Tuyệt kỹ võ công 'Bóng trăng Phồn Xương' của Hoàng Hoa Thám

mesu mesu @mesu

Tuyệt kỹ võ công 'Bóng trăng Phồn Xương' của Hoàng Hoa Thám

Vùng đất Yên Thế chính là nơi phát tích, khởi nguồn của bộ môn võ sáo độc nhất vô nhị còn lưu truyền đến nay. Đặc biệt, là bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương” do chính lãnh tụ nghĩa quân Yên Thế Hoàng

24/05/2015 09:14 PM
305

Đặc biệt, là bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương” do chính lãnh tụ nghĩa quân Yên Thế Hoàng Hoa Thám sáng tạo. Bài võ huyền ảo này từng khiến giặc Pháp kinh sợ, khi mỗi lần phải “giáp mặt” với nghĩa quân Yên Thế.

Tuyệt kỹ võ công có một không hai

Trong quá trình thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi may mắn khi biết được Hoàng Hoa Thám còn để lại cho đời một bài võ tuyệt kỹ có tên là “Bóng trăng Phồn Xương”. Bài võ được Hoàng Hoa Thám sáng tạo trong những ngày tháng rèn binh ở đồn điền Phồn Xương mà chúng tôi có nhắc đến trong kỳ trước.

Khi chúng tôi tìm đến thị trấn Cầu Gồ (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang), nơi phát tích của khởi nghĩa này thì mới hay đến những em học sinh nhỏ nơi đây cũng biết vanh vách từng thế tấn, đường quyền của môn võ này.

   - Ảnh 1

Trình diễn tập thể bài võ “Bóng trăng Phồn Xương”.

Người có công khôi phục môn võ này là võ sư Trịnh Như Quân. Lần theo những chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến gặp võ sư Quân ở TP.Bắc Giang. Ông là con của võ sư Trịnh Như Hiền nổi tiếng một thời. Từ khi mới lên 6 tuổi, ông đã đam mê luyện võ. 18 tuổi cũng như bao thanh niên khác, ông lên đường làm nghĩa vụ quân sự, rèn luyện nhân cách anh bộ đội Cụ Hồ.

Sau khi giải ngũ, ông đi làm công nhân, rồi tham gia đoàn văn nghệ xung kích. Từ năm 1990, ông được Sở Thể dục – Thể thao tỉnh Bắc Giang mời làm chuyên gia giảng dạy bộ môn võ thuật cho thanh niên, học sinh, từ đó phát hiện tài năng đưa vào đội tuyển của tỉnh đi thi đấu đỉnh cao. Trong một lần, ông đi sưu tầm các bài võ trên quê hương khởi nghĩa Yên Thế ở bản Rừng Phe (xã Tam Tiến, huyện Yên Thế), ông đã được “thỉnh giáo” võ sáo của một truyền nhân, đó là cụ Triệu Quốc Uy đã 90 tuổi.

Cụ Uy là cháu đích tôn của một nghĩa quân cận vệ dưới thời Hoàng Hoa Thám. Cụ Uy kiểm tra tướng mạo, thấy ông ham mê học võ, cụ nhận ông làm học trò duy nhất. Ba năm xa vợ con “cắm trại” khổ luyện trong rừng sâu, ông Quân đã tường tận bài võ sáo mang tên “Bóng trăng Phồn Xương” mà sư phụ truyền dạy. Nhìn cậu học trò cưng cần mẫn tập luyện, cụ Uy gật gù: “Cái tay Quân nhỏ thó mà lĩnh hội rất nhanh. Tôi chết cũng nhắm mắt được rồi”.

   - Ảnh 2

Võ sư Trịnh Như Quân trình diễn một thế trong bài võ “Bóng trăng Phồn Xương”.

Theo như lời kể của ông Quân, thì nghĩa quân Yên Thế ngoài việc sử dụng thông thạo các loại vũ khí như: súng trường, súng kíp, thuốc nổ và các loại binh khí như kiếm, đao, cung nỏ… Nghĩa quân Yên Thế còn có những thứ vũ khí cổ truyền tưởng chừng như vô hại nhưng trên thực tế lại rất lợi hại, nguy hiểm như: thiết phiến (quạt sắt), nhiễu tiêu (roi mềm đi ngựa), thoa (trâm cài đầu)… và đặc biệt là bài võ sáo độc đáo có một không hai này.

Tương truyền đây là bài võ mà Hoàng Hoa Thám rất say mê và thích thú mỗi khi xem nghĩa quân luyện tập. Bài võ này cũng đã cùng với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám “tả xung hữu đột” trong nhiều trận đánh, khiến cho quân giặc bị tấn công bất ngờ và kinh sợ.

Rạng danh khí phách “hùm thiêng Yên Thế”

Nói về nguồn gốc bài võ này, võ sư Quân cho biết, xưa kia, làng bản nào ở Yên Thế cũng có truyền thống võ thuật, dù mỗi nơi có một phong cách khác nhau song tất cả các thế võ đều có tiếng nói chung là, dùng sức mạnh và độ khéo léo của đôi tay chủ động tấn công đối phương. Nghĩa quân Yên Thế xưa đã dùng những cây sáo bằng sắt để tập hợp quân sĩ hay làm tín lệnh để báo hiệu có kẻ thù đến.

“Bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương” trước kia có tên “Thiết địch thần phong” gồm 6 thế tấn (tả cảnh), 13 thuật đặc dị kiếm pháp và 51 chiêu thức cụ thể, chiêu thức cuối cùng là hợp địch quy nguyên.

Với các thế tả đột hữu xông, nhanh nhẹn, uyển chuyển và bất ngờ, đôi mắt mơ màng, đăm đắm nhìn xa xăm vào một khoảng không gian, đôi tay lả lướt trên cây kỳ sáo, đôi chân linh hoạt khua nhẹ những thế tấn… chỉ chưa đầy 10 phút, 50 thế võ huyền ảo thực mà như mơ đã được biểu diễn xong”, võ sư Quân cho biết thêm.

Cũng theo võ sư Quân, sáo sắt thời nghĩa quân xưa dài tương đương một cây mã tấu (dài 65 - 70 cm, nặng 400g); với thế đánh, đỡ, đâm từ sát thương đến hạ thủ địch; đầu sáo bao giờ cũng buộc tua vải màu, trang trí như ở phần đuôi đao.

Khi hội hè, lúc thư giãn, người sử dụng có thể tấu lên những bản nhạc tâm tình, tự sự, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu cuộc sống. Nhưng khi xung trận, cây sáo lại trở thành thứ binh khí vô cùng uyển chuyển, cương, nhu nhịp nhàng, khi thu sáo vào thì như một bông hoa; khi đâm sáo ra thì chắc như đinh đóng cột chế ngự đối phương rất hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay số người thể hiện được võ sáo không nhiều cho nên việc bảo tồn, truyền dạy môn võ này là rất cần thiết. Vì vậy việc khôi phục võ sáo và biểu diễn tại lễ hội sẽ góp phần gìn giữ và tôn vinh sản phẩm văn hóa tinh thần độc nhất vô nhị này.

Võ sáo không phải loại võ thuật dễ học. Ngoài phẩm chất của một võ sĩ, phải có tâm hồn, đôi tay của một nghệ sĩ sáo. Cân bằng cho được hai mảng tưởng như khắc chế lẫn nhau là võ và nhạc mới có thể học được võ sáo. Ông tự hào là đã thổi được hàng trăm bài sáo, kể cả nhạc nước ngoài, và tự tin hòa tấu cùng dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp.

Để những vị “khách lạ” thưởng lãm, võ sư Quân cầm một cây sáo sắt kỳ dị nặng tới gần chục kg tiếp tục oai phong với từng tiết tấu: “Ngoài hiên giọt mua thu thánh thót rơi/Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi/Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu/Ai khóc ai than hờ...”.

Đến đây, võ sư Quân liền tả đột hữu xông, nhanh nhẹn, bất ngờ, đôi mắt mơ màng, đăm đắm nhìn xa xăm, đôi tay lả lướt trên cây kỳ sáo, đôi chân linh hoạt khua nhẹ những thế tấn... rồi tung hứng đập vỡ tan tành đống gạch ngói trước mặt mà ông mường tượng đó là chiếc thủ cấp của quân thù. Những thế võ huyền ảo, hư thực khôn lường, ảo diệu biến hóa vô cùng.

Võ sư Quân bảo rằng, không muốn mình là truyền nhân duy nhất của võ sáo Yên Thế. Vị võ sư băn khoăn, lo lắng, nhất là võ sáo bị mai một, thất truyền. Do đó, võ sư Quân rất vui, khi đã tìm được những truyền nhân đích thực. Nhiều võ đường ở Bắc Giang, Bắc Ninh… đã đưa bộ môn võ sáo vào giảng dạy.

Bắt đầu từ năm 2012, võ sáo được UBND huyện Yên Thế tổ chức cho 200 học sinh THCS trong huyện học tập có kết quả. Các em đã biểu diễn tại lễ hội Hoàng Hoa Thám (16/3 Dương lịch hằng năm) được người xem tán thưởng. Trong đó, có một số môn sinh có tư chất đặc biệt rất phù hợp với việc luyện tập môn võ này.

Người lĩnh hội được tinh túy của Hoàng Hoa Thám

Sinh thời, nhà thơ Xuân Hồng nói về Hoàng Hoa Thám: “Lạ chưa, có thủ lĩnh nào đầy tính nhân văn như thế. Trong chiến trận ác liệt, ông vẫn tổ chức lễ hội hằng năm cho quân dân Yên Thế, duy trì tục phóng ngư, phóng điểu, thả hoa đăng thể hiện khát vọng tự do, ước muốn hòa bình. Con người ấy là con người của văn hóa, một chiến tướng nhưng lãng mạn. Võ sư Trịnh Như Quân dường như có chất ấy, lãnh hội được vẹn toàn cái chất của bài võ”.

Lê Đại - Quang Trung

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý