầu cơ quan điều tra, điều tra viên trực tiếp giải trình, kể cả yêu cầu điều tra viên đến phiên tòa trình bày các vấn đề có liên quan đến vụ án.

Mối quan hệ giữa Tòa án, Thẩm phán và luật sư, người bào chữa: Là cơ quan “cầm cân, nẩy mực”, Tòa án cần phải tôn trọng ý kiến của luật sư, coi đây là một nguồn ý kiến quan trọng để đánh giá, phán quyết về vụ, việc, tránh tình trạng Tòa án chỉ dựa trên và/hoặc phụ thuộc vào hồ sơ của cơ quan điều tra, kiểm sát cung cấp. Các tài liệu, tư liệu, chứng cứ do luật sư cung cấp cần được Tòa án coi trọng ngang bằng, bình đẳng với bên điều tra, kiểm sát, giám định cung cấp. Chỉ có Tòa án mới có quyền quyết định về sự đúng đắn, tin cậy của tư liệu, chứng cứ, không phụ thuộc vào nguồn cung cấp, chủ thể cung cấp có phải là cơ quan nhà nước hay không. Đây chính là vấn đề cần xác định rõ trong luật.

Về mối quan hệ giữa Tòa án và cơ quan thi hành án: Hậu quá trình tố tụng là quá trình thi hành án. Thi hành án không phải là hoạt động tố tụng theo đúng nghĩa nhưng chắc chắn là hoạt động tư pháp, có nhiệm vụ hiện thực hóa các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án. Để bảo đảm việc thực hiện quyền tư pháp đến cùng đối với kết quả phán quyết của mình, Tòa án có trách nhiệm, đồng thời có quyền ra các mệnh lệnh, quyết định cho thi hành các bản án, quyết định về vụ, việc đã có hiệu lực.

PV: Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) cũng đã thể chế phạm vi quyền tư pháp theo Hiến pháp tại Điều 2, khoản 2, ông có quan điểm như thế nào về nội dung này?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Hiến pháp năm 2013 quy định, nhiệm vụ của Tòa án là: “Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Những nhiệm vụ của Tòa án được nêu là mang tính khái quát về khách thể và đối tượng bảo vệ. Do đó, để thực hiện chức năng và những nhiệm vụ mang tính khái quát do Hiến pháp quy định, Tòa án cần được giao những quyền hạn quan trọng, đồng thời được bảo những điều kiện để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó. Những vấn đề liên quan đến Tòa án và hoạt động của nó cần được thể chế hóa trong Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) và các luật có liên quan, trên tinh thần cải cách tư pháp và Hiến pháp mới, với một tư duy khoa học mới.

Theo tôi, xét trên phương diện khoa học, xét xử là một nội dung quan trọng nhất của quyền tư pháp, tuy nhiên không phải là chức năng duy nhất, cũng không phải là chức năng biệt lập với việc thực hiện quyền tư pháp của TAND. Vì vậy, cần phải nghiên cứu kỹ càng và giải thích chuẩn xác để quy định thật chi tiết quyền này.

Theo luật hiện hành, TAND xét xử về hình sự, dân sự, hôn nhân - gia đình, lao động, kinh tế, hành chính; xem xét hủy hoặc không hủy quyết định của trọng tài thương mại; xét tính hợp pháp của cuộc đình công; cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án, trọng tài nước ngoài tại Việt Nam… Trong quá trình xét xử, Tòa án có quyền tuyên công nhận, hủy các hợp đồng, thỏa ước, thỏa thuận, nội quy, văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh (văn bản dưới luật). Nếu phát hiện luật, pháp lệnh trái Hiến pháp, Tòa án có quyền kiến nghị Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Nếu chỉ dừng lại ở việc tuyên bản án, quyết định về tranh chấp, trừng trị kẻ phạm tội... thì coi như Tòa án mới làm được một phần việc nhỏ, mà vẫn còn những yêu cầu về lẽ phải, công bằng có liên quan đến các thể chế bị ngưng trệ hoặc chối bỏ bởi Tòa án, vì thế có thể sẽ tiếp tục gây ra những vi phạm hoặc và xung đột mới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Thoa (thực hiện)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý