Tuyệt chiêu làm đẹp của lang băm: Kinh hoàng hàng ngàn sản phẩm “3 không"

sakura1 sakura1 @sakura1

Tuyệt chiêu làm đẹp của lang băm: Kinh hoàng hàng ngàn sản phẩm “3 không"

Kết quả kiểm tra khiến nhiều người phải giật mình khi có đến hàng ngàn sản phẩm “3 không” đang được lưu thông trên thị trường. Trị giá lô hàng theo giá bán lên đến hàng trăm triệu đồng.

10/07/2017 08:20 AM
502

Sau khi báo ĐS&PL đưa tin, cơ quan quản lý thị trường đã nhanh chóng xác minh cơ sở của Xuân Ngọc Đường “đóng đô” ở một căn phòng nhỏ chưa đến 15m2. Kết quả kiểm tra khiến nhiều người phải giật mình khi có đến hàng ngàn sản phẩm “3 không” đang được lưu thông trên thị trường. Trị giá lô hàng theo giá bán lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cuộc kiểm tra sau khi báo ĐS&PL lên tiếng

Sau khi phát hiện được những dấu hiệu “mờ ám” của cơ sở Đông y gia truyền Xuân Ngọc Đường, PV báo ĐS&PL đã có buổi làm việc với đội Quản lý thị trường số 6, chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, để cung cấp thông tin và đề nghị đơn vị phối hợp làm rõ về cơ sở này.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của báo ĐS&PL, ngày 15/6/2017, đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh Xuân Ngọc Đường ở địa chỉ số 5/57/63 Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội theo Quyết định kiểm tra số 0011051/QĐ-KT.

Tuyệt chiêu làm đẹp của lang băm: Kinh hoàng hàng ngàn sản phẩm “3 không" - Ảnh 1Phóng to

Hơn 2.000 sản phẩm được kiểm tra tại Xuân Ngọc Đường (Ảnh: Thành Long).

Theo kết quả kiểm tra, Xuân Ngọc Đường là cơ sở đang hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh thuốc đông y do anh Trần Khánh Linh (SN 1992, trú tại Đông Anh, Hà Nội) làm chủ. Điều bất ngờ khi PV cùng với cán bộ quản lý thị trường kiểm tra cơ sở bán thuốc đông y Xuân Ngọc Đường này chính là việc nhân viên tư vấn tên Việt (PV đã nhắc đến trong các bài báo trước) đã tiếp PV cũng chính là Trần Khánh Linh, chủ cơ sở(?!). Trên thực tế, ông chủ cơ sở này đã kiêm luôn nhân viên tư vấn nhưng lấy một cái tên hoàn toàn khác.

Tại buổi kiểm tra, Linh không không xuất trình được giấy tờ gì liên quan đến hoạt động kinh doanh cũng như giấy chứng nhận của ngành y tế. Cơ sở của Linh cũng không tuân thủ các điều kiện bán thuốc đông y theo quy định của pháp luật.

Cũng trong quá trình kiểm tra, ngoài cơ sở tại phòng 601 của chung cư mini, đội Quản lý thị trường số 6 cũng đã phát hiện ra một kho chứa các sản phẩm đông y của cơ sở này. Sau khi kiểm tra và thống kê, đội Quản lý thị trường đã phát hiện ra 2.385 sản phẩm đông y không nhãn mác, không chứng nhận của cơ sở y tế.

Tuyệt chiêu làm đẹp của lang băm: Kinh hoàng hàng ngàn sản phẩm “3 không" - Ảnh 2Phóng to

Các loại thuốc không nhãn mác, không chứng nhận y tế sắp được đưa ra thị trường.

Các loại sản phẩm được liệt kê đầy đủ trong đó có cả bột tăng cân Gia An, trị mụn gia truyền Xuân Ngọc Đường, trị nám, trị mụn, trắng da và thuốc chữa hôi nách, các sản phẩm liên quan đủ loại từ uống trực tiếp vào cơ thể, bôi ngoài da đến đắp mặt...

Đáng nói toàn bộ số sản phẩm này, chủ cơ sở đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ có liên quan. Cũng tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sử dụng ứng dụng bán hàng online qua facebook mang tên đông y gia truyền để trưng bày và kinh doanh sản phẩm trên. Đoàn kiểm tra của đội Quản lý số 6 đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ toàn bộ 2.385 sản phẩm để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Thông tin với PV, ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 6 cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ phía báo ĐS&PL, đơn vị đã nhanh chóng xác minh và quyết liệt xử lý cơ sở đông y Xuân Ngọc Đường để ngăn chặn, phòng ngừa những sản phẩm không rõ nguồn gốc gây hại cho sức khỏe của người sử dụng.

Ông Nghĩa cho biết: “Cơ sở Xuân Ngọc Đường là trường hợp tiêu biểu của “3 không”: Không đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, không có chứng chỉ hành nghề, bán thuốc. Dù không có bất kỳ giấy chứng nhận nào, nhưng trên các trang mạng xã hội, web- site của cơ sở này đều quảng cáo hết sức bóng bẩy...”.

Sau vụ việc này, ông Nghĩa cũng mong muốn báo ĐS&PL tiếp tục hợp tác trao đổi thông tin về hoạt động kinh doanh sản phẩm đông y trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Vươn vòi vào TP.HCM

Song song với quá trình làm việc với đội Quản lý thị trường số 6, PV báo ĐS&PL cũng đã đặt lịch làm việc với sở Y tế Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi PV liên hệ, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc sở Y tế Hà Nội đã không sắp xếp lịch làm việc mà yêu cầu PV nhắn tin địa chỉ cơ sở bán sản phẩm để bà Hà cho kiểm tra.

Sau khi PV nhắn địa chỉ bán sản phẩm, đầu giờ chiều cùng ngày, bà Hà đã nhắn tin lại cho PV biết cơ sở Xuân Ngọc Đường chưa được sở Y tế cấp phép hoạt động và sở Y tế Hà Nội sẽ giao cho phòng Quản lý hành nghề tiến hành kiểm tra và xử lý cơ sở đông y “chui” nói trên.

Theo quy định của pháp luật về việc bán thuốc đông y, người có bài thuốc gia truyền phải được sở Y tế cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền theo quy định của bộ Y tế. Người có bài thuốc gia truyền phải đăng ký hành nghề tại địa phương cấp giấy chứng nhận và chỉ được đăng ký một trong hai hình thức hành nghề là: Khám chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền; Sản xuất kinh doanh bằng bài thuốc gia truyền. Đồng thời, những cơ sở đông y gia truyền chỉ được phép hành nghề khi được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động.

Sau sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tại Hà Nội, các hoạt động quảng cáo của Xuân Ngọc Đường có địa chỉ tại Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm đã dừng lại. Trang http://xuanngocduong.com/ đã thông báo bảo trì website, còn tại địa chỉ mạng xã hội http://www.facebook.com/dongygia- truyen6868 cũng đã dừng các hoạt động buôn bán.

Tuy nhiên, trong khi cơ sở tại đường Lê Đức Thọ gần như chấm dứt hoạt động sau sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành thì các hoạt động của trang web http://xuanngocduong.vn/ của công ty TNHH kỹ thuật công nghệ Gia Long có địa chỉ tại 76/7E ấp Xuân Thới Đông 3, Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM vẫn hoạt động bình thường.

Thậm chí, ngày 18/6, khi PV nhập vai khách hàng ở Hà Nội, nhờ tư vấn tăng cân, nhân viên tư vấn của trang web trên vẫn hướng dẫn PV đến cơ sở Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm để được tư vấn mua sản phẩm. Nhân viên tư vấn này cũng không quên khẳng định với PV đây chính là cơ sở 2 của cơ sở đông y gia truyền Xuân Ngọc Đường.

Khi PV hỏi các bài thuốc này có chứng nhận về y tế hay không, cũng như tại Hà Nội, nhân viên tư vấn này rất “thẳng thắn” nói rằng, đây là các phương thuốc gia truyền có từ nhiều đời của Xuân Ngọc Đường (trước đây từng có tên là Bảo Ngọc Đường) nên không cần giấy và cũng chưa có chứng nhận của các cơ quan y tế.

Đề nghị các cơ quan chức năng TP.HCM cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra cơ sở y tế không phép này, tránh những hệ lụy không đáng có.

Có thể thấy những năm qua, hoạt động của các cơ sở hành nghề đông y nói riêng và hành nghề y dược tư nhân nói chung phát triển nhanh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, cũng có không ít kẻ mượn mác “gia truyền” để hành nghề không phép, không có sự quản lý của các cơ quan chức năng. Sản phẩm của những cơ sở này tiềm ẩn không ít nguy cơ cho người bệnh.

Cả nước chỉ có 500 cơ sở y tế đông y được chứng nhận

Số liệu thống kê của cục Quản lý y dược cổ truyền (bộ Y tế) cho thấy, hiện nay cả nước có khoảng 500 cơ sở kinh doanh, sản xuất dược liệu, thuốc đông y. Là mặt hàng liên quan sức khỏe con người nhưng do công tác quản lý còn nhiều bất cập, thiếu kiểm soát chặt chẽ, nên số lượng cơ sở đông y và các hoạt động buôn bán sản phẩm đông y đang bùng phát một cách khó kiểm soát.

Lại Cường - Đỗ Chang

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý