Từ vụ CA dùng nhục hình bàn về hành vi bắt người trái pháp luật

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Từ vụ CA dùng nhục hình bàn về hành vi bắt người trái pháp luật

Việc một số người xem hành vi bắt người không đúng thủ tục, như không có lệnh bắt, bắt vào ban đêm… là hành vi khách quan của tội “Bắt người trái pháp luật” quy định tại Điều 123 Bộ Luật hình sự

04/05/2015 06:45 AM
376

   - Ảnh 1

Thân nhân nạn nhân Ngô Thanh Kiều có mặt tại phiên tòa xét xử các công an xử dụng nhục hình.

Cần dựa trên ba yếu tố

Một cách tổng quát, có thể thấy rằng, để xác định có hành vi bắt người trái pháp luật, cần phải dựa trên 3 yếu tố: một là, bắt người vì những động cơ, mục đích cá nhân. Hai là, bắt người trong những trường hợp pháp luật không cho phép. Ba là, người thực hiện hành vi bắt người không có thẩm quyền bắt người theo quy định của pháp luật tố tụng.

Ví dụ: A nợ B 100.000.000 đồng nhưng không trả, B rủ thêm C, D cùng thực hiện hành vi bắt A để đòi nợ. Trong trường hợp này cả B, C, D được xác định là phạm tội bắt người trái pháp luật, và hành vi của họ hội đủ cả 3 yếu tố là có mục đích cá nhân, pháp luật không cho phép và không có thẩm quyền.

Ngoài ra, đối với người có thẩm quyền bắt người theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS), nhưng họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn này để bắt người vì mục đích cá nhân thì cũng xem là hành vi bắt người trái pháp luật theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 123 BLHS.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được hiểu là, người có chức vụ, quyền hạn, thay vì dùng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao thì họ lại dùng nó cho mục đích cá nhân, làm khác đi nhiệm vụ mà họ được giao. Ví dụ, A là Viện trưởng VKSND tỉnh X. theo quy định của pháp luật tố tụng, A có thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Thế nhưng, A lợi dụng quyền hạn này để bắt giam chị Y, là người đang nợ tiền của vợ A, trong khi việc chị Y nợ tiền vợ A chỉ là quan hệ dân sự.

Trong trường hợp này, hành vi của A cấu thành tội bắt, giam người trái pháp luật, với tình tiết định khung hình phạt là lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội. Trái lại, nếu A thực hiện đúng quyền hạn, nhiệm vụ của mình trong việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam, thì cho dù không có lệnh bắt hoặc bắt không đúng thủ tục, cũng không thể xem A phạm tội bắt người trái pháp luật theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 123 BLHS. Bởi lẽ, việc bắt người của A là nhằm mục đích phục vụ cho quá trình tố tụng vụ án, chứ không có động cơ, mục đích cá nhân.

Nghịch lý tố tụng

Để thấy rõ hơn vấn đề, chúng tôi xin lấy ví dụ ngay trong vụ án dùng nhục hình này. Vụ 5 công an dùng nhục hình xảy ra tại Phú Yên chỉ thực sự trở nên “dậy sóng”, khi những công an này dùng nhục hình tra tấn, dẫn đến cái chết oan uổng của nạn nhân Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên).

Nhưng, thử đặt giả thiết, nếu không có việc công an dùng nhục hình dẫn đến cái chết của anh Kiều. Đồng thời quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với hành vi phạm tội của anh Kiều (nếu có) được xem là đúng người, đúng tội, và bản án xét xử hành vi phạm tội của anh Kiều có hiệu lực, liệu có ai nêu ra vấn đề khởi tố đối với hành vi bắt người trái pháp luật?

Mặt khác, nếu cho rằng, bắt người không có lệnh hoặc vi phạm thủ tục là hành vi bắt người trái pháp luật, thì thử hỏi, đối với những vụ án xét xử đúng người, đúng tội và bản án xét xử đối với người bị bắt đã có hiệu lực. Nhưng, chỉ vì khi thực hiện việc bắt người, có vi phạm thủ tục, mà cho rằng cần phải khởi tố đối với người ra lệnh bắt, thì liệu có đúng không, có khả thi không? Làm sao có thể khởi tố người ra lệnh bắt, khi họ bắt đúng đối tượng phạm tội và toà án đã xét xử và kết án đối với người bị bắt?

Làm sao có thể tồn tại một nghịch lý tố tụng theo kiểu vừa xét xử, kết án người bị bắt về một tội phạm nào đó, lại vừa khởi tố người ra lệnh bắt về hành vi bắt người trái pháp luật đối với chính người phạm tội đó?

Như vậy, có thể thấy rằng, trong mọi trường hợp, người có thẩm quyền bắt người trong các cơ quan tố tụng, một khi đã bắt đúng đối tượng, và bắt trong các trường hợp pháp luật cho phép. Bắt để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì cho dù không có lệnh bắt hay việc bắt người của họ không đúng thủ tục, thì cũng không thể xem đó là hành vi bắt người trái pháp luật được.

Luật sư Hồ Ngọc Diệp (Trưởng văn phòng luật sư Hồ Ngọc Điệp, Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý