“Tứ giác Kim cương" họp bàn, Trung Quốc ngay lập tức phản ứng

sakura1 sakura1 @sakura1

“Tứ giác Kim cương" họp bàn, Trung Quốc ngay lập tức phản ứng

Sau khi các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc có cuộc hội đàm riêng bên lề hội nghị ASEAN ở Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng.

14/11/2017 05:57 PM
356

Sau khi các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc có cuộc hội đàm riêng bên lề hội nghị ASEAN ở Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hiện đang tham dự hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Các nhà lãnh đạo đã có một cuộc hội đàm riêng bên lề hội nghị nhằm “hồi sinh” một ý tưởng trước đây, có tên là “Tứ giác Kim cương” trong một nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Cuộc họp diễn ra vào ngày 12/11 với nội dung chính liên quan đến những vấn đề quan tâm chung trong khu vực Thái Bình Dương.

"Các cuộc thảo luận tập trung vào hợp tác dựa trên tầm nhìn để thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực", Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết. "Bốn nhà lãnh đạo đã đồng ý xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở rộng, thịnh vượng và bao trùm".

“Tứ giác Kim cương" họp bàn, Trung Quốc ngay lập tức phản ứng - Ảnh 1Phóng to

(Từ trái qua phải) Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull. Ảnh: APNews

Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản là 4 nước nằm trong học thuyết về một "liên minh 4 bên", còn gọi là "Tứ giác Kim cương", do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng cách đây 10 năm. Ông Abe muốn thiết lập 1 liên minh 4 bên giữa "những nền dân chủ với tư duy tương đồng". Vào thời điểm đó, Ấn Độ và Úc vẫn còn do dự vì lo ngại Trung Quốc.

Ấn Độ có một đường biên giới khổng lồ với Trung Quốc và cũng luôn coi Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của họ. Tuy nhiên, đến đầu năm 2017, New Delhi đã tẩy chay sáng kiến “Một vành đai, một con đường” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra.

“Tứ giác Kim cương” sau đó lại nhận được sự thúc đẩy từ phía Nhật Bản. Hồi tháng 10 vừa qua, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết Thủ tướng Abe sẽ tiếp tục đề xuất đối thoại 4 chiều. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó nói rằng New Delhi đã "sẵn sàng làm việc với các nước có cùng quan điểm về các vấn đề thúc đẩy lợi ích chung". Động thái đó được cho là bước khởi đầu của các cuộc đàm phán.

“Tứ giác Kim cương" họp bàn, Trung Quốc ngay lập tức phản ứng - Ảnh 2Phóng to

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Youtube/Telegraph

10 năm sau, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tỏ ra quan tâm đến liên minh khi ông sử dụng khái niệm "Ấn Độ - Thái Bình Dương" để miêu tả khu vực này trong chuyến công du châu Á vừa qua. "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" cho thấy cách tiếp cận rộng hơn của Washington và sự nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ đối với an ninh khu vực.

Cuộc họp hôm 12/11 đã kết thúc mà không có tuyên bố chung nào được đưa ra. Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ cũng phủ nhận đây là động thái nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã ngay lập tức có phản ứng trước tình hình này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố hợp tác khu vực không nên bị chính trị hóa hay loại trừ một bên nào đó.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Scroll, SCMP)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý