Tướng Giáp căn dặn thế nào về chiến lược giữ Biển Đông?

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Tướng Giáp căn dặn thế nào về chiến lược giữ Biển Đông?

Hơn 40 năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phác thảo những nét lớn trong chiến lược giữ gìn biển đảo của Tổ quốc.

03/10/2014 05:04 PM
2,018

Năm 1970, trong khi tham dự lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài nói chuyện quan trọng đề cập đến chiến lược giữ Biển Đông của Hải quân Việt Nam. Năm 1972, bài nói chuyện của Đại tướng được Nxb Quân đội nhân dân xuất bản với nhan đề: “Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển”.

Trong dịp này, nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của Đại tướng và trong dư âm chưa dứt của tình hình Biển Đông, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn Hải quân Việt Nam phải làm thế nào để giữ gìn được biển đảo của Tổ quốc.

Về xây dựng lực lượng

Nước ta có bờ biển dài, vùng biển rộng với tài nguyên phong phú cho nên việc xây dựng một lực lượng hải quân lớn mạnh để bảo vệ các hoạt động kinh tế trong vùng biển của ta là cần thiết. Tướng Giáp nói: “Nước ta lại có bờ biển dài, tài nguyên phong phú, sông ngòi nhiều. Vì vậy, chúng ta cần có bộ đội hải quân và lực lượng hải quân của nhân dân ta phải cùng toàn dân làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước ở cả trên sông và trên biển”.

 - Ảnh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm một đơn vị hải quân.

Ở trên bộ, việc tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân ( gồm bộ đội chủ lực, bộ đội chính quy và dân quân du kích) đã chứng tỏ tính ưu việt của nó trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thế trận cài răng lược cộng với lực lượng vũ trang ba thứ quân của ta đã làm những vũ khí hiện đại của Pháp, Mỹ phải thất bại cay đắng.

Từ kinh nghiệm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất nhấn mạnh việc xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân trên chiến trường sông biển: “Việc xây dựng lực lượng hải quân phải gắn liền với việc xây dựng lực lượng vũ trang rộng rãi ven biển, ven sông; sự phát triển của hải quân có quan hệ chặt chẽ với các địa phương ven biển và các ngành kinh tế trên biển. Các lực lượng vũ trang địa phương ven biển, ven sông rất quan trọng. Cần chú ý xây dựng và bồi dưỡng để các lực lượng ấy trở thành rộng khắp, mạnh mẽ phối hợp đắc lực với hải quân để bảo vệ sông biển”.

Mặt khác, việc xây dựng hải quân cũng không thể tách rời quá trình xây dựng kinh tế của đất nước. Tướng Giáp nói: “Nền kinh tế ngày càng phát triển của nước ta có quan hệ mật thiết với việc xây dựng quân đội, xây dựng hải quân. Công nghiệp, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác lớn mạnh thì ngành đóng tàu, ngành hàng hải, ngành vận tải trên sông, ngành đánh cá nhất định sẽ phát triển nhanh chóng. Chúng ta càng có điều kiện tốt về cơ sở vật chất và kỹ thuật để phát triển lực lượng hải quân… Cơ sở vật chất kỹ thuật của hải quân gắn liền với tiềm lực kinh tế quốc phòng của nước nhà. Tiềm lực kinh tế quốc phòng mạnh thì quân đội mạnh, hải quân mạnh. Vì vậy, kết hợp kinh tế với quốc phòng trong xây dựng hải quân là một vấn đề rất quan trọng, có giải quyết tốt vấn đề đó thì mới tạo được điều kiện thuận lợi để xây dựng hải quân”.

 - Ảnh 2

Một tàu lớp Gepard của hải quân Việt Nam mua từ Nga.

Thực tế hiện nay trên biển đang chứng minh rõ ràng mối quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng. Biển Đông, ngoài giá trị về chiến lược và hàng hải còn cung cấp cho nền kinh tế nước ta một nguồn tài nguyên phong phú và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu hàng năm của nước ta. Từ những năm cuối thế kỷ 20, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển.

Nhưng chúng ta sẽ không thể khai thác, phát triển kinh tế biển nếu không có hải quân và các lực lượng đảm bảo an ninh trên biển đủ mạnh để ngăn chặn mối đe dọa của cướp biển và các thế lực khác.

 - Ảnh 3

Tàu ngầm mang tên Hà Nội là một trong số 6 tàu ngầm mà Việt Nam đã đặt mua của Nga.

Những năm gần đây, theo các tin tức trên báo chí, mỗi năm có hàng ngàn tàu thuyền nước ngoài vào đánh cá trái phép trong vùng biển nước ta.

Nhưng tình hình còn trở nên phức tạp hơn khi Trung Quốc đưa ra bản đồ 9 đoạn để đòi 80% diện tích Biển Đông và ngày càng quyết đoán hơn để thực hiện yêu sách phi pháp này. Năm 2012 họ cho tàu cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 của nước ta. Từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua họ kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta một giàn khoan nước sâu lăm le thăm dò dầu khí. Bên cạnh đó họ phân lô vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để chào thầu các hãng dầu nước ngoài đồng thời gây áp lực với các hãng dầu khí hợp tác với Việt Nam.

Còn đối với ngư dân Việt Nam hoạt động trên các ngư trường truyền thống, mật độ các vụ bắt giữ và hành hung của Hải giám, Hải cảnh Trung Quốc ngày càng dày lên. Trong thời gian căng thẳng vụ giàn khoan, họ còn đâm chìm cả một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.

Những tình hình như thế cho thấy rõ ràng là nếu Việt Nam không xây dựng lực lượng hải quân lớn mạnh để đủ sức răn đe hoặc giáng trả cho đối phương những đòn đau nếu chúng dám liều lĩnh dùng vũ lực để xâm phạm chủ quyền của ta thì chúng ta sẽ không thể bảo vệ các hoạt động kinh tế hợp pháp của mình trên Biển Đông.

Về tác chiến

Xuất phát từ quan điểm chiến tranh nhân dân, tướng Giáp căn dặn lực lượng tàu mặt nước phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng trên bờ. Đối với Biển Đông, yếu tố địa lợi cho phép lực lượng trên bờ hỗ trợ rất đắc lực cho lực lượng mặt nước.

Từ hơn 40 năm trước, với tầm nhìn của một thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Một kinh nghiệm lớn là sự kết hợp giữa các lực lượng mặt nước với lực lượng trên bờ. Trong điều kiện của ta hiện nay, và có thể trong một thời gian dài nữa, ta chưa có hải quân thật mạnh về trang bị kỹ thuật. Do đó, hải quân ta tác chiến độc lập với địch còn gặp khó khăn.

 - Ảnh 4

Một xe mang tên lửa trong hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P của Việt Nam.

Nhưng dù có lực lượng hải quân mạnh, khi đánh địch trên sông, trên biển của đất nước ta, ta vẫn phải kết hợp chặt chẽ những lực lượng chiến đấu trên mặt nước với các bộ phận chiến đấu trên bờ của các lực lượng vũ trang nhân dân. Các lực lượng hoạt động trên mặt nước không những phải dựa vào các căn cứ trên bờ làm nơi xuất phát, tiếp liệu… mà còn phải dựa vào cơ sở trên bờ để tiến hành ngụy trang, che giấu ở ven biển, ven sông. Có thể nói rằng lực lượng hải quân ta đánh địch trên chiến trường sông biển cần có cả lực lượng trên mặt nước và lực lượng trên bờ”.

Quan điểm nói trên của tướng Giáp rút ra trong cuộc đối đầu với Hải quân Mỹ trong kháng chiến chống Mỹ nhưng cho đến những năm 1980 và cả đến bây giờ nó vẫn đúng. Ta hãy xem ví dụ là trận hải chiến Trường Sa. Chính là sự xuất hiện của các máy bay Su-22 từ sân bay Phan Rang bay ra đã làm thay đổi tương quan lực lượng của ta và Trung Quốc ở Trường Sa và buộc Trung Quốc phải tạm dừng ý đồ đánh chiếm các đảo và bãi ở Trường Sa bằng vũ lực.

 - Ảnh 5

Ngoài Bastion, Việt Nam còn 2 hệ thống tên lửa bờ biển cũ hơn với các tên lửa P-35 và P-15. Các tên lửa bờ biển là sự hỗ trợ đắc lực cho lực lượng mặt nước.

Đi theo hướng kết hợp lực lượng mặt nước và lực lượng trên bờ, Hải quân Việt Nam hiện nay vừa đầu tư cho tàu chiến, tàu ngầm đồng thời cũng lưu ý đến binh chủng tên lửa bờ. Chúng ta đã mua 2 hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P của Nga. Mỗi hệ thống này có tầm bao quát một vùng biển rộng 600 km. Tuy nhiên bờ biển nước ta dài hơn 3000 km. Do đó phải cần thêm ít nhất 2 hệ thống nữa mới là tạm đủ để phòng thủ. Hiện các nguồn tin từ nước ngoài cho biết chúng ta đang quan tâm đến hệ thống tên lửa BrahMos của Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất.

Ấn Độ cũng như Việt Nam chưa lên tiếng chính thức về việc này nhưng trong chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ mới đây, Ấn Độ đã mở một quỹ tín dụng 100 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam mua vũ khí.

Trong binh pháp có câu: “Biết địch biết ta trăm trận không nguy”. Bởi vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất lưu ý đến đối tượng tác chiến và chiến trường tác chiến. Người nói: “Hiện nay, đối tượng tác chiến trên sông biển của ta rõ ràng là Hải quân Mỹ, ngụy. Và trong lúc đế quốc ra sức thực hiện chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh, chúng ta cần theo dõi đầy đủ cả hai đối tượng ấy, không xem nhẹ đối tượng nào. Chúng ta lại cần theo dõi cả hải quân các nước tay sai, chư hầu của Mỹ và hải quân của bất cứ kẻ địch nào có thể đến xâm lược nước ta”.

Ngày nay, bối cảnh chính trị đã thay đổi cho nên đối tượng tác chiến của Hải quân Việt Nam trên Biển Đông cũng đã thay đổi ít nhiều. Dẫu sao, “bất cứ kẻ địch nào có thể đến xâm lược nước ta” thì đó là đối tượng tác chiến mà Hải quân Việt Nam cần lưu ý nghiên cứu để không bất ngờ khi xảy ra tình huống.

Việc xác định chiến trường có quan hệ mật thiết đến lối tác chiến và do đó ảnh hưởng đến thành bại. Trên sông biển, việc xác định chiến trường đòi hỏi phải biết kỹ luồng lạch, vùng biển nông sâu, thời tiết ra sao… mới có thể đề ra chiến thuật, lối đánh thích hợp. Về điểm này, Đại tướng nói: “Trên biển thì có vùng ven biển, vùng biển gần, vùng quần đảo, vùng biển xa. Trong điều kiện của hải quân ta hiện nay, trang bị kỹ thuật còn hạn chế, việc đánh địch ở ven biển, biển gần và các quần đảo cần được hết sức coi trọng. Đồng thời với sự lớn mạnh của quân đội, của hải quân, ta có thể mở rộng phạm vi đánh địch ra xa hơn”.

Như vậy, có thể nói rằng từ hơn 40 năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phác thảo ra những nét cơ bản cho chiến lược giữ gìn vùng biển đảo của tổ quốc. Chiến lược của tướng Giáp đúng như tên bài nói chuyện của Người là một cuộc “chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển”. Nó đòi hỏi phải huy động và đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam thì mới có thể giành thắng lợi.

Trần Vũ

Xem thêm video clip : Bộ vũ khí chủ lực của Hải, Lục, Không quân Việt Nam

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý