Tướng Thước và hồi ức về Đại tướng Tổng Tư Lệnh 40 năm trước

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Tướng Thước và hồi ức về Đại tướng Tổng Tư Lệnh 40 năm trước

Trung tướng Thước đã kể cho PV nghe về kỷ niệm lần đầu tiên sau 10 năm chiến đấu trong chiến trường miền Nam được ra Hà Nội để gặp trực tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

26/04/2015 03:10 PM
294

Trong chuỗi hồi ức của vị Tướng đã gần cửu thập, hình ảnh về chuyến ra Hà Nội nhận nhiệm vụ từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy TƯ gia cho Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên của 40 năm về trước vẫn còn vẹn nguyên trong tâm tưởng của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

   - Ảnh 1

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên tham mưu trưởng Quân đoàn 3 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 (Nguồn: Internet).

Nhờ hẹn lịch trước mà chúng tôi may mắn có dịp được một cuộc hẹn với ông. Với chất giọng đậm chất xứ Nghệ, vị Tướng già vẫn rất mẫn tiệp, khỏe mạnh và có lối tư duy mạch lạc. Ở thời điểm này, người chỉ huy năm xưa rất bận rộn với lịch làm việc, dự hội nghị, nói chuyện truyền thống ở nhiều nơi.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nghệ Tĩnh giàu truyền thống cách mạng, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Thước đã sớm tham gia các hoạt động cách mạng sôi nổi trong tổ chức Việt Minh, là cán bộ tiền khởi nghĩa năm 1945 khi mới chưa đầy 20 tuổi. Trong bối cảnh cả nước đang có những hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất non sông, kỷ niệm về những ngày tháng 4 lịch sử năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong miền ký ức của vị Tướng già.

Với phong thái đĩnh đạc trong từng câu nói, mang khí chất quân nhân, ánh mắt của vị Tướng hai sao dường như ánh lên sáng ngời khi nói về chiến thắng 30/4 lịch sử năm ấy. Ông nhấn mạnh, mục tiêu chính của toàn bộ chiến dịch là “Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước” theo đúng tinh thần của TƯ Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trải qua 30 năm trường chinh đầy gian khổ, trong đó 21 năm chịu bao đắng cay của cảnh đất nước bị chia cắt, chiến thắng của chiến dịch mang tên Bác đã được nâng cao ở tầm thời đại.

   - Ảnh 2

Tướng Thước thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu (Ảnh chụp lại).

Trung tướng Thước đã kể cho PV nghe về kỷ niệm lần đầu tiên sau 10 năm chiến đấu trong chiến trường miền Nam được ra Hà Nội để gặp trực tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp Bí thư Quân ủy TƯ. Khi đó, với vai trò là Tham mưu trưởng BTL chiến dịch Tây Nguyên được đại diện cho BTL ra Thủ đô nhận nhiệm vụ của Bộ tổng tư lệnh và Quân ủy TƯ để quyết tâm giành thắng lợi trong chiến dịch Tây Nguyên.

Tướng Nguyễn Quốc Thước bồi hồi nhớ lại: “Đó là thời điểm đầu tháng 11/1974, khi mà tình hình trên chiến trường Miền Nam đang có những diễn biến mau lẹ có lợi cho ta. Tôi có cơ hội được ra Hà Nội lần đầu tiên sau 10 năm chiến đấu ở chiến trường Miền Nam, để gặp trực tiếp Đại tướng Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ. Lúc ấy, Đại tướng vẫn còn mệt sau chuyến đi chữa bệnh ở nước ngoài về nên tôi đã tới nhà riêng của Đại tướng tại số 30 Hoàng Diệu để làm việc”.

Xem video: Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của người Mỹ

“Tại đây, một cán bộ cao cấp trong chiến trường như tôi được diện kiến Đại tướng là cả một niềm vinh dự và vui mừng, bởi chỉ có nghĩ tới chiến đấu và chiến thắng. Tình hình rất khẩn trương nhưng Tướng Giáp vẫn giữ một phong thái rất bình tĩnh, nhẹ nhàng với câu hỏi đầu tiên với tôi:

Cậu vào Miền Nam lâu chưa?

Thưa Đại tướng, tôi vào Miền Nam được 10 năm rồi.

Cậu được ra bắc mấy lần rồi?

Thưa Đại tướng, tôi được ra Hà Nội lần này là lần đầu tiên.

Thôi! 10 năm là quá lâu rồi. Chỉ một thời gian ngắn nữa thì cậu sẽ được ra nghỉ dài hơn thôi”.

“Sau câu nói động viên ấy, trong tâm tưởng của tôi đã lóe lên một dự cảm nào đó. Rằng chiến thắng đã ở rất gần rồi, ngày toàn thắng không còn xa nữa thì những người lính chiến như cụ sẽ có cơ hội được là dân của một nước độc lập, thống nhất”, Trung tướng Thước nhớ lại.

Qua cuộc gặp 10 năm có một đó với Tướng Giáp, nguyên Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 Nguyễn Quốc Thước đã nhận ra cả giá trị nhân văn lẫn giá trị nghệ thuật. Ông chia sẻ: “Ở đây, thể hiện khả năng tiên đoán và tư duy phân tích khoa học quân sự của Đại tướng rất chính xác về một ngày toàn thắng cho dân tộc chỉ rất gần nữa thôi. Còn việc kịp thời động viên thăm hỏi tâm tư, tình cảm và tinh thần của cán bộ chiến sĩ cấp dưới như với người thân trong gia đình đã thể hiện chất nhân văn của một nhân cách lớn như Đại tướng. Mặc dù sức khỏe không được tốt nhưng Đại tướng vẫn theo dõi rất sát tình hình của chiến trường miền Nam và cùng với Bộ chính trị có những quyết sách quan trọng, phù hợp với chuyển biến mau lẹ trên chiến trường”.

Và sau buổi gặp đó, tinh thần chỉ đạo của Bộ chính trị và Quân ủy TƯ cũng như Đại tướng Tổng tư lệnh đã được truyền tới tất cả các đơn vị chiến đấu. Tất cả đều chiến đấu với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Chỉ trong vòng một tháng (từ 4/3 – 3/4/1975), bắt đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên do thượng tá Nguyễn Quốc Thước làm tham mưu trưởng đã giải phóng được thị xã Buôn Mê Thuật ngày 11/3. Sau thất bại này, chiến trường Miền Nam của quân Ngụy bị chặt làm ba khúc gồm: Sài Gòn – Gia Định, Quảng Trị và Đà Nẵng. Cùng với đó là hàng loạt đợt tấn công như vũ bão cùng tinh thần chiến đấu quả cảm của quân dân ta trong các chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ 5/3 – 29/3/1975). Lúc này, quân địch đã bị thất thủ ở cả 4 tỉnh Tây Nguyên và 3 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nữa gồm Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Một điều tất yếu của lịch sử đã dần hiện hữu, chế độ Ngụy đang tiến dần tới bờ vực sụp đổ.

Và rồi, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nhìn vào những thắng lợi vang dội này, tướng Thước càng thấm thía và ấn tượng sâu sắc với tầm nhìn chiến lược cũng như dự báo trước đó của Bộ chính trị và Quân ủy TƯ cũng như của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. “Chỉ trong một tháng nhưng hơn một nửa Miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng. Hay nói theo cách của Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng Lê Duẩn, một ngày bằng hai mươi năm là để nói về bước chân thần tốc và chiến thắng vang dội của quân dân ta đã chiến đấu từ sau khi có hiệp định Giơnever (1954) tới 1975”, Trung tướng Thước tự hào nói.

Đình Tuệ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý