Tương tư Sủng Trà

mesu mesu @mesu

Tương tư Sủng Trà

Tháng rồi, trời Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang nắng gắt như muốn vỡ kính. Lão nông vẫn đang cần mẫn nhón hạt giống các loại tra vào gốc ngô.

17/06/2014 08:28 AM
1,089

Lão chăm chú làm 2 - 3 giờ liền mà không uống một ngụm nước. Nước ngọt thì cả Hà Giang thiếu, chứ không riêng gì Sủng Trà này. Lữ khách lẩm nhẩm: Sủng Trà có gì? Có đá, hoa cải, rượu ngô… Chỉ thế thôi sao? Sẽ là khiếm khuyết nếu như không nói về ánh mắt tuyệt đẹp của những cô bé người Mông nơi đây.

1. Hà Giang, tôi đã tới nhiều lần. Nhưng đây là lần đầu tiên đặt chân tới xã Sủng Trà. Nơi đây toàn đá và đá, đá anh em, đá họ hàng và thậm chí, không khéo có cả đá tương tư, vì nhiều hòn đột nhiên cô đơn đến lạ thường, nằm trơ trọi giữa ruộng ngô. Đâu đâu cũng có màu đen xám của đá. Ở đây, đá là một phần tất yếu của cuộc sống.

Những khối đá lạnh lùng, xám xịt, “trơ trẽn” ban đầu gây cho ta cảm giác khó chịu. “Nhưng rồi cũng phải quen với sự có mặt của chúng thôi”. Giàng A Xìn, người bán thịt lợn rong ở chợ Sủng Trà cho hay. Gọi chợ cho oách chứ thực chất là một chợ “mini” cóc. Gần chục người bán hàng, ai có gì bán đó, từ thịt heo, thịt gà cho tới rau, củ, quả và quần áo. Có vài người trước đây từng bán hàng ở chợ này, nay nhớ chợ quá, cũng ra ngồi cà kê, cùng mấy xị rượu ngô cho xôm tụ.

Hỏi Giàng A Xìn ở gần đây có thung nào đẹp không? Người bán thịt heo có con dao sáng bóng đeo ở sau lưng, chỉ tay về hướng ông mặt trời vừa mới nhú lên, bảo: “Thung đó đẹp nhất”. “Chắc không?”. “Chắc mà”. “Ai bảo mà biết?”. “Vợ tao bảo thế”. Nghe thế thì có vẻ… chuẩn rồi. Tôi vừa tủm tỉm cười vừa đi theo hướng Giàng A Xìn chỉ. Sáng sớm, ánh nắng mặt trời chưa đánh tan được những dải sương trắng tinh khôi, đang nô đùa, vờn nhau bên sườn núi.

2. Đột nhiên, vẳng bên tai đâu đây tiếng cười lanh lảnh của con trẻ. Tiếng cười trong vắt như màn sương trắng kia như chỉ đường cho tôi tìm đến một căn nhà gỗ xinh xinh bên khe núi. Còn đang tự hỏi đây là đâu thì đập vào mắt là tấm biển gỗ rêu phong, đề “Điểm trường Trường Tiểu học Sủng Trà”. Gọi điểm trường cho oách chứ thực chất chỉ là căn phòng nhỏ nhắn, rộng chừng 40m2, quanh năm thiếu ánh sáng. Không hiểu vì sao mà căn phòng này không có cửa sổ, chỉ độc cửa ra vào, nơi có cô bé đang trầm tư suy nghĩ.

Tôi cười giả lả, hỏi chuyện làm quen: “Cháu tên gì?”. “Em tên Vàng Thị Sính”. “Cháu đi học năm mấy tuổi?”. “Em đi học năm đủ tuổi”. “Thế năm nay Sính bao tuổi?”. “Tám tuổi”. “Vậy là Sính học lớp hai?”. “Phải”.

Giữa cảnh mây trời, núi non sâu thẳm nơi Sủng Trà này, sao lại có ánh mắt như biết nói. Chao ôi, ánh mắt của Sính thật lạ, khiến tôi như ngất ngây trong dòng chảy của rượu ngô. Ánh mắt này, nếu đặt trong khung cửa dinh thự nhà họ Vương, thì tất cả những tay săn ảnh hẳn phải nhao đến. Còn các mẫu nữ ư, sẽ khát khao, thổn thức đêm ngày, mong có được ánh mắt như “con chim Phí” này.

Ánh mắt biết nói của Vàng Thị Sính.

Sính cực kỳ thông minh, bởi dường như em cảm nhận được mỗi lần tôi chuẩn bị bấm máy ảnh, thì gương mặt Sính lại thể hiện một tâm trạng khác. Cùng ánh mắt, nếu nhìn xuống thì chao ôi là buồn, nhưng nếu ngước lên cao, khác nào con chim nhỏ ước ao lao vút vào bầu trời cao rộng.

Vàng Thị Sính bảo nhà em có 6 anh chị em, Sính là con út. Nhà không có nhiều đất trồng ngô, trồng đậu, trồng dưa nên hay đói ăn. Muốn có cái ăn, cái chữ, thì phải đi học thôi. Tôi lật giở từng trang vở của Sính, chợt thấy vui trong lòng. Chữ Sính so với học sinh dưới xuôi không đẹp bằng, nhưng so với bông hoa cải đang khoe sắc vàng óng dưới hiên lớp học, thì cũng một chín một mười.

Tôi nổi da gà khi thấy Sính bảo sau này muốn trở thành họa sĩ. “Họa sĩ?”. “Phải. Sau này em muốn trở thành họa sĩ”. “Thế Sính vẽ những gì?”. Sính cười duyên, không nói, mà đưa mắt nhìn ra phía sau rặng núi; nơi đó chắc hẳn bố mẹ, anh chị của Sính đang tra hạt ngô. Ánh mắt của Sính đã thay cho câu trả lời.

Bất chợt, Sùng Thị Mai từ cuối lớp đi lên, kêu: “Sính vẽ nhiều lắm”. “Thế Sính hay vẽ lên đâu?”. “Vẽ lên đất, lên đá, vẽ lên không trung” (tôi lại nổi da gà lần nữa). “Thế nhà Mai và Sính gần nhau không?”. “Cách độ ba quãng dao quăng”. “Thế nhà các cháu có xa điểm trường này không?”. “Có, cách đây hơn mười cây số”. “Chắc hẳn cuối tuần các cháu tự đi về nhà rồi”. “Vâng”.

Sính tựa đầu vào người Mai, lại trầm tư suy nghĩ.

Tôi ngẩn ngơ trước cặp trẻ người Mông, lòng nhớ về hai cu tí ở nhà, mà thầm ước con mình có được bản lĩnh như Sính và Mai. Hình như có ai đó đang lén đọc tâm tư, chen vào dòng suy nghĩ của mình. Đây rồi, nép sau cột nhà là Vàng Thị Mị. Cô bé người Mông này úp mặt vào tay cười khanh khách khi được hỏi tên. “Sau này Mị muốn làm gì?”. “Cháu… cháu… cháu không biết nữa”. “Thế này nhé, chú chúc cháu sau này gặp được A Phủ của đời mình, để không bao giờ phải lùi lũi như con rùa trong xó cửa”. Mị tròn xoe mắt, không hiểu người khách phương xa nói gì nhưng cái nhìn thân thiện của tôi một lần nữa lại khiến cô bé phá lên cười giòn tan.

3. Đúng lúc này, ông Đoàn Duy Thành - Bí thư Đảng ủy xã Sủng Trà - cũng đặt chân vào lớp học. Ông kiểm tra vở của Sính, Mị, Mai, không nói gì nhưng ánh mắt toát lên niềm vui chan chứa. Ông cho hay: “Điểm trường này có cô Lương đứng lớp. Thế cô Lương đâu các cháu?”. Sáu ánh mắt con trẻ lại cười ngơ ngác.

“Thế trưa nay các cháu ăn gì, chắc chỉ cơm với rau thôi nhỉ”, tôi hỏi Mị. “Phải”. Ông Thành chen ngang “có cả thịt nữa đấy”. “Chắc không anh?”. “Chắc mà. Xã đề nghị Trường THCS Sủng Trà cho học sinh ở điểm trường này ăn ké bữa trưa. Ăn tốt đấy, cơm thịt đàng hoàng. Thịt gà đen hẳn hoi, rồi thịt heo nữa. Bữa ăn của các cháu có lạc, cá mắm, rau. Tôi nghĩ như vậy là ổn rồi. Trình độ tiếp thu của học sinh người Mông trên này cũng dần tốt lên”. “Nghe anh nói thì mọi việc có vẻ vận hành trơn tru”. “Lo thì lo nhiều việc. Lo từ cái ăn đến cái mặc cho đồng bào. Lo mùa khô thiếu nước. Lo giông lốc nổi lên bất ngờ hồi tháng 3 vừa qua, làm mấy nhà bị tốc mái… Chính quyền xã cũng ngại họ tên của đồng bào hay thay đổi, sau này làm các chế độ xã hội rất khó khăn. Ba họ Vương, Và, Vàng về cơ bản là giống nhau. Nhưng nay thì lấy tên là Vàng Thị Sính, lớn lên chút có khi lại kêu là Vương Thị Sính. Rồi có người họ Sùng, sau không thích lại đổi sang họ Dương, họ Giang… rất mệt. Hỏi người dân, bà con đổi họ làm gì liên tục như vậy? Đồng bào cười, bảo: “Lâu lâu đổi họ vậy cho nó… sang”.

Tôi rảo bước lên gần đỉnh ngọn núi, khua chân múa tay nói chuyện với một bà lão người Mông ước chừng 60 tuổi. Bà đang còng lưng xay gạo. Cối đá trơ lỳ nhưng lại quay rất ngọt dưới hai bàn tay sần sùi như vỏ cây sa mộc của bà lão. Không làm quen, không chào hỏi, tôi nở nụ cười rồi xay gạo cùng; bà lão cười móm mém, trổ ra một tràng dài như mi rừng hót thánh thót. Lát sau ra đến cửa, cúi chào rồi mà bà vẫn nói cười phớ lớ.

Ráng chiều, từ lưng chừng núi nhìn xuống thung sâu, cảnh thật đẹp và yên bình, đúng như lời vợ Giàng A Xìn bảo. Mấy ngôi nhà sàn e ấp bên ruộng đá. Nhà nào đã nổi lửa sớm, báo hiệu sự sống trỗi dậy mãnh liệt như những mầm ngô nhú ra trong hốc đá.

Xuống đến thung, tôi bắt gặp Mị, Sính, Mai đang chụm đầu thì thầm giữa đất trời Tây Bắc. Vừa giơ máy ảnh lên, ba đứa trẻ đã chạy tít vào lớp học.

Thế rồi, ba “bông hoa gạo” ló ra sau cánh cửa gỗ, mỉm cười chào lữ khách. Bất giác tôi buột miệng: “Đáng yêu quá!”.

Đứng trên cột cờ Lũng Cú, hít thở không khí của đất trời, thấy xiết bao tự hào. Chợt nghe văng vẳng tiếng cười lanh lảnh thân thương trong gió. Đất trời Hà Giang thật biết chiều lòng người, đã mang tiếng cười ngọt ngào của Mị, của Sính, của Mai đến bên du khách. Rặng núi xa mờ kia là Sủng Trà; nơi đó, có những bông hoa rừng bé nhỏ, đang chúm chím làm đẹp cho đời.

Theo Sggp.org.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý